Nhu cầu hàng hóa thế giới phục hồi, xuất khẩu dệt may khởi sắc
Bất chấp làn sóng đại dịch bủa vây, tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tốt cho thấy doanh nghiệp ngành này đang nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Công Thương cho biết, ngành dệt may đang có những triển vọng tích cực khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTAs đã ký kết và đi vào thực thi.
Đặc biệt ngành dệt may Việt Nam đón nhận nhiều dấu hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến Quý III năm nay. Người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã cho thấy nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, thị trường dệt may thế giới đã dần sôi động trở lại.
Trong nước, dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi phù hợp. Nhờ đó, chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 5 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 2,1% và 12,9%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,1% và 21,2%. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.
Chỉ số sản xuất ngành da và các sản phẩm liên quan tháng 5 tăng 8,1% so với tháng 4 và tăng 21,2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất của ngành này tăng 12% so với cùng kỳ.
Nhìn chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng khá như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 261,5 triệu m2, tăng 9,3% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 482,5 triệu m2, tăng 8,8% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 1.882,9 triệu cái, tăng 9,7%; giầy dép da ước đạt 121 triệu đôi, tăng 12,6%.
Như vậy hầu hết các mặt hàng kể trên đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, cả năm nay xuất khẩu dệt may tin tưởng đạt được mục tiêu 39 tỷ USD đã đề ra. Điều này xuất phát từ thực tế thị trường đang có nhiều nhãn hàng, đơn hàng lớn dịch chuyển từ các nước về Việt Nam. Thêm vào đó, Mỹ vốn là thị trường truyền thống có tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi sau khi quốc gia này mở rộng tiêm vắc xin cho người dân.
Huyền My (T/h)Trong tháng 9/2024, tuy bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông lâm thủy sản vẫn đạt mức trên 3%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm tốt cung ứng lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...