Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5/2025

Chính sách
03:49 PM 28/04/2025

Từ tháng 5/2025, nhiều chính sách về kinh tế có hiệu lực, như: Ban hành quy định mới về phân loại thống kê theo loại hình kinh tế; Bổ sung quy định quản lý kho xăng dầu và điều hành giá bán lẻ; Quy định mới về đặt hàng in, đúc tiền giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ sở trong nước...

Bổ sung quy định quản lý kho xăng dầu và điều hành giá bán lẻ

Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2025/TT-BCT ngày 13/3/2025 sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 2/5/2025. Thông tư này bổ sung quy định về báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu.

Theo đó, thương nhân đầu mối và phân phối có kho xăng dầu phải báo cáo định kỳ hàng quý về Bộ Công Thương và Sở Công Thương địa phương, trước ngày 10 tháng đầu tiên của kỳ tiếp theo. Nội dung báo cáo bao gồm thông tin về kho, bể, dung tích, và sản lượng xăng dầu qua kho. Sở Công Thương có trách nhiệm giám sát và báo cáo khi phát hiện vi phạm.

Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5/2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, Thông tư cũng sửa đổi quy định về hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu. Khi đại lý ký hợp đồng với nhiều thương nhân, cần bổ sung hồ sơ đề nghị sửa đổi Giấy xác nhận và Giấy chứng nhận theo quy định. Thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu cũng phải báo cáo sản lượng bán trong nước theo từng chủng loại, từ ngày 21 tháng trước đến ngày 20 tháng cuối quý, để xác định tỷ trọng sản lượng xăng dầu nội địa và nhập khẩu trong công thức giá cơ sở.

Về điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ công bố giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu dựa trên số liệu giá thành phần và ý kiến của Bộ Tài chính. Đồng thời, Thông tư này bãi bỏ quy định về Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu, nâng cao tính chủ động trong quản lý nguồn cung và giá cả thị trường.

Giá quản lý chung cư tại Hà Nội cao nhất là 16.500 đồng/m2/tháng

UBND Hà Nội ban hành Quyết định 33/2025/QĐ-UBND ngày 21/4/2025 về việc ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, có hiệu lực từ 1/5/2025.

Theo đó, mức giá dịch vụ cho các loại chung cư được quy định như sau: chung cư không có thang máy có giá tối thiểu 700 đồng/m2/tháng và tối đa 5.000 đồng/m2/tháng; chung cư có thang máy có giá tối thiểu 1.200 đồng/m2/tháng và tối đa 16.500 đồng/m2/tháng. Các dịch vụ cao cấp như tắm hơi, bể bơi, truyền hình cáp không thuộc phạm vi khung giá này.

Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5/2025- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Internet

Khung giá này không áp dụng cho nhà chung cư cũ chưa cải tạo, nhà chung cư xã hội dành cho học sinh, sinh viên, công nhân, và những trường hợp đã thống nhất giá qua Hội nghị nhà chung cư hoặc trong hợp đồng mua bán, thuê căn hộ.

Đối tượng áp dụng gồm cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành và các cá nhân liên quan. Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan để theo dõi, tổng hợp ý kiến và điều chỉnh giá khi có biến động. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm kiểm tra và giải quyết tranh chấp liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư. Quyết định này thay thế Quyết định số 243/QĐ-UBND ngày 12/1/2017.

Quy định mới về đặt hàng in, đúc tiền giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ sở trong nước

Ngày 26/3/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ký ban hành Quyết định số 06/2025/QĐ-TTg quy định việc đặt hàng giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với các cơ sở in, đúc tiền trong nước để thực hiện in tiền giấy, sản xuất tiền kim loại. Quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5.

Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5/2025- Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, các cơ sở in, đúc tiền phải là đơn vị hợp pháp, có chức năng in tiền, sản xuất tiền kim loại theo quy định pháp luật ngân hàng, đồng thời đáp ứng đầy đủ yêu cầu về năng lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực. Đặc biệt, các cơ sở này phải đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối trong toàn bộ hoạt động in, đúc tiền.

Việc đặt hàng sẽ căn cứ theo định mức kinh tế - kỹ thuật do Ngân hàng Nhà nước ban hành, kế hoạch in, đúc tiền hàng năm và đơn giá do cấp có thẩm quyền quy định. Sau khi được giao kế hoạch, cơ sở in, đúc tiền sẽ xây dựng phương án giá dịch vụ gửi Ngân hàng Nhà nước thẩm định. Trên cơ sở thẩm định này, Bộ Tài chính sẽ ban hành giá tối đa, và Ngân hàng Nhà nước quyết định đơn giá cụ thể cho từng sản phẩm, đảm bảo không vượt quá mức trần đã phê duyệt.

Quyết định cũng quy định việc điều chỉnh đơn giá phải tuân thủ theo các nguyên tắc của pháp luật về giá. Ngoài ra, các nội dung khác liên quan đến đặt hàng sẽ thực hiện theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Ban hành quy định mới về phân loại thống kê theo loại hình kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 13/2/2025 ban hành Thông tư số 07/2025/TT-BKHĐT quy định phân loại thống kê theo loại hình kinh tế, áp dụng trong hoạt động thống kê nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1/5/2025.

Theo Thông tư, việc phân loại nhằm xếp các đơn vị kinh tế có cùng tính chất vào loại hình kinh tế tương ứng, bảo đảm mỗi đơn vị chỉ được xếp vào một loại hình. Căn cứ phân loại dựa trên thứ tự ưu tiên: quy định pháp luật, tỷ lệ vốn chủ sở hữu và đặc thù của loại hình kinh tế.

Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5/2025- Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Internet

Phân loại thống kê được xây dựng theo hai cấp: cấp 1 gồm 4 loại hình chính và cấp 2 gồm 17 loại hình chi tiết. Các loại hình cấp 1 gồm: kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Mỗi loại hình cấp 2 được mã hóa bằng hai chữ số theo hệ thống cấp 1.

Cụ thể, kinh tế Nhà nước bao gồm các tổ chức do Nhà nước nắm giữ từ dưới 50% đến 100% vốn; kinh tế tập thể gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế tập thể khác; kinh tế tư nhân bao gồm tổ chức tư nhân, hộ sản xuất và các hình thức khác; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phân loại theo mức độ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt 128.512,9 tỷ đồng Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt 128.512,9 tỷ đồng

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 4/2025 đã có dấu hiệu tăng tốc, giúp thu hẹp khoảng cách so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân của cả nước trong 4 tháng vẫn đạt thấp.