Nhớ anh Lưu Vinh - một nhà báo đam mê, sống chết cùng con chữ
Tin Đại tá, nhà báo Lưu Vinh, nguyên Phó Tổng biên tập Báo CAND từ giã cõi trần khiến tôi cùng nhiều bạn bè, người đọc từng quen biết anh, mến phục anh cảm thấy đột ngột, bùi ngùi.
Ngẫm nhiều việc với anh còn dang dở. Anh sống hồn nhiên, trong trẻo và hình như ra đi cũng hồn nhiên, không một lời nhắn gửi, không một lời oán trách dù cuộc sống gần 70 tuổi trong cõi đời đầy giông gió này hẳn còn không ít chuyện không vui. Thương anh đi đột ngột, nhanh quá!
Mấy bữa trước, có người nói anh Lưu Vinh bị ốm, tôi định vài bữa vào thăm anh, nhưng bây giờ thì không kịp nữa rồi. Anh đi mang theo nhiều kỷ niệm đáng nhớ của chúng tôi về một thời làm báo nhộn nhịp ở Báo CAND. May mà vừa tháng trước Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội làm một phóng sự chân dung về anh “Đại tá, nhà báo Lưu Vinh, người kết nối khát vọng và đam mê”, tôi được Đài mời trả lời phỏng vấn, để được thêm một lần nói ra nhữngcảm nhận tốt đẹp về con người anh, một nhà báo say nghề, tận tụy với nghề, có nhiều thành công trong sự nghiệp làm báo mà nếu không nói ra, có khi cuộc sống bộn bề dễ khiến những suy nghĩ tốt đẹp ấy bị khuất vào quên lãng.
Nhà báo Lưu Vinh (ngoài cùng bên trái) cùng tác giả Nguyễn Hồng Thái (ngoài cùng bên phải) và họa sỹ Lương Xuân Tý trong một lần họp tiếp cộng tác viên Báo CAND.
Năm 1999, khi tôi chuyển công tác từ Cục Bảo vệ An ninh văn hóa - tư tưởng (Bộ Công an) về làm phóng viên Báo CAND thì anh Lưu Vinh đã là Trưởng Ban biên tập nội dung của Báo. Cảm nhận đầu tiên của một người lính như tôi về anh, đó là người nom bề ngoài thì “dữ tướng” nhưng chỉ giao tiếp một vài câu biết anh là người dễ gần.
Anh không rào đón, không câu chuyện làm quà mà giao việc ngay: “Tốt quá, Thái về đây cùng làm thì vui. Trước mắt ông đi viết hộ tôi mấy cái phóng sự về cầm đồ vì dạo này thấy nó láo nháo quá. À quên, ông viết hộ tôi những nghệ sỹ kinh doanh thời thị trường xem thế nào? Viết luôn mấy kỳ, ngắn thôi. Tiện thì ông viết về nghệ sỹ hài Xuân Hinh cho tôi một cái. Hài Xuân Hinh dạo này ăn khách lắm. Viết là bán được đấy. Nhá, thế thôi. Đi làm đi”. Rồi anh cúi xuống lúi húi duyệt bài hoặc viết cái gì đó rất chăm chú.
Chỉ mấy câu như vậy là tôi hiểu ngay anh là người làm báo bám sát thị trường. Mỗi lần họp phân công đề tài, nghe phóng viên đăng ký bài xong, anh “quyết ngay”, cái này viết được, cái kia thôi không làm. Đề tài của phóng viên trẻ mới vào nghề anh dặn đi dặn lại triển khai theo hướng nào, gặp ai lấy tài liệu, phỏng vấn ai, viết khoảng bao nhiêu chữ. Anh định hướng bài báo phải hay, góp phần tăng tia-ra, bài nào xuất sắc, anh đề nghị Tổng biên tập thưởng xứng đáng.
Nói thật là những ai mới vào nghề mà được anh hướng dẫn như thế thì sẽ trưởng thành rất nhanh. Tôi và mấy phóng viên vừa tốt nghiệp ra trường rất hào hứng làm việc khi được sếp giao việc, khích lệ.
Bài viết nộp cho Trưởng ban, dù ở bất cứ thời gian nào, tối muộn hay chuẩn bị đi ăn cơm trưa, anh đều nán lại xem ngay. Thậm chí biên tập ngay cho phóng viên để kịp gửi Thư ký tòa soạn. Cử chỉ trân trọng bản thảo của phóng viên như thế không phải ai cũng làm được khiến lớp trẻ thêm yêu quý anh.
Sau này ngẫm lại, tôi thấy anh Lưu Vinh hồi ấy có lẽ vì thương anh em làm vất vả, muốn xem nhanh để nếu bài được thì đăng ngay, bõ công phóng viên. Những chi tiết dường như nhỏ nhặt ấy ẩn bên trong ý thức trách nhiệm với cấp dưới, với tờ Báo CAND cái thời bươn bả đường phố cùng tiếng rao của tổ bán báo Xa mẹ.
Có thể nói, anh Lưu Vinh là một nhà báo yêu nghề và say nghề cùng với sự cần mẫn hiếm có. Anh viết nhiều, viết khỏe, viết nhanh. Anh ăn nhanh và đi cũng nhanh. Dường như bữa ăn đối với anh không phải để thưởng thức, trò chuyện mà là ăn nhanh còn làm việc. Nhiều bữa chúng tôi liên hoan, cánh trẻ thì rượu vào lời ra, khề khà làm bộ văn nghệ sỹ. Riêng anh thì nói vài câu chuyện và ăn rất nhanh vài bát cơm đạm bạc rồi chào chúng tôi, lững thững đi bộ về tòa soạn. Hình như có một bản thảo nào dang dở đang chờ anh.
Nhiều buổi trưa, tôi thấy anh không ngủ, thường ngồi viết hoặc biên tập bài đến tận chiều. Anh viết nhiều, nhất là các vụ việc phức tạp liên quan đến các vụ án nổi cộm, ký chân dung, nhất là chân dung các doanh nghiệp thời bấy giờ. Anh chơi với nhiều doanh nhân giàu có, nhưng đời anh thì chưa bao giờ giàu. Anh sốt sắng bảo vệ các doanh nghiệp, doanh nhân khi họ bị oan sai, bảo vệ một cách hồn nhiên với niềm tin công lý thuộc về ngòi bút mình.
Anh nhiệt thành, to tiếng để bảo vệ họ đến mức có khi bị người khác hiểu “có gì đấy” với doanh nghiệp. Nhưng không, vẫn cái xe máy cà tàng chở một nhà báo quá khổ, vẫn căn nhà bình dân dưới dốc đê La Thành mà mỗi dịp tết chúng tôi đến chơi phải dọn dẹp cho gọn gàng. Nhà chuyển đi chỗ khác thoáng hơn vẫn là chiếc tủ lạnh cũ, bộ sa lông cũng cũ, cái tủ sách, bàn ghế làm việc, sách báo cũ... đi theo.
17 tập sách “Doanh nhân Việt Nam - Nụ cười và nước mắt” do anh trực tiếp viết và làm chủ biên được Nhà xuất bản Giao thông vận tải ấn hành với gần 10 ngàn trang thể hiện tâm sức, đam mê, dũng khí của anh đồng hành cùng khát vọng của các doanh nhân, những người như anh đánh giá “nặng lòng với đất nước và đã đổ quá nhiều mồ hôi và nước mắt trong cuộc đời”.
Một số tác phẩm của Đại tá, nhà báo Lưu Vinh.
Lưu Vinh cứ hồn nhiên viết, hồn nhiên tập hợp, biên tập rồi chủ biên, vượt qua “điều tiếng” để đi bên cạnh các doanh nhân... Cái tâm sáng của một nhà báo như anh Lưu Vinh không cần phải chờ đợi thời gian mới nhìn nhận ra. Bạn đọc, doanh nhân yêu mến anh, nhiều đồng nghiệp cổ vũ anh, đó là phần thưởng lớn nhất của cuộc đời làm báo.
Khi được lãnh đạo Bộ Công an bổ nhiệm Phó Tổng biên tập Báo CAND, suốt 11 năm ấy (2001-2012), anh Lưu Vinh đã có công lớn đưa tờ báo phát triển. Dưới thời Đại tá, nhà văn Ngôn Vĩnh làm Tổng biên tập, anh cùng với Ban biên tập phát triển tờ báo phát hành hằng ngày, có lượng tia-ra rất lớn, được bạn đọc đón đợi, đời sống, thu nhập của anh chị em phóng viên rất khá.
Cánh phóng viên chúng tôi bây giờ nhớ lại vẫn cảm thấy thời ấy sao mà sống vui, bình yên, hạnh phúc đến thế! Sau này khi sáp nhập với Báo An ninh Thế giới do anh Hữu Ước làm Tổng biên tập, anh Lưu Vinh như được chắp cánh, càng đóng góp nhiều công sức và tài năng, góp phần đưa tờ CAND phát triển lên thương hiệu mới.
Được anh Lưu Vinh chỉ đạo và hướng dẫn thời báo chưa sáp nhập, một lớp nhà báo chúng tôi như: Xuân Hải, Hà Tuấn, Hà Văn Thể, Phúc Bồng, Quang Hào, Hồng Thái, Công Gôn, Kim Quý, Xuân Luận, Chí Long, Ngọc Tước, Thu Hòa, Thu Phương, Anh Hiếu, Hương Giang, Thu Thủy, Thu Cúc, Điệp Anh... được sống trong một không khí vui vẻ, ham làm việc và dấn thân, càng ngày càng trưởng thành về nghề.
Biết tôi là “lính mới”, lại nhiệt huyết, có chút văn chương nên đi đâu anh cũng rủ đi cùng. Thực ra đó là cách anh đào tạo phóng viên, đưa phóng viên sát với nhân vật, thời cuộc. Nhà báo trẻ thì thường hay ngại tiếp xúc với lãnh đạo khi phải phỏng vấn, nhưng anh Lưu Vinh thì không.
Anh thấy việc là làm, cần gặp ai là sốt sắng gặp, thấy báo cần bài là liên hệ với lãnh đạo để trò chuyện, phỏng vấn, nhất là những dịp làm báo Tết. Nhờ sự hồn nhiên, bạo dạn của anh mà tôi được “ăn theo” tiếp xúc, làm việc, trò chuyện, phỏng vấn các bác Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nhà thơ Tố Hữu, bác Vũ Kỳ, bác Đồng Sỹ Nguyên...Với đà quen biết ấy, tôi dần dần thạo việc, có thể chủ động tìm, trò chuyện với gia đình các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã mất.
Lúc nào anh Lưu Vinh cũng ủng hộ, khích lệ, động viên. Lúc tôi mới chỉ là Tổ phó Văn hóa - Xã hội và sau này là Phó Trưởng ban của Báo nhưng đã được Phó Tổng biên tập Lưu Vinh rủ cùng tham gia tổ chức bài thi Giải Báo chí Toàn quốc. Anh để tôi cùng bàn bạc, cùng tác nghiệp, cùng tranh luận chứ không dùng cấp trên áp đặt, vì thế mà các năm 2001, 2005, tác phẩm báo chí của chúng tôi ký chung Lưu Vinh - Hồng Thái đoạt 2 giải Nhì Giải Báo chí Toàn quốc.
Rồi năm 2009, anh và tôi, nhà báo Anh Hiếu cùng làm chung tác phẩm “Những doanh nhân Việt kiều nặng lòng cùng đất nước” được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia tặng giải Ba. Đó là dấu ấn trong đời làm báo không thể nào quên được, nó đánh dấu một bước trưởng thành, uy tín về nghề, là niềm vui, niềm tự hào âm thầm tác động mạnh đến con đường làm báo tiếp theo.
Sau này khi trở thành Phó Tổng biên tập của Báo dưới thời Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, tôi học theo cách của anh Lưu Vinh, cũng giúp đỡ, rèn cặp các phóng viên trẻ như một cách “trả ơn” anh Lưu Vinh và các nhà báo đàn anh khác. Có thể coi việc làm ấy là một cách tiếp tục gieo mầm cái đẹp cho đời sau để hình thành nên truyền thống nhân văn của Báo CAND…
Trong cuộc sống, anh Lưu Vinh rất ít nói về mình. Bố anh là cụ Lưu Huy Vát, cán bộ Công an Hải Phòng chi viện cho an ninh miền Nam ở Ban An ninh T4 Sài Gòn - Gia Định hy sinh năm 1968 trong đợt chiến đấu phục vụ Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân.
Anh sinh năm 1952 tại vùng lúa Hưng Hà, Thái Bình, là con cả, bố đi chiến trường, mẹ ở nhà nuôi 5 con nhỏ, cuộc sống những năm chiến tranh ấy vô cùng vất vả, anh phải giúp mẹ chăm sóc các em, giúp mẹ chăn bò, cắt cỏ, việc nhà.
Mới hơn 10 tuổi nhưng cứ mỗi buổi chiều sau buổi học sáng, cậu bé Lưu Vinh bơi qua sông Hồng sang phía Nam Định để cắt cỏ cho bò. Chiều chạng vạng tối, anh lại dìu hai gióng cỏ bơi qua sông trở về khi hoàng hôn rải màu tím thẫm trên dòng sông. Người ta thấy lờ mờ một cái bóng nhỏ cô đơn vẫy vùng đang dần sang bờ bên phía Thái Bình. Họ thoáng chút thở phào!
Rồi có lần nhà mẹ con anh bị cháy, thầy trò ngôi trường của Lưu Vinh kêu gọi học sinh quyên góp tre pheo, tranh nứa giúp đỡ gia đình có người đi chiến trường. Đó phải chăng là ký ức buồn nhưng đầy ân nghĩa đã gieo vào lòng nhà báo tương lai sự dấn thân.
Điều ấy giải thích tại sao, khi đã thành danh Phó Tổng biên tập Báo CAND, Tổng biên tập Báo Kinh doanh và Pháp luật, anh Lưu Vinh đã đi về nhiều chốn quê trong cả nước kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ, giúp đỡ cho nhiều ngôi trường và các gia đình nghèo, trong đó có ngôi trường quê hương Quảng Nam của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Giờ này khi đã về thế giới bên kia, lòng nhà báo Lưu Vinh hẳn thấy thanh thản. Anh kể với tôi một kỷ niệm buồn khác. Đó là năm 1975, chuẩn bị tốt nghiệp khóa D1 Đại học C500 (nay là Học viện An ninh), nghe lời mẹ dặn: “Con ra Hà Nội tìm tung tích của bố, vì mấy năm nay không có thư từ gửi về”, một buổi sáng chủ nhật, anh đánh đường đi bộ ra nhà đồng chí Nguyễn Tài, nguyên Trưởng ban An ninh T4. Đồng chí Nguyễn Tài nhìn người thanh niên mới lớn, nhớ ngay đến người cán bộ của mình là Lưu Huy Vát, nói nhỏ với Lưu Vinh: “Bố cháu đã hy sinh anh dũng năm 1968. Có lẽ bên chính sách sẽ báo tin sau”.
Lưu Vinh ra về, lòng trĩu nặng. Tôi vẫn chưa hình dung trên quãng đường đi bộ 13 cây số từ nhà đồng chí Nguyễn Tài về Học viện An ninh, lòng người sinh viên Lưu Vinh ngổn ngang thế nào, liệu nước mắt có rơi nhiều trên những con phố của Hà Nội hay không? Anh đã giấu mẹ già và các em, một mình giữ nỗi buồn bấm chí học hành...
Khi đọc bài báo tôi viết về gia đình mình, trước mặt tôi anh vừa đọc vừa khóc, bàn tay quệt nước mắt như trẻ thơ. Hẳn lúc ấy anh nhớ tuổi thơ, nhớ người cha thân yêu của mình. Mấy năm sau anh lặn lội về miền Đông Nam Bộ, nhờ người tìm được mộ bố anh nằm cùng đồng đội trong nghĩa trang của tỉnh Đồng Nai. Lúc đó mẹ anh còn sống, tuy đã yếu lắm. Chẳng rõ anh Lưu Vinh có kịp đưa mẹ mình vào Nam thắp hương cho bố hay không?
Bây giờ thì tôi càng hiểu, vì sao anh Lưu Vinh chọn nghề báo. Vốn là một cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế, anh có thể công tác, phấn đấu trưởng thành ở đây. Nhưng không, anh Lưu Vinh đã chọn con đường báo chí, nghệ thuật. Bắt đầu là cộng tác, say mê viết tin, viết bài tích cực rồi chuyển công tác về Báo CAND và gắn bó gần 30 năm, từ phóng viên phấn đấu thành lãnh đạo một cơ quan báo chí lớn trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.
Đó như một duyên phận của một người cán bộ Công an yêu tha thiết lịch sử, văn học, truyền thống cách mạng có cội rễ từ gia đình mình và nguyện để phấn đấu lan tỏa điều tốt đẹp ấy. Ngoài 17 tập “Doanh nhân Việt Nam - Nụ cười nước mắt”, anh đã xuất bản 5 tập thơ do Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Giao thông vận tải ấn hành, trong đó có nhiều bài thơ đã được phổ nhạc. Thơ anh đậm chất báo chí và lịch sử. Nhưng cao hơn hết là tâm hồn thao thiết yêu thương, da diết sống tử tế, nghĩa vụ và trách nhiệm.
Trong tập thơ “Tặng mẹ, tặng em” (Nhà xuất bản Văn học, 2004), anh viết về mẹ mình: “Anh chưa một lần thấy mẹ thảnh thơi/ Chưa một lần thấy mẹ cười trong ánh mắt/ dẫu một đời mẹ giữ tình thanh bạch/ lo cho chồng con, cho xóm cho làng” (Tặng mẹ - tặng em). Còn đây, với người cha đã hy sinh: “Ba ở đây con xin ba đừng buồn/ bởi quanh ba còn bao đồng đội/ ngày tiếp ngày hoa nở khắp hàng dương/ Đất và trời theo tiếng gọi quê hương” (Thăm ba).
Đọc những vần thơ giàu dự cảm như thế , bỗng nghĩ có thể những câu thơ ấy sẽ dẫn lối đưa anh thanh thản về thế giới bên kia gặp lại cha mẹ mình! Phải không anh Lưu Vinh?
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái (Tổng biên tập Tạp chí CAND)
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.