NHNN yêu cầu giám sát 14 ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động của 14 tổ chức tín dụng để ngăn ngừa rủi ro có tính trọng yếu, mang tính hệ thống...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định 538/QĐ-NHNN phê duyệt nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống năm 2024.
Theo đó, 14 ngân hàng thuộc nhóm các tổ chức tín dụng có tầm quan trọng hệ thống năm 2024, trong đó có 4 ngân hàng trong nhóm Big4: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Ngoài ra, 10 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân được nêu tên trong danh sách bao gồm Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
Ngoài ra còn có Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Nhà điều hành yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động của 14 tổ chức tín dụng nêu trên để ngăn ngừa rủi ro có tính trọng yếu, rủi ro mang tính hệ thống.
Trước đó vào năm 2021, NHNN cũng đã công bố danh sách 17 tổ chức tín dụng có tầm quan trọng hệ thống. Như vậy, danh sách năm 2024 đã ít hơn năm 2021 ba ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank); Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Huyền My (t/h)Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.