Nhu cầu yếu khiến giá gạo xuất khẩu giảm

Xuất nhập khẩu
03:33 PM 21/07/2025

Theo giới chuyên môn, thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục trầm lắng. Nguyên nhân chính được cho là dư nguồn cung trong khi nhu cầu yếu, đã khiến giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ.

Ngày 21/7, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang được chào bán ở mức 377 USD/tấn, giảm so với mức 382 USD/tấn của tuần trước. Sự sụt giảm này phản ánh bức tranh chung của thị trường gạo châu Á, nơi các nước xuất khẩu chủ lực đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt.

Tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất gạo lớn, cũng chứng kiến giá gạo giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua do nhu cầu yếu và nguồn cung dư thừa. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ dao động từ 377-382 USD/tấn, trong khi gạo trắng 5% tấm ở mức 373-378 USD/tấn.

Một nhà giao dịch tại New Delhi cho biết tất cả các nước sản xuất gạo từ Thái Lan, Việt Nam, đến Ấn Độ đều muốn bán lượng hàng tồn kho dư thừa của mình, vì vậy người mua đang cố gắng đàm phán để có giá thấp hơn.

Nhu cầu yếu khiến giá gạo xuất khẩu giảm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được niêm yết ở mức từ 380-385 USD/tấn, so với mức 380 USD/tấn của tuần trước. Các nhà giao dịch cho biết biên độ giá đã tăng nhẹ trong tuần do chi phí sản xuất trong nước tăng trong khi nhu cầu quốc tế vẫn trầm lắng.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Do dư địa cho xuất khẩu gạo năm 2025 còn rất ít trong bối cảnh mức nền của năm 2024 vốn đã ở mức cao, trong khi có quá nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường, đặc biệt là khi Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo.

“Thị trường gạo thế giới dự kiến tiếp tục chịu áp lực từ nguồn cung lớn và cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu chủ lực như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Giá xuất khẩu gạo nhiều khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp và khó phục hồi rõ rệt, do tồn kho tại nhiều nước nhập khẩu vẫn ở mức cao” - ông Đỗ Hà Nam nhận định.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo đạt 4,9 triệu tấn và 2,54 tỷ USD, tăng 7,6% về khối lượng nhưng giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Mục tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2025 ước đạt 5,7 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ 2024, trong đó 6 tháng đầu năm cần đạt 2,6 tỷ USD, 6 tháng cuối năm cần đạt 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu xuất khẩu ước tính vào thời điểm tháng 6/2025, khả năng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng gạo năm nay có thể sụt giảm hơn so với mục tiêu đặt ra, ước tính chỉ đạt khoảng 5,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2024.

Các chuyên gia nhận định, để đạt mục tiêu cả năm, ngành gạo Việt Nam cần tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống có thị phần lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia để giữ thị trường; đồng thời cần tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm áp lực thuế.

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo trong năm 2025, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà Việt Nam đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Thương mại điện tử: Đòn bẩy xuất khẩu bền vững Thương mại điện tử: Đòn bẩy xuất khẩu bền vững

Trong bối cảnh kinh tế số toàn cầu, chuyển đổi số và thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) đang là một trong những động lực then chốt giúp Việt Nam hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.