Nhớ lời Bác dặn: Thanh Hóa phải trở thành tỉnh kiểu mẫu
Mùa xuân năm 1947, sau hai tháng ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 20/2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa, Bác đã chọn Rừng Thông, huyện Đông Sơn là nơi dừng chân nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh. Tại đây, Bác gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao đối với tỉnh Thanh Hóa: "Thanh Hóa phải trở nên tỉnh kiểu mẫu. Phải làm sao cho mọi mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu".
Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và những lời dạy bảo ân cần của Người không chỉ là nguồn cổ vũ lớn lao đối với nhân dân Thanh Hóa, mà còn đánh dấu bước chuyển căn bản trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về kháng chiến kiến quốc.
Đáp lại tình cảm thiêng liêng, sâu đậm của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện lời căn dặn của Người bằng những hành động thiết thực, cụ thể, đã xuất hiện không ít những tập thể, cá nhân "kiểu mẫu" vừa kiên cường, anh dũng trong chiến đấu, vừa tập trung xây dựng hậu phương vững mạnh.
Thắng lợi của các chiến dịch Thượng Lào, Đông Xuân, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đều có sự đóng góp to lớn của quân và dân Thanh Hóa. Để rồi, khi lần thứ hai trở lại Thanh Hóa vào năm 1957, Bác rất đỗi vui mừng, khen ngợi "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Thời kỳ cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, chủ trương xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như những lời căn dặn và chỉ dẫn của Người vẫn là mục tiêu quyết tâm thực hiện của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa. Trong giai đoạn mới hiện nay, mặc dù còn muôn vàn gian khó, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, những con người xứ Thanh đang phấn đấu không ngừng để đạt được các mục tiêu đã đề ra, nhằm góp phần tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới cho tỉnh nhà.
Là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay. Năm 2022, Thanh Hóa tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (KH 11,51%) và đứng thứ 7 cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.
Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh. Tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt khách, bằng 110,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần năm 2021 (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 245 nghìn lượt khách, gấp 11,5 lần); tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỉ đồng, bằng 111,8% kế hoạch, gấp 4 lần năm 2021.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 và giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng vẫn phát triển khá toàn diện. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được quan tâm thực hiện; năm 2022, có đơn vị cấp huyện, 18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 134 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay; tổng thu NSNN ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt 30.150 tỷ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 18.670 tỉ đồng, vượt 70% dự toán và tăng 55% so với cùng kỳ.
Tiếp tục chứng tỏ sức hút của Thanh Hóa, điểm đến đầy tiềm năng, độ tin cậy cao, an toàn và hấp dẫn của nhà đầu tư. "Làn sóng" nghìn tỷ mà nổi bật với những dự án "Khủng" như: Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng của Tập đoàn Sun Group tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương; khu du lịch sinh thái Tân Dân tại phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn, với tổng vốn đầu tư trên 3.662 tỷ đồng của Tập đoàn T&T; Dự án Flamingo Hải Tiến tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa có tổng mức đầu tư 3.350 tỷ đồng… đã cho thấy thành công của Thanh Hóa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại; xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Thể thao thành tích cao tiếp tục được duy trì trong tốp đầu của cả nước. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được giữ vững trong tốp đầu cả nước, với 1 HCB tại kỳ thi Olymic Toán Quốc tế, 58 giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2021-2022. Chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, toàn tỉnh có 411 điểm 10, xếp thứ nhất cả nước… Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được chú trọng; công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả…
Những con số "biết nói" về thành tựu tăng trưởng đã phản ánh sinh động và đầy thuyết phục những sắc thái tươi mới trên bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, cũng chính từ tiềm năng, lợi thế và sức bật mạnh mẽ của Thanh Hóa thể hiện qua những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 3/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Các chính sách đặc thù không chỉ cho thấy sự kỳ vọng của Trung ương dành cho mảnh đất giàu truyền thống và đang phát triển năng động; mà còn góp phần thôi thúc ý chí tự lực, tự cường, tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm thực hiện hóa mục tiêu sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Có thể nói, Thanh Hóa chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Tiềm lực, vị thế ấy có được là do sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; sự liên kết, phối hợp của các địa phương trong cả nước; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao của nhiều thế hệ lãnh đạo; sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã chung tay, giúp sức để phấn đấu xây dựng Thanh Hóa phát triển cường thịnh. Dẫu biết rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng với tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, Thanh Hóa vẫn không ngừng phấn đấu để đạt được các mục tiêu đã đề ra, nhằm góp phần tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới cho tỉnh nhà…
75 năm đã đi qua, nhưng hơi ấm và tình yêu bao la của Bác như thấm vào từng tấc đất và mỗi người con quê hương Thanh Hóa. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tích đạt được, với tiềm năng và thế mạnh của mình, chúng ta tin tưởng, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa sẽ đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, gương mẫu, đi đầu và góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh "kiểu mẫu" như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
Triều NguyệtCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.