Nhu cầu khí đốt của Việt Nam tăng gấp 3 lần vào 2030
Theo các chuyên gia của Wood Mackenzie, sự chuyển dịch sang sử dụng LNG không chỉ giúp duy trì sự ổn định cho hệ thống điện quốc gia mà còn đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho Việt Nam.
Nghiên cứu mới đây của Wood Mackenzie, nhà cung cấp dữ liệu, phân tích và tư vấn toàn cầu trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, cho thấy, nhu cầu về khí đốt của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.
Theo đó, từ mức tiêu thụ hiện tại, nhu cầu khí đốt của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trung bình 12% mỗi năm và đạt mức gấp ba lần vào giữa những năm 2030.
Báo cáo của Wood Mackenzie dự báo nhu cầu khí đốt của Việt Nam không chỉ tăng mạnh vào những năm 2030, mà sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn đến năm 2050. Ngành điện lực được dự đoán sẽ tiếp tục là ngành tiêu thụ khí đốt lớn nhất với 14% sản lượng điện dự kiến được cung cấp từ khí đốt vào năm 2030, chiếm phần lớn nhu cầu năng lượng.
Đến năm 2050, ngành điện lực vẫn là nguồn tiêu thụ khí đốt lớn nhất để duy trì cung cấp điện ổn định cho cả nước. Điều này khẳng định vai trò thiết yếu của khí đốt trong cơ cấu năng lượng quốc gia.
Hơn nữa, sự phát triển của ngành công nghiệp và phân bón cũng đóng góp lớn vào nhu cầu khí đốt tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh các ngành này không ngừng mở rộng.
Điều này đặt ra áp lực lớn cho ngành năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung nội địa từ các mỏ khí hiện tại giảm sút đáng kể, với mức giảm 25% trong vòng 5 năm qua.
Theo chuyên gia của Wood Mackenzie, việc chuyển đổi sang sử dụng khí đốt và khí thiên nhiên hóa lỏng LNG là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu điện và đảm bảo an ninh năng lượng cho nước ta trong bối cảnh năng lượng tái tạo còn nhiều hạn chế.
Đồng thời, khí đốt và LNG cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, giúp Việt Nam xây dựng một tương lai năng lượng bền vững.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam nên ký kết các hợp đồng LNG dài hạn nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro thiếu hụt.
Bà Yulin Li, chuyên gia của Wood Mackenzie, cho biết việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8 đã tạo ra một động lực lớn cho phát triển ngành khí đốt và LNG tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, nước ta cần xây dựng một cơ chế năng lượng chuyên biệt, bao gồm các chính sách ưu đãi, cơ chế đấu thầu minh bạch và quy định rõ ràng về đầu tư, nhằm thu hút các nhà đầu tư và đảm bảo hiệu quả của các dự án.
Việc mở rộng mạng lưới đường ống khí đốt và xây dựng các kho cảng LNG sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần xây dựng một hệ thống năng lượng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tương lai.
Hiện, mạng lưới đường ống chính của Việt Nam hiện tập trung ở khu vực phía Nam - nơi có trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Hai kho cảng khí LNG đã được xây dựng ở miền Nam Việt Nam, với cảng LNG Thị Vải đã hoạt động và cảng Hải Linh dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 9 năm 2024. Một số công trình kho cảng LNG khác đang ở giai đoạn nghiên cứu tính khả thi và dự kiến có thể đi vào hoạt động vào đầu những năm 2030.
Để thúc đẩy phát triển ngành khí đốt, Wood Mackenzie đề xuất Việt Nam nên đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu thế giới, nhằm tận dụng những công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý dự án hiệu quả.
Minh An (t/h)Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.