Nhu cầu sử dụng yếu, thị trường thép 2024 khó bứt phá
Nếu Chính phủ, các bộ, ngành không có những chính sách đột phá hơn đối với thị trường bất động sản thì thị trường thép vẫn chưa thể bứt phá ngay, khả năng khó khăn vẫn kéo dài sang năm 2024.
Trong kỷ yếu hội thảo khoa học "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024", TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) nhận định năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam rất ảm đạm đã ảnh hưởng đến tiêu thụ thép, đặc biệt là thép xây dựng.
Chuyên gia cho hay số dự án xây dựng được cấp phép mới trong năm 2022 thấp kỷ lục, điều đó cho thấy nhu cầu xây dựng trong năm 2023 và các năm tới ở mức thấp.
Trong khi đó, tăng trưởng diện tích xây dựng tại Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc trong năm 2023, mức tăng trưởng khoảng 2,4%, tương đương mức tăng thấp của năm 2020 khi xảy ra đại dịch COVID-19. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ nhóm xây dựng nhà ở dân dụng, chiếm tới 2/3 sản lượng ngành.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 11 tháng năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 25 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt gần 23,7 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 ước tính sẽ giảm khoảng 4% và chưa thể bứt phá, khả năng khó khăn vẫn kéo dài sang năm 2024 bởi nhu cầu sử dụng thép vẫn còn yếu, theo dự báo của các chuyên gia.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa cho rằng trong thời gian tới, mỗi doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép phải tăng cường tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm, hình thành chuỗi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sau thép.
Về lâu dài, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần phải hướng tới sản xuất xanh, bền vững và đầu tư nguồn lực về tài chính, công nghệ sản xuất các sản phẩm thép xanh, đáp ứng quy định về giảm phát thải carbon để giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để nắm bắt tốt cơ hội trong hội nhập, các doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó với cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới của EU (CBAM) vừa thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường, cải thiện năng lực pháp lý, nâng cao năng lực, nguồn lực tài chính, thực hiện công khai, minh bạch trong quản trị, minh bạch hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế để hạn chế thấp nhất nguy cơ bị các nước mở điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.