Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 12/2021
Nới lỏng điều kiện thăng hạng giảng viên đại học; thay đổi cơ cấu điểm xét thăng hạng giảng viên... là những chính sách mới về giáo dục chính thức có hiệu lực trong tháng 12 này.
- Tâm thư người đứng đầu ngành giáo dục gửi đồng nghiệp ngày 20/11 trong đại dịch
- Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: 'Virus đã test cả hệ thống giáo dục'
- Bộ Công an: Tổng kết công tác giáo dục, đào tạo năm 2021 và triển khai công tác giáo dục, đào tạo năm 2022
- Bí thư Thành ủy Hà Nội: Từng bước đưa hệ thống giáo dục Thủ đô trở lại “bình thường mới”
Nới lỏng điều kiện thăng hạng giảng viên đại học
Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ ngày 26/12 quy định: giảng viên chỉ cần xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề (tức là chỉ cần xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 1 năm) trước khi thi/xét thăng hạng.
Trong khi đó, theo quy định trước đây, giảng viên phải được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục thì mới được thi/xét thăng hạng. Như vậy, điều kiện về xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ của giảng viên đã được nới lỏng hơn.
Bên cạnh đó Thông tư 31 cũng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện về thăng hạng giảng viên đại học, tuy nhiên không quá khác biệt so với quy định cũ.
Cụ thể, giảng viên đại học được thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III lên hạng II, hạng II lên hạng I khi đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 5 Thông tư 31 như sau: Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên ở hạng thấp hơn liền kề; Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; Không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức; Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu tùy từng hạng chức danh nghề nghiệp…
Thẩm định và lựa chọn tài liệu để sử dụng trong trường mầm non
Thông tư 30/2021/TT-BGDĐT quy định về việc biên soạn, thẩm định và lựa chọn tài liệu để sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 21/12/2021.
Theo thông tư này, tài liệu dành cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non phải đáp ứng các yêu cầu như: Nội dung, hình thức của tài liệu phù hợp với văn hoá, lịch sử, địa lý, đạo lý, thuần phong mỹ tục; Đảm bảo tính khoa học, sư phạm, thẩm mỹ, đảm bảo quyền trẻ em; Phù hợp với mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục mầm non.
Các thuật ngữ, các khái niệm, định nghĩa, sự kiện, hình ảnh bảo đảm tính chính xác, khách quan, nhất quán; các hình ảnh, sự kiện, số liệu có nguồn gốc rõ ràng.
Hình thức trình bày tài liệu cân đối, hài hoà, hệ thống ký hiệu, biểu tượng, kiểu chữ, cỡ chữ, tranh, ảnh, bản đồ, hình vẽ phù hợp với nội dung giáo dục và quy định của pháp luật Việt Nam.
Thay đổi cơ cấu điểm xét thăng hạng giảng viên
Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT cũng đưa ra quy định mới về điểm trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng giảng viên.
Trước đây, điểm trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng giảng viên đại học được xét theo điểm công trình khoa học của giảng viên. Trong đó, giảng viên trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng II phải có điểm công trình khoa học đạt tối thiểu 6 điểm; xét thăng hạng giảng viên cao cấp hạng I phải đạt tối thiểu 16 điểm.
Nhưng theo quy định mới của Điều 9, Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT, việc xét chọn thí sinh không chỉ căn cứ vào điểm của công trình khoa học mà còn dựa vào kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ như kết quả hướng dẫn nghiên cứu sinh, sách đào tạo đã được xuất bản…
Trong đó, người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng giảng viên chính hạng II có điểm kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quy đổi đạt tối thiểu 3,5 điểm.
Người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng giảng viên cao cấp hạng I có điểm kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quy đổi đạt tối thiểu 8,0 điểm.
Người trúng tuyển lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp được giao.
Chương trình giáo dục thường xuyên về Tiếng Anh thực hành
Có hiệu lực ngay từ những ngày đầu tháng 12 là Thông tư 28/2021/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên về Tiếng Anh thực hành. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12.
Theo đó, mục tiêu của Chương trình là người học có kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh để sử dụng theo nhu cầu; giao tiếp thành thạo Tiếng Anh thông qua bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết…
Người học cần đạt yêu cầu về năng lực đặc thù theo 6 bậc và theo bốn kĩ năng giao tiếp trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Nội dung dạy học trong Chương trình được thiết kế theo kết cấu đa thành phần theo các phương pháp: dạy học cá nhân hóa; dạy học tích hợp; phát triển năng lực tự học; ứng dụng công nghệ trong dạy học.
Giáo viên phải đạt chuẩn năng lực Tiếng Anh, năng lực sư phạm, đồng thời sẽ được hướng dẫn đầy đủ về nội dung và cách thức triển khai chương trình này.
HM (T/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.