Nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi sóng, VN-Index chinh phục mốc 1.050 điểm

Chứng khoán
03:37 PM 14/12/2020

Thị trường mở cửa phiên đầu tuần với sắc xanh bao phủ hầu hết các nhóm cổ phiếu và chỉ số VN-Index thử thách thành công vùng giá mới 1.050 điểm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi sóng, VN-Index chinh phục mốc 1.050 điểm

Dù thanh khoản có chút giảm nhẹ nhưng vẫn không ngăn được đà tiến bước của thị trường. 

Tạm dừng phiên sáng 14/12, VN-Index tăng 6,57 điểm (0,63%) lên 1.052,53 điểm; HNX-Index tăng 1,71% lên 165,11 điểm; UPCoM-Index tăng 0,48% lên 69,05 điểm.

Nhóm cổ phiếu FPT giao dịch tích cực, trong đó mã FRT tăng kịch trần lên 27.200 đồng/cp. Cùng với đó, cổ phiếu FTS cũng tăng 2,9%, FPT (0,7%) và FOX (0,5%).

Nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi sóng, VN-Index chinh phục mốc 1.050 điểm - Ảnh 1.

Ảnh: Chứng khoán Tân Việt

Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm hút mạnh dòng tiền và điểm nhấn trong phiên sáng nay chính là sóng lớn ở nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Ngành ngân hàng cũng ghi nhận số mã tăng áp đảo. Dẫn dắt nhóm này tăng điểm là cổ phiếu VPB (1,9%), theo sau là TCB (1,6%), CTG (1,6%). Mặt khác, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng tăng giá dưới 1% như TPB, STB, MBB, HDB, BID...

Các cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng mạnh với HCM, CTS, AGR, SHS có mức tăng trên dưới 4,5%, SSI tăng gần 6%, VND, HBS, VIG, SBS tăng kịch trần.

Lực cầu sôi động giúp thị trường duy trì đà tăng ổn định trên mốc 1.050 điểm trong suốt cả phiên sáng nay.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 311 mã tăng vả 123 mã giảm, VN-Index tăng 6,57 điểm (+0,63%), lên 1.052,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 337,65 triệu đơn vị, giá trị 7.362,67 tỷ đồng, tăng 30,44% về khối lượng và 27,24% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 46,86 triệu đơn vị, giá trị 1.297,39 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là điểm sáng của thị trường, với SSI có thời điểm được kéo lên mức giá trần và chốt phiên tăng 6,2% lên 25.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 8,2 triệu đơn vi, HCM tăng 5,1% lên 28.900 đồng/CP, BSI tăng 2,7% lên 11.400 đồng/CP, AGR tăng trần, VND tăng sát trần với biên độ 6,4% lên 21.700 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù không có sự bứt phá nhưng hầu hết cũng đều giao dịch trong sắc xanh, ngoại trừ VCB giảm nhẹ chưa tới 0,5%. Trong đó, các mã cũng chủ yếu tăng chưa tới 1%, chỉ có BID, TCB và VPB tăng hơn 1%.

Tuy nhiên, nhóm ngân hàng vẫn là tâm điểm của dòng tiền với TCB khớp 9,53 triệu đơn vị, STB khớp 9,4 triệu đơn vị, MBB khớp 8,94 triệu đơn vị, CTG khớp 7,59 triệu đơn vị…

Trong nhóm VN30, đáng chú ý cổ phiếu lớn VRE có phiên giao dịch đột biến. Trong khi bị khối ngoại bán ra khá mạnh hơn 1,8 triệu đơn vị nhưng lực cầu sôi động giúp VRE tăng khá mạnh, đứng sau SSI trong nhóm VN30, với mức tăng 3,7% lên 29.650 đồng/CP và là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt 11,98 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu FIT bất ngờ tăng vọt cuối phiên với biên độ 6,9% lên mức giá trần 10.850 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 4,23 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên giao dịch lình xình, thậm chí có lúc rơi xuống dưới mốc tham chiếu, HNX-Index đã bật tăng mạnh về cuối phiên nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 66 mã tăng và 47 mã giảm, HNX-Index tăng 2,78 điểm (+1,71%), lên 165,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,25 triệu đơn vị, giá trị 651,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,86 triệu đơn vị, giá trị 124,83 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, các mã chứng khoán trên HNX cũng đua nhau tăng mạnh, cụ thể như BVS tăng 3,7% lên 13.900 đồng/CP, CTS tăng 4,3% lên 10.900 đồng/CP, IVS tăng 3,5% lên 5.900 đồng/CP, SHS tăng 6,6% lên sát trần 16.200 đồng/CP, VIX tăng 7,5% lên 21.500 đồng/CP, MBS tăng 3,7% lên 14.000 đồng/CP, ORS tăng 9,3% lên 11.700 đồng/CP, VIG vẫn tăng trần…

Trên UPCoM, sau chút rung lắc đầu phiên thị trường cũng đã lấy lại sắc xanh.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,48%), lên 69,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21 triệu đơn vị, giá trị hơn 368 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị gần 11,5 tỷ đồng.

Cũng thuộc nhóm cổ phiếu chứng khoán, SBS đã có phiên giao dịch ấn tượng khi xác lập mức giá trần 2.300 đồng/CP và khối lượng giao dịch sôi động, đạt hơn 2,99 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần gần 1,5 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí BSR lấy lại vị trí dẫn đầu thanh khoản với gần 7,35 triệu đơn vị được giao dịch thành công và chốt phiên tăng 4,88% lên mức 8.600 đồng/CP. Ngoài ra, các mã lớn khác như ACV, VEA, VGI, FOX… cũng chốt phiên trong sắc xanh, hỗ trợ đà đi lên của thị trường.

Trước đó, trong tuần vừa qua, các nhóm cổ phiếu đua nhau nổi sóng, bắt đầu chứng kiến sự nổi dậy của nhóm cổ phiếu chứng khoán sau những dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong quý IV/2020 nhờ kết quả kinh doanh dự báo tích cực.

Chỉ số VN-Index đã củng cố đà tăng điểm tại mốc 1.030 điểm và bứt phá chinh phục thành công đỉnh mới của năm và chạm mốc 1.045 điểm khi kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua ngày 11/12.

Mặc dù gần đây, khối ngoại không còn tác động nhiều tới diễn biến thị trường khi lượng nhà đầu tư F0 tham gia ngày càng mạnh, nhưng ít nhiều đây vẫn là nhóm ảnh hưởng với tâm lý thị trường. Trong tuần vừa qua, khối ngoại đã trở lại trạng thái mua ròng khá tích cực với tổng giá trị đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới phân tích, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và dẫn dắt đà tăng của thị trường trong ngắn hạn và trung hạn khi 2 nhóm cổ phiếu này vẫn tăng trưởng và có nhiều "catalyst" tăng trưởng.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán cho rằng, sức mạnh của dòng tiền lúc này có thể giúp thị trường có những diễn biến bất ngờ. Trong 3 kịch bản thị trường khi VN-Index chạm đến mốc 1.000 điểm có kịch bản chỉ số này vọt thẳng lên mốc 1.100 điểm rồi mới điều chỉnh. Xét theo góc nhìn kỹ thuật thì mức điểm hiện tại 1.045 điểm, chỉ số VN-Index đã vượt qua các ngưỡng kháng cự nên cơ hội chinh phục 1.100 điểm vẫn có.

Hoàng Mai
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.