Những chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 4/2022 mà người lao động và doanh nghiệp cần chú ý

Sự kiện
07:08 AM 02/04/2022

Làm thêm không quá 60 giờ trong 1 tháng, hướng dẫn giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài và sửa đổi quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2022

Làm thêm không quá 60 giờ trong 1 tháng

Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo đó, tại khoản 1 điều 1 của nghị quyết, số giờ làm thêm trong 1 năm được quy định như sau: Trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.

Tuy nhiên, các trường hợp không được làm thêm trên 200 giờ bao gồm: NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; NLĐ là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

Ngoài ra, NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi cũng sẽ không được làm thêm quá số giờ.

Nghị quyết quy định không áp dụng khoản 1 điều này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 điều 107 của Bộ Luật Lao động.

Số giờ làm thêm trong 1 tháng được quy định: Trường hợp NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

NSDLĐ có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, NSDLĐ thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/4.

Hướng dẫn giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/2/2022 hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thông tư này quy định về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Về đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài, Thông tư quy định nội dung đánh giá kết thúc gồm: Tiến độ góp vốn điều lệ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, vốn pháp định, góp vốn đầu tư của dự án có vốn đầu tư nước ngoài; việc huy động và sử dụng vốn huy động theo quy định của pháp luật; tiến độ thực hiện dự án so với tiến độ được quy định.

Ngoài ra, nội dung đánh giá còn có việc sử dụng đất, sử dụng lao động của dự án; việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, các nguồn lực đã huy động, tiến độ thực hiện, lợi ích dự án…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4.

Sửa quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 24/2021/TT-NHNN ngày 31/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư 24/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 1 về phạm vi điều chỉnh như sau: Thông tư này quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Việc kiểm toán độc lập tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 147 và Điều 151a Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).

Việc kiểm toán độc lập tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để phục vụ yêu cầu thanh tra, giám sát ngân hàng theo quy định của Chính phủ phải tuân thủ các Điều 11, 12, 13, 14 Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 15/4.

Hoàng Tùng
Ý kiến của bạn
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt

Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.