Những cái 'bắt tay' góp phần mở rộng hệ sinh thái thanh toán điện tử
Sự phát triển của công nghệ thanh toán không tiếp xúc, đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗi lo lây nhiễm COVID-19 và thanh toán điện tử hoặc trực tuyến, được đặc biệt quan tâm kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Theo các chuyên gia, kể cả sau khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, thương mại điện tử vẫn có thể phát triển phổ biến khi người tiêu dùng ưu tiên yếu tố an toàn sức khỏe và nhận thức rõ hơn về sự tiện lợi của mua sắm trực tuyến. Thương mại điện tử yêu cầu thanh toán điện tử và sự tăng trưởng của thương mại điện tử sẽ chuyển thành sự tăng trưởng của thanh toán kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, thanh toán điện tử cũng đã được triển khai, áp dụng từ lâu. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại hết sức quan tâm đến phương thức này. Quá trình triển khai đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo kết nối thông suốt trong toàn hệ thống, với mạng lưới rộng khắp toàn quốc, cung cấp nhiều hình thức thanh toán điện tử hiện đại, giúp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, gia tăng luân chuyển vốn trong nền kinh tế và hỗ trợ đắc lực cho trao đổi, phân phối hàng hóa, dịch vụ của các ngành, lĩnh vực.
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay đã có khoảng 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã triển khai phối hợp với các ngân hàng thực hiện dịch vụ thanh toán tiền khám chữa bệnh và dịch vụ y tế.
Về thương mại điện tử, theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử trong năm 2020 tăng hơn 150% so với năm 2019. Số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.
Khi nhu cầu mua sắm qua mạng gia tăng, cũng kéo theo nhu cầu thanh toán online phát triển. Tuy nhiên, chỉ khoảng 2 năm gần đây, 2 lĩnh vực ngân hàng và thương mại điện tử mới chứng kiến nhiều "cú bắt tay" nhằm thúc đẩy thanh toán trực tuyến.
Ví như VPBank hợp tác với Shopee và Visa cho ra mắt thẻ tín dụng VPBank Shopee; HSBC kết hợp với Lazada dành ưu đãi cho khách hàng dùng thẻ ngân hàng này mua sắm trên trang; VIB hợp tác với Sendo, MSB hợp tác với Tiki để cung cấp hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng...
Thương mại điện tử thế giới phát triển đã chứng minh rằng thanh toán trực tuyến là giải pháp thanh toán tối ưu nên áp dụng. Và để giải quyết được việc thanh toán tức thời này, TMĐT phải được hỗ trợ bởi cổng thanh toán trực tuyến, đây chính là chìa khóa vàng cho sự phát triển bền vững của thị trường TMĐT Việt Nam nói chung và của các doanh nghiệp TMĐT nói riêng.
Hiện nay trên thị trường Việt Nam có khá nhiều sự lựa chọn cổng thanh toán cho doanh nghiệp: Smartlink, Cổng thanh toán VNPAY, Banknet, Onepay (các cổng thanh toán kết nối trực tiếp với ngân hàng); Ngân Lượng, Bảo Kim, Payoo, 123pay, Sohapay,… (không kết nối trực tiếp với ngân hàng mà sử dụng cổng thanh toán qua bên thứ 3). Mỗi cổng có những ưu điểm và quy trình hoạt động riêng.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, đà tăng trưởng tốt của các cổng thanh toán trực tuyến và thanh toán điện tử trong những năm vừa qua một phần đến từ sự tích cực của ngân hàng và các trang thương mại điện tử. Những lợi ích tức thì như giảm giá, ưu đãi có khả năng kích cầu, thu hút người tiêu dùng, từ đó tạo ra lợi ích lâu dài là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Theo nhận định của các sàn thương mại điện tử, thanh toán online sẽ là xu hướng tất yếu và là lựa chọn an toàn, nhanh chóng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tỷ lệ người Việt mua online nhưng thanh toán tiền mặt vẫn còn cao. Vì thế, các sàn thương mại điện tử cần có chiến lược phù hợp để thuyết phục và chuyển đổi thói quen thanh toán của người dùng.
Mặc dù đã có sự thay đổi khá tích cực trong thời gian gần đây, nhưng quá trình chuyển đổi sang thanh toán điện tử còn gặp nhiều thách thức khác như: việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, quản lý về thanh toán điện tử đối với dịch vụ công qua ngân hàng còn chậm; kỹ thuật, cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ chưa chặt chẽ giữa ngân hàng, trung gian thanh toán với đơn vị cung ứng dịch vụ công; vấn đề an toàn cho hệ thống ngân hàng, vấn đề bảo mật thông tin, về phòng chống các loại tội phạm công nghệ cao còn nhiều sơ hở; chất lượng nguồn nhân lực CNTT còn hạn chế, việc vận hành hệ thống CNTT, có thể dẫn đến nhiều sai sót, khiến cho các giải pháp CNTT chưa phát huy hết tính năng kể cả phía ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ...
Nhiều chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi liền mạch sang thanh toán kỹ thuật số, vốn là một phần không thể thiếu của thế giới kỹ thuật số hậu COVID-19, các nền kinh tế châu Á cần củng cố, hoàn thiện khung pháp lý về thanh toán số, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bởi hệ thống nhận dạng mạnh có chứng nhận thẩm quyền, mạng internet tốc độ cao, ổn định và dịch vụ tài chính đáng tin cậy… là những điều kiện tiên quyết để phát triển hệ thống thanh toán không tiếp xúc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng nhận định: Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thanh toán điện tử không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và tạo thành thói quen trong tiêu dùng. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ sự tin tưởng về sự phát triển của thanh toán điện tử tại Việt Nam nếu tất cả các cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp cùng chung tay phát triển phương thức này trở nên quen thuộc, thân thiện, văn minh hơn.
Hoàng MaiNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".