NHNN triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bão số 3

Ngân hàng
08:58 AM 19/09/2024

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại, bàn triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào nước ta đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua tổng hợp sơ bộ nhanh đến ngày 17/9 từ các tổ chức tín dụng và 26 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các địa bàn bị ảnh hưởng thiệt hại, có khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỷ đồng. 

Còn theo thống kê sơ bộ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước là: BIDV, VCB, Agribank và Vietinbank, có khoảng 13.494 khách hàng bị ảnh hưởng với số dư nợ khoảng 191.457 tỷ đồng. Dự kiến số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đang tiếp tục thống kê và cập nhật số liệu.

NHNN triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bão số 3- Ảnh 1.

Cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3

Phó Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Việt Cường nêu, dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 chiếm 7% dư nợ của VCB. Sau khi rà soát, VCB giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với các khoản vay hiện hữu và vay mới của khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do bão. Ước tính, số tiền hỗ trợ khoảng 22.000 tỷ đồng.

Phó Tổng giám đốc Agribank Hoàng Minh Ngọc cho biết, đến ngày 16/9, Agribank ước tính dư nợ bị thiệt hại nặng là hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó các lĩnh vực chủ yếu là thủy hải sản, trồng trọt, chăn nuôi...

Agribank đã chỉ đạo toàn hệ thống, đặc biệt các chi nhánh trên địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng do bão triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay theo mức độ thiệt hại, tiếp tục cho vay mới...

Tại buổi làm việc, đại diện các ngân hàng đều khẳng định sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để áp dụng chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng như giảm lãi suất cho vay, tăng quy mô gói hỗ trợ... Tuy nhiên, hiện tại các ngân hàng đang thiếu cơ sở pháp lý để triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng trên diện rộng, nhất là chính sách khoanh nợ.

Các ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có chính sách mới về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do bão, lũ cho phù hợp...

Trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng trên nhiều mặt, không chỉ bằng nguồn lực tài chính, nguồn vốn mà cần hỗ trợ tư vấn, động viên khách hàng trong thời điểm khó khăn này.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp một cách công khai minh bạch, tuyệt đối không lợi dụng chính sách, áp dụng đúng đối tượng; chấp hành tốt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. “Trong những lúc khách hàng khó khăn, sự động viên hỗ trợ cả về tinh thần, tài chính của ngân hàng giúp khách hàng vơi đi nỗi lo. Tuy vậy, làm ngân hàng thì uy tín phải cao, nói sao, làm đúng như vậy phải công khai và minh bạch” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng cơ chế thông tin báo cáo giám sát đầy đủ, kịp thời với cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước, chính quyền địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện qua các phương tiện.

Ngoài ra, Phó Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng rà soát khách quan, minh bạch theo mức độ ảnh hưởng và phân loại đối tượng bị thiệt hại để xây dụng chương trình hỗ trợ phù hợp; xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp với năng lực của mỗi tổ chức tín dụng trên trên tinh thần tích cực, trách nhiệm cao nhất, tập trung vào chính sách giãn, hoãn thời hạn trả nợ; chính sách giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ do ảnh hưởng của bão lũ và cả các khoản vay mới; tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương và Ngân hàng Nhà nước để chung tay khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra…

Để các tổ chức tín dụng mạnh dạn triển khai các giải pháp hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn cơ chế giãn, hoãn các khoản nợ bị ảnh hưởng do cơ bão số 3 gây ra. Trong quá trình triển khai nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, các tổ chức tín dụng chủ động báo cáo đề xuất cơ quan quản lý.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.