Những bước đi bất ngờ của doanh nghiệp thời COVID-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân
05:50 PM 24/11/2021

Sản xuất kinh doanh gặp khó do tác động của đại dịch Covid 19, nhiều doanh nghiệp đã "đá sân" sang lĩnh vực hoàn toàn mới để kéo doanh thu không bị sụt giảm...

Các hãng hàng không kinh doanh bán lẻ

Đầu tiên phải nhắc đến là trường hợp của Vietnam Airlines. Hãng vừa ra mắt sàn thương mại điện tử VnaMall, cung cấp dịch vụ đi chợ cuối tuần với 300 sản phẩm, từ thực phẩm, nông sản, đồ uống đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines… 

Theo hãng bay, sàn TMĐT VnaMall sẽ bán những sản phẩm nhập khẩu được nhập từ những nước mà hãng có đường bay, nhờ tận dụng khả năng kết nối của mạng bay gần 100 đường bay trong nước và quốc tế.  

Sàn thương mại điện tử VnaMall. Ảnh chụp màn hình

Sàn thương mại điện tử VnaMall. Ảnh chụp màn hình

Hãng cũng cho biết, khách hàng có thể đặt mua các loại đồ ăn trong nhóm "ẩm thực trên mây" như rượu vang hạng Thương gia hay món tráng miệng, món ăn nhẹ là các loại bánh mỳ tương tự như trên các chuyến bay. Trước đó, Vietnam Airlines từng công bố dự định thêm các ngành nghề như sản xuất và phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình...

Vietnam Airlines khẳng định sàn TMĐT VNAMALL là một trong những bước đi nhằm đa dạng hóa ngành hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bắt nhịp xu thế chuyển đổi số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực TMĐT. Đây được xem là nỗ lực của hãng nhằm đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới doanh thu vận tải hành khách của Vietnam Airlines.

Năm 2019, Vietjet Air cũng đã từng chia sẻ về kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử, cung cấp mọi thứ từ các dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng. Tham vọng của hãng khi đó là ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) để thực hiện các giao dịch cho sàn TMĐT này.

Đến cuối tháng 6, Hội đồng quản trị Công ty CP Hàng không Vietjet - Vietjet Air (VJC) đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua bổ sung ngành nghề như bán lẻ đồng hồ, kính mắt, vàng, bạc, đá quý và bán đá quý, đồ trang sức, hàng thủ công mỹ nghệ. Bổ sung ngành nghề khác như bán buôn thực phẩm, bán buôn đồ uống, buôn vải hàng may mặc, giày dép, bán lẻ lương thực thực phẩm đồ uống thuốc lá thuốc lào trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và cửa hàng kinh doanh tổng hợp; xuất bản báo, tạp chí, ấn phẩm định kỳ, lập trang thông tin tổng hợp; nhiếp ảnh…

Thế giới Di động "lấn sân" kinh doanh trang sức, hàng may mặc

Riêng tháng 10, chuỗi điện thoại và điện máy này ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, một phần nhờ những mảng mới khai thác. Đại dịch COVID-19 đã khiến Thế Giới Di Động quyết định bán đủ thứ, từ xe đạp, nữ trang, quần áo và cả chuỗi bán lẻ ủy quyền chuyên bán các sản phẩm Apple, để kéo doanh thu không bị sụt giảm.

Những bước đi bất ngờ của doanh nghiệp thời COVID-19 - Ảnh 2.

Một cửa hàng bán mắt kính của Thế giới Di động.

Nữ trang, mắt kính là bước đi bất ngờ của Thế giới Di động. Cụ thể, Thế giới Di động đã mở chuỗi BlueJi - nơi bày bán mặt hàng mắt kính hàng hiệu, trang sức. Hiện, BlueJi có 5 chi nhánh tại TP.HCM, trong đó 3 cửa hàng tại trung tâm (quận 1, quận 7 và quận 10), 2 cửa hàng còn lại đặt tại Thủ Đức. BlueJi sẽ phục vụ tất cả đối tượng nam, nữ, trẻ em với các thương hiệu lớn như Nike, Puma, Klenin, Guess,... cùng trang sức các loại như nhẫn, bông tai, dây chuyền, vòng tay,...

Và mới đây tại cuộc họp với nhà đầu tư, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, còn đề cập đến khả năng mở rộng kinh doanh sang các mặt hàng như quần áo, đồ thể thao và sản phẩm chăm sóc trẻ em, để bù đắp cho thị trường điện thoại và điện máy đang bão hòa.

Ông cho biết khoảng tháng 12 này sẽ ra mắt những shop thử nghiệm đầu tiên cho một vài lĩnh vực mới. Đây là dạng thử nghiệm và cần thêm thời gian đánh giá hiệu quả, trước khi quyết định gia tăng.

Doanh nghiệp dệt may cũng "bẻ lái" sang kinh doanh bất động sản 

Để không tụt lại phía sau, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng công bố kế hoạch chuyển hướng sang bất động sản... Các doanh nghiệp đi đầu xu hướng này phải kể tới Công ty cổ phần Damsan (mã chứng khoán: ADS), Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG) hay Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán: GIL)…

Những bước đi bất ngờ của doanh nghiệp thời COVID-19 - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang đầu tư vào bất động sản để vượt khó giữa COVID-19.

Damsan đang đầu tư gần 2.000 tỷ đồng vào các dự án Khu đô thị Phú Xuân, Nhà liền kề Quang Trung, Khu dân cư Bồ Xuyên, Khu công nghiệp An ninh… TNG đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng vào các dự án bất động sản khu công nghiệp và bất động sản nhà ở; trong đó, dự án Khu đô thị Núi Cốc Escape chiếm tỷ trọng đầu tư lớn với gần 9.000 tỷ đồng.

Riêng Gilimex tập trung đầu tư vào Khu công nghiệp Gilimex Thừa Thiên - Huế với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp dệt may bước một chân sang lĩnh vực bất động sản không khó hiểu bởi ngành sản xuất kinh doanh toàn cầu gặp khó, bất động sản lại đang thu hút dòng tiền đầu tư suốt từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, bài học quá khứ vẫn còn đó, không ít doanh nghiệp đã phải trả giá rất đắt khi tham gia đúng lúc thị trường phát triển nóng rồi ngay lập tức đóng băng sau đó.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.