Nhờ chứng khoán, người Mỹ giàu lên trông thấy bất chấp kinh tế vừa trải qua suy thoái

Đầu tư và Tiếp thị
08:40 AM 29/06/2021

Đà bùng nổ của thị trường chứng khoán đã trở thành động lực chính giúp tài sản của người Mỹ tăng lên nhanh chóng, chiếm tỷ trọng tới gần một nửa. Nhưng điều này cũng khiến chênh lệch giàu nghèo càng gia tăng.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái với những con số gây choáng váng về mức độ suy giảm GDP hay tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, đến nay khi dịch bệnh lắng xuống và kinh tế đang dần hồi phục, người dân Mỹ lại trở nên giàu có hơn thay vì nghèo đi.

Theo số liệu của Cục dự trữ liên bang (Fed), tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ đã tăng thêm 13.500 tỷ USD trong năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây. Nhiều người ở mọi tầng lớp đã trả được nợ thẻ tín dụng, tiết kiệm nhiều hơn và có thể chuyển sang những khoản vay thế chấp có chi phí rẻ hơn.

Nhờ chứng khoán, người Mỹ giàu lên trông thấy bất chấp kinh tế vừa trải qua suy thoái - Ảnh 1.

Tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ đã tăng thêm 13.500 tỷ USD trong năm ngoái.

Điều này hoàn toàn đối lập với các cuộc suy thoái kinh tế trước đây. Ví dụ, năm 2008 các hộ gia đình Mỹ đã thiệt hại 8.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, xét trên một số góc độ thì điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Covid-19 là đại dịch có quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử hiện đại và phản ứng của chính phủ cũng vậy. Mỹ đã vay mượn, cho vay và chi ra hàng nghìn tỷ USD để cứu lấy nền kinh tế khỏi thảm hoạ. Những hành động này tác động không nhỏ và làm biến đổi bản chất của cả cuộc suy thoái cũng như quá trình hồi phục.

Một hệ quả khác là thị trường chứng khoán bất ngờ bùng nổ. Lãi suất siêu thấp thôi thúc dân Mỹ đổ tiền vào chứng khoán, những người mắc kẹt trong nhà vì lệnh phong toả cũng thử sức với cổ phiếu trong thời gian rảnh rỗi và các cổ phiếu công nghệ "lên đồng" vì họ là nhóm được hưởng lợi từ Covid-19.

Đà bùng nổ của thị trường chứng khoán đã trở thành động lực chính giúp tài sản của người Mỹ tăng lên nhanh chóng, chiếm tỷ trọng tới gần một nửa. Nhưng điều này cũng khiến chênh lệch giàu nghèo càng gia tăng, bởi người giàu sẽ sở hữu cổ phiếu nhiều hơn. Hơn 70% số tài sản tăng lên đã rơi vào tay nhóm 20% người dân Mỹ có thu nhập cao nhất. Nếu phân chia theo tài sản thay vì thu nhập, sự phân hoá còn rõ ràng hơn nữa.

Nhờ chứng khoán, người Mỹ giàu lên trông thấy bất chấp kinh tế vừa trải qua suy thoái - Ảnh 2.

Trái ngược hoàn toàn với các cuộc suy thoái trước đây, S&P 500 đã tăng trưởng vượt trội 1 năm sau khủng hoảng Covid-19.

Ở thời điểm đầu dịch, các lệnh phong toả khiến kinh tế Mỹ rơi tự do nhưng đó chỉ là 1 cú sốc ngắn. Những người Mỹ có công việc thu nhập cao đặc biệt sống tốt bởi họ có thể làm việc từ xa và càng tiết kiệm tiền vì không phải tốn tiền đi lại hay ăn ở ngoài. Trong khi đó chương trình trợ cấp của chính phủ chỉ giúp các bồi bàn, nhân viên dọn dẹp và những người làm các công việc tay chân khác xoay xở trong lúc khó khăn.

Trợ cấp thất nghiệp và những tấm séc kích thích sẽ nhanh chóng biến mất khi nền kinh tế hồi phục. Tệ hơn nhiều việc làm thu nhập thấp cũng biến mất. Tính đến tháng 4/2021, số lượng các việc làm mang lại thu nhập từ 60.000 USD trở lên đã tăng khoảng 2% so với thời điểm tháng 1/2020, theo tổ chức nghiên cứu Opportunity Insights. Ngược lại lượng việc làm mang lại thu nhập dưới 27.000 USD đã giảm gần 24%.

Chính những người giàu có lại là nhóm có tài sản tăng mạnh nhất trong năm 2020. Nhà đất, cổ phiếu và tài khoản hưu trí – những thứ mà người giàu sở hữu nhiều hơn người nghèo – đều đã tăng giá mạnh.

Ban đầu các chuyên gia kinh tế không hề dự đoán câu chuyện sẽ diễn ra như vậy. Khi đại dịch ập đến, thị trường chứng khoán đã náo loạn và lao dốc không phanh. Sau đó Fed hạ lãi suất xuống gần 0, tung ra một loạt gói cho vay khẩn cấp và mua nợ trên quy mô lớn. Nhà đầu tư lại đổ xô mua cổ phiếu vì không còn lo ngại thị trường tín dụng sẽ đóng bang. Cổ phiếu của các ông lớn công nghệ được hưởng lợi từ nền kinh tế stay-at-home trở thành trụ cột quan trọng giúp thị trường thăng hoa.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, S&P 500 có tới 33 lần lập đỉnh mới. Giá cổ phiếu tăng đóng góp tới gần 44% tổng tăng trưởng tài sản của các hộ gia đình Mỹ trong năm 2020.

Nhờ chứng khoán, người Mỹ giàu lên trông thấy bất chấp kinh tế vừa trải qua suy thoái - Ảnh 3.

Giá nhà ở Mỹ tăng vọt trong suy thoái.

Thông thường giá nhà sẽ lao dốc trong khủng hoảng kinh tế nhưng trong năm ngoái câu chuyện đã diễn ra ngược lại. Trước đó nguồn cung đã thiếu hụt nhưng đại dịch lại khiến nhu cầu tăng vọt và tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng hơn. Lần đầu tiên trong lịch sử, trung bình giá 1 ngôi nhà ở Mỹ đã lần đầu tiên vượt qua mức 300.000 USD.

Trong khi giá nhà tăng giúp các chủ sở hữu nhà kiếm bộn tiền, ước mơ mua nhà ngày càng xa vời đối với những gia đình có thu nhập thấp và người mua nhà lần đầu. Giới phân tích dự báo giá bất động sản sẽ hạ nhiệt trong năm nay, nhưng giá nhà vẫn chưa thể giảm xuống.

Những người đã không nắm bắt được cơ hội làm giàu trong đại dịch cũng sẽ gặp khó khăn hơn khi đối phó với cơn bão suy thoái tiếp theo. Trong năm 2020, hơn 1/3 người trưởng thành tham gia khảo sát của Fed cho biết họ sẽ không thể xoay xở nếu đột nhiên phải chi trả 1 khoản 400 USD bằng tiền mặt.

Tham khảo Wall Street Journal

Thu Hương
Ý kiến của bạn
ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050 ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050

Theo ADB, dự kiến số người từ 60 tuổi trở lên ở Châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển sẽ tăng gần gấp đôi lên tới 1,2 tỷ người vào năm 2050—tương đương một phần tư dân số—làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.