NHNN: Tỷ giá sẽ được ổn định chứ không phải cố định

Tài chính - Đầu tư
08:46 AM 29/04/2024

NHNN đang có những giải pháp nhằm quản lý và điều hành tỷ giá trong thời gian tới. NHNN sẽ ổn định tỷ giá, chứ không cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm.

Đó là nhận định của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 về thông tin tỷ giá trên thị trường.

NHNN: Tỷ giá sẽ được ổn định chứ không phải cố định- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong tuần qua, tỷ giá trung tâm cũng như giá USD tại các ngân hàng thương mại đã hạ nhiệt từ giữa tuần với tổng cộng giảm 29 đồng. Trong khi đó, tuần trước đó tỷ giá trung tâm tăng 164 đồng, giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng 260 đồng.

Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua, tỷ giá đang có những dao động và VND cũng chấp nhận mất giá so với đầu năm. Năm 2023, VND mất giá khoảng 2,6% nhưng so với các nước xung quanh, việc giữ được mức này là rất nỗ lực.

Đến nay, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước cũng giảm còn 4,8% so với năm 2023. Tuy nhiên, mức mất giá này được đánh giá là tích cực so với nhiều thị trường như Đài Loan (Trung Quốc) 5,96%; Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ,… đều mất giá cao hơn.

Tuy nhiên thời gian tới, tỷ giá ngân hàng, đặc biệt là tỷ giá trung tâm có thể giữ nguyên và giảm dần, từ đó tỷ giá USD ngoài thị trường cũng sẽ giảm theo. 

Ông Tú nhận định: "Đây là trạng thái bình thường của nền kinh tế".

Hiện nay, cân đối ngoại tệ trên thị trường có những gay gắt hơn thời gian trước bởi tỷ giá đang lên và nguồn ngoại tệ đang căng thẳng, cộng với yếu tố tâm lý nên giá USD tự do đang tăng cao.

Theo ông Đào Minh Tú, tỷ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động tới lạm phát. Do đó, NHNN cũng đặt vấn đề quản lý tỷ giá và điều hành trong thời gian tới. Chúng ta ổn định tỷ giá, chứ không cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm.

NHNN đã có những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên như điều tiết lượng tiền trong lưu thông để hài hòa, điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỷ giá và tính toán mức độ hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách cho vay ngoại tệ đối với hàng hóa ưu tiên vì có xuất khẩu mới có ngoại tệ. Do đó, các ngân hàng phải ưu tiên cho vay những lĩnh vực như cà phê hiện đang được giá; gói 30.000 tỷ đồng cho xuất khẩu thủy sản; xuất khẩu gỗ cũng được Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp triển khai quyết liệt.

Tương tự, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo đẩy mạnh cho vay kinh doanh lúa gạo cho khu vực lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và những lĩnh vực khác.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong những chính sách của Ngân hàng Nhà nước, xuất khẩu luôn được ưu tiên.

Ngoài ra, điều hành tỷ giá trung tâm còn để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ. NHNN đã đẩy mạnh các công cụ để có lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và biện pháp cuối cùng là mang tính chất hành chính, khi buộc phải dùng quỹ dự trữ ngoại hối để bán can thiệp.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.