NHNN Việt Nam: Thúc đẩy Chiến lược tài chính toàn diện
Ngày 10/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, thúc đẩy tài chính toàn diện để trong tương lai, mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam đều sẽ "được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý" đang là chiến lược lớn của ngành Ngân hàng.
Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững. Theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm, mục tiêu của Chiến lược là ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; ít nhất 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25% hàng năm…
Thúc đẩy đẩy tài chính toàn diện đang là chiến lược lớn của NHNN. Vì thế, vào tháng 7 vừa qua, để thực hiện các mục tiêu trên, NHNN đã ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Kim Anh Phó - Thống đốc NHNN đã yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, đảm bảo đúng yêu cầu và lộ trình đề ra.
Ngoài ra, Phó Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các đơn vị cần lồng ghép nội dung của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược một cách phù hợp, hiệu quả vào Chiến lược, kế hoạch phát triển của đơn vị mình. Đặc biệt, thường xuyên tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, xác định khả năng đạt được nhiệm vụ được giao để có giải pháp phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.
Theo nhiều ý kiến đại biểu tại hội nghị, chiến lược tài chính toàn diện cần sự hỗ trợ của công nghệ và hành lang pháp lý để nhanh chóng đạt mục tiêu.
Bà Nguyễn Thị Hoà, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết: Để phát huy vai trò của tài chính toàn diện, cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hơn nữa song song với phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản. Bên cạnh đó, hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, đặc biệt là nhóm giải pháp về phía người tiêu dùng tài chính bao gồm: giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng, bảo hiểm tiền gửi.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, việc phủ sóng tài chính toàn diện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, 30% khách hàng chưa có tài khoản và là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất, đây cũng là đối tượng rất cần tới tài chính toàn diện. Ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, chiến lược tài chính toàn diện sẽ khó đạt mục tiêu nếu người dân không được mở tài khoản trực tuyến, không có hệ thống tài khoản đa cấp độ, không có hệ thống đại lý ngân hàng - cánh tay nối dài của ngân hàng -để làm điểm nạp và rút tiền…
Theo ông Dũng, thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển rất mạnh thời gian qua, những người đã từng thanh toán qua điện thoại hầu như đều không quay lại thanh toán tiền mặt. Hiện nay, hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, "hòn đá tảng" trong thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay đang là thói quen. Để phá vỡ hòn đá tảng này, cần những đòn bẩy chính sách và sự tham gia mạnh mẽ của truyền thông. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cũng cần hoàn thiện hơn nữa.
Ông Dũng kỳ vọng, trong tháng 9 này, NHNN sẽ trình được các Nghị định liên quan đến các vấn đề lớn như: đại lý ngân hàng, tiền điện tử, thanh toán quốc tế, Mobile Money. Bên cạnh đó, eKYC (xác thực điện tử) chính là "vé gửi xe" để mở rộng tài khoản cá nhân, cơ sở để thúc đẩy tài chính toàn diện.
Theo NHNN, năm 2020, dự kiến cả nước có khoảng 89 triệu tài khoản cá nhân, tương đương 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm nay, thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 180%. Tại nhiều ngân hàng như VCB, TPBank, VPBank... lượng khách hàng giao dịch qua kênh trực tuyến chiếm hơn 90%, khách hàng giao dịch tại quầy chỉ dưới 10%.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.