Những "chiếc bẫy" rình rập trên thị trường chứng khoán
Trước những rủi ro rình rập trên thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra 3 "chiếc bẫy" nhà đầu tư thường gặp.
Một trong những động lực giúp thị trường chứng khoán bứt phá liên tục trong thời gian qua chắc chắn không thể thiếu việc lượng lớn nhà đầu tư F0 "dồn dập" gia nhập thị trường. Nhìn ở góc độ tích cực, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường cho thấy chứng khoán đang là một kênh huy động vốn quan trọng với nền kinh tế.
Tuy nhiên, độ "hung hãn" của nhà đầu tư mới cũng khiến thị trường tiềm ẩn vô số rủi ro khi xu hướng đầu cơ lên ngôi. Dòng tiền sôi sục ở cổ phiếu đầu cơ đã đẩy giá hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ nặng dựng ngược tăng gấp 5-10 lần, nhiều cổ phiếu đã vượt xa nhiều lần so với giá trị thực của doanh nghiệp nhưng dường như cơn sóng ở nhóm này vẫn chưa dứt.
Tại buổi đối thoại mới đây của VnEconomy, TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, người sáng lập QMV Group đưa ra thống kê, dòng tiền vào thị trường tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm, song chủ yếu chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu rủi ro chứ không vào nhóm an toàn.
Đặc biệt, trong thời điểm thị trường sụt hơn 80 điểm trong vài phiên, chỉ số tham lam của nhà đầu tư đã có sự sụt giảm. Tuy nhiên, ngay khi thị trường hồi phục lại, chỉ số tham lam lại đột ngột quay đầu tăng mạnh. Từ thống kê này, vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư F0 chưa biết sợ và vẫn rất ham "bắt đáy".
Chắc hẳn nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quên hàng loạt mô hình giá "cây thông Noel" được các cổ phiếu IDI, TNI,SJF, SDA vẽ trước thềm Giáng sinh. Những cái tên quen thuộc này từng giảm sàn 8-10 phiên liên tiếp khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì bị "kẹp hàng" và không thể bán ra. Bất chấp rủi ro ở những cổ phiếu "cây thông" với đồ thị giá tăng nhanh, giảm sốc, không ít nhà đầu tư vẫn nuôi mộng nhận "quà" khi tung tiền bắt đáy ở nhóm này.
Trước những rủi ro rình rập trên thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra 3 "chiếc bẫy" nhà đầu tư thường gặp.
Thứ nhất, bẫy tin hoàn vào môi giới và bỏ qua yếu tố cơ bản. Trước cơn sóng đầu cơ cuồn cuộn, tham vọng cổ phiếu tăng bằng lần đã khiến nhà đầu tư quên đi thường quên đi yếu tố cơ bản là tiêu chí hàng đầu để chọn lọc cổ phiếu. Chiếc bẫy đầu tiên nhà đầu tư hay mắc phải là tin hoàn toàn những "room phím hàng" để xuống tiền mà bỏ qua nền tảng nội tại của doanh nghiệp.
Vị chuyên gia cũng cho hay, xu hướng của nhà đầu tư mới bây giờ là mua cổ phiếu "có game" theo phím của môi giới chứ không màng đến giá trị thực của doanh nghiệp. Đặc biệt, những cổ phiếu có tính đầu cơ cao thường có đặc điểm chung là kinh doanh bết bát và tỷ suất sinh lời không cao.
"Ngoài ra, bẫy cơ bản còn nằm ở chỗ, nhiều doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt, song nhà đầu tư thường bỏ qua yếu tố dòng tiền âm. Điều đó cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra có thể chỉ là lợi nhuận hoạch toán một giao dịch đột biến hoặc hoạch toán lợi nhuận "ảo" trong sổ sách. Do đó, nhà đầu tư không nên tin hoàn toàn vào môi giới mà nên tự mình tìm hiểu yếu tố cơ bản của doanh nghiệp để "né" được những cổ phiếu rác tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông Nguyễn Thế Minh phân tích.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thứ hai, bẫy tăng giá. Theo ông Minh, những cổ phiếu đầu cơ rất dễ bị thao túng giá. Đây là chiếc bẫy đánh lừa nhà đầu tư rằng, "đội lái" (nhà đầu tư lớn –PV) đang nắm giữ khối lượng lớn cổ phiếu. Với lợi thế về quy mô vốn, họ liên tục đặt các lệnh mua bán tạo cung cầu ảo nhằm kéo giá cổ phiếu lên cao, đồng thời tung các tin tức tích cực ra thị trường để tạo bối cảnh tích cực và kích thích niềm tin của nhà đầu tư. Khi các tín hiệu tích cực xuất hiện, nhà đầu tư sẽ ồ ạt mua vào với kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ được đẩy lên cao hơn nữa. Và hệ lụy là giá cổ phiếu liên tục giảm, thậm chí mất thanh khoản dẫn tới nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng nề.
Bên cạnh giá, chuyên gia lưu ý nhà đầu tư cũng nên nhận diện "chiếc bẫy" thanh khoản. Đối với chu kỳ đi lên của cổ phiếu đầu cơ, thông thường mấy ngày đầu thanh khoản sẽ được đẩy lên mức rất cao, nhưng càng về sau thanh khoản càng teo tóp. Đối với những nhà đầu tư mới, khi thấy lượng lớn dư mua nghĩ rằng đó là lượng cầu lớn thì đã vô tình "sập bẫy" thanh khoản. Theo đó, khi khối lượng dư mua trần đẩy lên đến hàng chục triệu, song khớp lệnh chỉ vài trăm nghìn đơn vị thì đó đã là dấu hiệu cảnh báo mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Đối với chu kỳ đi xuống của cổ phiếu đầu cơ, nhà đầu tư nên lưu ý thường có 2-3 phiên giao dịch thanh khoản tăng cao đột biến, sau đó dần mất thanh khoản và dẫn đến trạng thái dư bán sàn. Do đó, đặc thù của những cổ phiếu đi lên là những phiên tăng phải kèm theo thanh khoản tăng, nếu thanh khoản giảm nhà đầu tư cần thận trọng.
Thứ ba, bẫy thông tin. Chuyên gia Yuanta cho biết, khi mới tham gia thị trường, nhà đầu tư hay vướng phải những "chiếc bẫy" thông tin. Bởi có những thông tin chưa xác thực, thậm chí chỉ là lời đồn đoán trên các diễn đàn, room chat cũng khiến nhà đầu tư FOMO tung tiền mua cổ phiếu. Hàng loạt cổ phiếu lên bằng tin đồn có thể kể đến như SJF khi có thông tin hợp tác với Tập đoàn Hoà Phát hay những mã "họ" Louis cũng lên như diều gặp gió chỉ vì lời hô hào của lãnh đạo.
Đặc biệt, nhà đầu tư còn bị FOMO bởi những thông tin phát hành tăng vốn của doanh nghiệp. Thực tế, mục đích tăng vốn là tốt nhưng nhà đầu tư cần tìm hiểu kĩ việc tăng vốn nhằm mục đích phát triển hoạt động kinh doanh hay đơn thuần chỉ để tái cấu trúc lại các khoản nợ. Nếu mục đích tăng vốn không nhằm đầu tư để thu nguồn lợi nhuận mới mà chỉ để trả nợ cho những khoản đầu tư sai lầm từ quá khứ thì nhà đầu tư cũng nên xem xét.
Vị chuyên gia cũng đọc vị tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO) ngày càng phổ biến khiến hàng loạt nhà đầu tư dồn dập "đua giá" ngay cả khi cổ phiếu đã tăng giá bằng lần chỉ trong thời gian ngắn. Song, chuyên gia cũng cảnh báo cơn sóng đầu cơ có thể kết thúc bất cứ lúc nào và người đến sau sẽ "bỏng tay" khi cầm "hòn than" cuối cùng.
Minh ChâuVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.