NHNN sẽ thanh tra các vụ chuyển nhượng và thâu tóm, sở hữu chéo ngân hàng
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đẩy mạnh việc thanh tra chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu tại các ngân hàng để ngăn tình trạng sở hữu chéo trong năm nay.
Trong nhóm nhiệm vụ liên quan đến công tác cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), một nhiệm vụ được chú trọng là "ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD", NHNN cho biết.
Theo NHNN, những năm qua, NHNN đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp, ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại TCTD.
NHNN đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền các văn bản pháp luật, theo đó sửa đổi, bổ sung quy định nhằm hạn chế việc sở hữu của cổ đông lớn tại nhiều TCTD, hạn chế việc lạm dụng vị trí người quản lý, người điều hành cổ đông lớn trong việc nhận cấp tín dụng của TCTD; quy định cụ thể các trường hợp người quản lý, điều hành của TCTD không được kiêm nhiệm chức vụ tại các TCTD, doanh nghiệp khác…
NHNN tiếp tục chỉ đạo ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định. Theo đó, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trong hệ thống TCTD từng bước được xử lý, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng chi phối ngân hàng đã được hạn chế.
Thời gian qua, cùng với công tác quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát, NHNN cho biết, việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa TCTD, TCTD và doanh nghiệp theo báo cáo của TCTD qua xử lý đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây. Cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định chủ yếu còn tại các Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo xử lý nhằm tập trung vốn cho hoạt động kinh doanh chính và sử dụng vốn có hiệu quả hơn.
TCTD và người có liên quan của TCTD góp vốn, mua lại cổ phần TCTD khác vẫn là vấn đề cần quan tâm có thể tiềm ẩn rủi ro. Do vậy, cùng công tác quản lý, thanh tra, NHNN đã có nhiều chỉ đạo các TCTD xử lý tồn tại. Kết quả là, tình trạng sở hữu này đã giảm đáng kể, khắc phục được tình trạng sở hữu cổ phần của NHTM tại một TCTD khác vượt tỷ lệ quy định trên 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác, sở hữu cổ phần của TCTD tại TCTD khác giảm.
Theo NHNN, khó khăn trong việc ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo trong các nhà băng liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ, ngành. Thực tế, đối tượng quản lý của NHNN chỉ là các tổ chức tín dụng, vì vậy việc sở hữu chéo giữa các công ty trong lĩnh vực khác, NHNN không có thông tin cũng như không có công cụ để kiểm soát.
Mặc dù chủ yếu phát sinh trước khi Luật các TCTD 2010 có hiệu lực, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trực tiếp giữa các TCTD với nhau và giữa TCTD với doanh nghiệp dần được xử lý. Tuy nhiên, vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
Do đó, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn…Trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN chỉ đạo TCTD xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Đối với các trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm, NHNN sẽ xem xét chuyển cơ quan công an để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có) nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Ngoài ra, NHNN đã đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2023 nội dung thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các TCTD có thể dẫn đến việc thâu tóm chi phối TCTD; cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn…).
Nhật HàTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.