Nhức nhối vấn nạn rác thải nhựa tại Việt Nam và trên thế giới
Có thể nói, thách thức về rác thải nhựa là một trong những vấn nạn nhức nhối của cuộc khủng hoảng ô nhiễm toàn cầu, cùng với việc mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.
- Nikkei Asia: Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao Israel đẩy mạnh việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Coca-Cola bắt tay một tổ chức công nghệ phi lợi nhuận làm sạch 15 dòng sông trong 18 tháng, ngăn rác thải nhựa đổ ra biển
- Doanh nghiệp và thanh niên tìm tiếng nói chung trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa
Ô nhiễm rác thải nhựa đang là một trong những nỗi lo của toàn cầu. Đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 sau gần 2 năm xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã làm gia tăng việc sử dụng đồ nhựa trên toàn thế giới. Rác thải nhựa đang là vấn nạn không chỉ đối với các quốc gia đang phát triển mà còn là thách thức đối với các quốc gia phát triển. Có thể nói, thách thức về rác thải nhựa là một phần không thể thiếu trong cuộc khủng hoảng ô nhiễm toàn cầu, cùng với việc mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.
Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới
Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), cứ mỗi phút trôi qua, trên thế giới lại có 1 triệu chai nhựa được bán ra và mỗi năm có khoảng 5.000 tỉ túi nilông được tiêu thụ. Từ những năm 1950 đến năm 2018, ước tính có khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất trên toàn thế giới. Dự báo đến năm 2050, có khoảng 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp hoặc xả thẳng ra đại dương.
Theo số liệu thống kê của WHO và EPA năm 2019
Mỗi sản phẩm từ nhựa cần từ 100 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Trong quá trình này, rác thải nhựa phân hóa thành những mảnh vụn vi mô, trung bình hoặc vĩ mô, phân tán rải rác trong đất, nước và không khí.
Các sinh vật sống, đặc biệt là động vật biển, có thể bị tổn hại do các tác động cơ học, chẳng hạn như vướng vào các đồ vật bằng nhựa, các vấn đề liên quan đến việc ăn phải chất thải nhựa hoặc do tiếp xúc với các hóa chất bên trong nhựa. Các hạt vi nhựa này tồn tại trong cơ thể sinh vật, gián tiếp gây ảnh hưởng đến con người khi chúng ta tiêu thụ chúng. Đặc biệt trong thời kỳ COVID, khẩu trang, găng tay y tế, hộp xốp, cốc nhựa… tăng đột biến do nhu cầu phòng chống dịch sẽ gây tác động xấu đến môi trường, tạo nên những tác động ghê gớm đến các đại dương – vùng nhạy cảm của trái đất.
Một nghiên cứu năm 2017 của EPA cho thấy 83% mẫu nước máy được lấy trên khắp thế giới bị ô nhiễm nhựa với tỷ lệ ô nhiễm cao nhất là Hoa Kỳ chiếm 94%, tiếp theo là Liban và Ấn Độ. Các nước châu Âu như Anh, Đức và Pháp có tỷ lệ ô nhiễm thấp nhất, mặc dù vẫn cao tới 72%. Điều này có nghĩa là mọi người có thể đang ăn từ 3.000 đến 4.000 vi hạt nhựa từ nước máy mỗi năm.
Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam
Theo báo cáo của tổ chức Ocean Conservancy, Việt Nam đứng thứ 4 trên toàn thế giới xả 60% lượng rác thải nhựa vào đại dương, khoảng 0,28 triệu – 0,73 triệu tấn thải ra biển 1 năm (tức là chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới). Các quốc gia có lượng xả rác thải nhựa lớn nhất thế giới theo thứ tự là: Trung Quốc, Indonesia, Philipines, Việt Nam và Sri Lanka.
Nguồn: The Wall Street Journal
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính Việt Nam thải ra hơn 1,8 triệu tấn chất thải nhựa, chỉ 27% trong số đó được tái chế. Tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng mạnh từ 3,8 kg/ người năm 1990 lên 41,3 kg / người năm 2018. Đặc biệt, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trung bình có 80 tấn rác thải nhựa thải ra mỗi ngày.
Trong khi đó, lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vào nước ta làm nguyên liệu sản xuất nhựa tăng phi mã theo từng năm (thống kê theo giai đoạn từ năm 2016-2018) lần lượt là: 18.548 tấn năm 2016, 90.839 tấn năm 2017 và 175.000 tấn năm 2018.
Cả nước có hơn 200 nhà máy xử lý rác và lò đốt rác hỗn hợp, 70% lượng rác thải trong số đó được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, trong khi 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây hại cho môi trường. Chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng.
Việc sử dụng các bãi chôn lấp là công nghệ lạc hậu, tốn tài nguyên đất và gây nhiều tác hại, ảnh hưởng xấu đến con người như: phát tán khi metal, ô nhiễm mạch nước ngầm; ô nhiễm đất, không khí, ảnh hưởng tới các loài động vật.
Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ra môi trường
Trước những vấn nạn về rác thải nhựa, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Chỉ thị này cho thấy, việc chống rác thải nhựa không chỉ ở việc truyền thông nâng cao nhận thức mà đã được chỉ đạo ở góc độ chính sách pháp luật cho đến các hành động cụ thể để chống rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 đã đưa ra các quy định mới về quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa. Về phía người dân, phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Về phía nhà sản xuất, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, để định hình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, nhà sản xuất khi sản xuất một số mặt hàng như thiết bị điện tử, pin, ắc quy, dầu, săm lốp… có giá trị tái chế cao, nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế các sản phẩm đó sau khi người tiêu dùng thải bỏ. Cụ thể, nhà sản xuất phải có Kế hoạch tái chế và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố tỷ lệ tái chế và quy chuẩn tái chế.
Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài xử lý mạnh như cấm sử dụng túi ni lông, đánh thuế cao hoặc bắt buộc sử dụng các loại túi dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thì việc nâng cao ý thức, truyền thông về việc thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng rác thải nhựa cần được chú trọng hơn nữa. Khi đó, lượng rác thải nhựa thải ra mỗi ngày sẽ được kiểm soát, giảm áp lực đối với các nhà máy xử lý rác thải và tình trạng quá tải tại các khu chôn lấp, từ đó góp phần bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp.
Khang KhanhSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.