Nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tăng cao
Theo đánh giá của các chuyên gia, bất chấp nhiều thời điểm chững lại do dịch bệnh Covid-19, thị trường ô tô Việt vẫn có nhiều điểm sáng cả về sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu. Đặc biệt nhu cầu tiêu thụ ô tô ngày càng lớn, các doanh nghiệp liên tục phải mở rộng quy mô sản xuất khiến nhu cầu nhân lực ngành ô tô được dự báo sẽ ngày một gia tăng.
Về sản xuất, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tháng 6/2022 ước đạt 42.000 chiếc, giảm nhẹ 5,4% so với tháng trước (với 44.400 chiếc). Dù vậy, sản lượng xe mới được các nhà sản xuất trong nước xuất xưởng trong tháng 6 vừa qua (232.400 chiếc, tăng) vẫn ở mức cao, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Về tiêu thụ, theo VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), tính chung 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 201.840 xe các loại, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xe du lịch đạt 157.935 xe, tăng 50%; xe thương mại 40.498 xe, giảm 5%; và xe chuyên dụng là 3.407 xe, tăng 12% so với năm 2021.
Về nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2022 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đạt 63.731 chiếc, tương đương 1,57 tỷ USD. Ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 4 thị trường chính là từ Indonesia với 5.276 chiếc; từ Thái Lan với 4.813 chiếc; từ Trung Quốc với 2.192 chiếc và từ Nhật Bản với 233 chiếc. Số xe nhập khẩu từ 4 thị trường này đạt 12.514 chiếc, chiếm tới 97% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Các mức tăng trưởng cao cả về sản xuất, tiêu thụ, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 là tín hiệu tích cực của thị trường ô tô trong nước, khi cả nước đang thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và dần trở lại trạng thái bình thường mới. Ngoài ra, với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước được áp dụng từ 01/12/2021 đến hết 31/5/2022 khiến xe nội tăng sức cạnh tranh đáng kể so với xe nhập khẩu. Nhu cầu mua ô tô ngày càng lớn, doanh nghiệp liên tục mở rộng quy mô sản xuất khiến nhân lực ngành ô tô được dự báo sẽ "đắt giá".
Sinh viên được doanh nghiệp săn đón từ khi chưa tốt nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị cho biết, Công nghệ kỹ thuậ ô tô hiện nay là ngành được nhiều bạn trẻ quan tâm, lượng thí sinh dự tuyển đông. Trong những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu đào tạo ngành ô tô tăng cao, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị đã tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (điều chỉnh nội dung giảng dạy sát với thực tế, đầu tư thêm cơ sở vật chất phục vụ thực hành, liên kết với các doanh nghiệp tạo đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp...) cho ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, đảm bảo các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc được ngay.
PGS.TS Nguyễn Xuân Sơn cho biết thêm, "Các cơ sở bảo dưỡng ô tô hiện rất thiếu nhân lực nên dù còn là sinh viên đến xin thực tập để lấy kinh nghiệm, nhưng chỉ sau một vài tuần là họ đề nghị em gắn bó lâu dài. Có sinh viên chưa lấy bằng nhưng đã có doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mời về làm việc với mức lương tương đối cao, chưa kể các khoản thưởng".
Hiện nay, để chủ động xây dựng nguồn nhân lực, nhiều hãng xe lớn như Toyota, VinFast, Ford hay các đại lý ô tô thường liên kết với các nhà trường để đào tạo và sẽ nhận ngay sinh viên từ khi còn trên ghế nhà trường, chỉ chờ tốt nghiệp là mời về làm việc chính thức tại hãng và các đại lý. Đại diện một hãng xe lớn tại Việt Nam cho biết, hãng vẫn đang thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho sinh viên kỹ thuật nói chung, ngành ô tô nói riêng. Từ khi triển khai các chương trình hỗ trợ, đến nay đã nhận trên 800 sinh viên vào làm việc tại hệ thống đại lý.
Học kỹ thuật ô tô không chỉ để sản xuất xe hơi
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, công nghệ ô tô là ngành luôn có thu nhập cao và không bao giờ sợ thất nghiệp trong hiện tại và cả tương lai. Từ đó, kéo theo nhu cầu nhân lực của ngành sẽ ngày một gia tăng, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, không có nghĩa cứ học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô là chỉ tham gia vào các công đoạn sản xuất, lắp ráp ô tô mà còn có thể làm nhiều lĩnh vực có liên quan. Chẳng hạn như kiểm định viên tại các trung tâm đăng kiểm, cố vấn dịch vụ đại lý, chuyên gia kỹ thuật tại các doanh nghiệp cung ứng phụ tùng, linh kiện ô tô hay nhân sự trong các hoạt động xuất nhập khẩu ô tô, làm bảo hiểm (giám định viên có kiến thức về ô tô)....
Theo những nghiên cứu mới đây, các tập đoàn ô tô hàng đầu của Đức, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc như: BMW, Toyota, Honda, Ford hay Kia, Hyundai… tại Việt Nam đều đặn tổ chức tuyển dụng hàng năm nhưng "nguồn" vẫn không đủ. Ngoài ra, các doanh nghiệp ô tô lớn của Việt Nam như: VinFast, Trường Hải, Hyundai Thành Công đều có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất nên nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật ô tô sẽ tiếp tục tăng lên.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.