Những chính sách mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 12/2023
Một loạt các chính sách liên quan đến lĩnh vực kinh tế như giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước; Quy định mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe online; Tăng lương cho viên chức hỗ trợ dạy người khuyết tật... sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2023.
Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực ngày 1/12/2023.
Theo đó, từ ngày 1/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện báo cáo với NHNN. Hiện hành quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo với NHNN là 300 triệu đồng.
Mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe online là 115.000 đồng
Ngày 16/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2023.
Theo đó, sửa đổi quy định tại Điều 3 Thông tư 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng lại như sau:
Mức thu phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.
Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) theo hình thức trực tuyến: Kể từ ngày 1/12/2023 đến hết ngày 31/12/2025, áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp.
Kể từ ngày 1/1/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.
Như vậy, mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) khi nộp hồ sơ online từ ngày 1/12/2023 là 115.000 đồng/lần cấp.
Tăng lương cho viên chức hỗ trợ dạy người khuyết tật
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 21/2023 quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.
Theo đó, viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật sẽ được hưởng lương như viên chức loại A0, có hệ số lương từ 2,1 đến 4,89 theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước.
Do đó, viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật sẽ có mức lương dao động từ 3,78 triệu đồng/tháng đến cao nhất là 8,802 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, theo quy định cũ, đối tượng này chỉ được hưởng lương của viên chức loại B, có hệ số lương từ 1,86 - 4,06 tương ứng với mức lương là từ 3,348 triệu đồng/tháng - 7,308 triệu đồng/tháng.
Tăng mức trợ cấp hàng tháng cho quân nhân xuất ngũ
Thông tư 82/2023 của Bộ Quốc phòng quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Theo đó, tại khoản 1, Điều 3 Thông tư này đã điều chỉnh tăng thêm 12,5% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 với các đối tượng ở trên theo công thức:
Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ tháng 7/2023 = Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023 x 1,125.
Theo đó, mức trợ cấp hằng tháng của quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc như sau:
Từ đủ 15 năm - dưới 16 năm: 2,285 triệu đồng/tháng
Từ đủ 16 năm - dưới 17 năm: 2,288 triệu đồng/tháng
Từ đủ 17 năm - dưới 18 năm: 2,494 triệu đồng/tháng
Từ đủ 18 năm - dưới 19 năm: 2,598 triệu đồng/tháng
Từ đủ 19 năm - dưới 20 năm: 2,7 triệu đồng/tháng
Mặc dù Thông tư này có hiệu lực từ 19/12/2023 nhưng các quy định được thực hiện từ ngày 1/7/2023.
Bổ sung quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của ngân hàng liên doanh
Ngày 31/10/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Trong đó, Thông tư 13/2023/TT-NHNN bổ sung điểm b (iii) vào điểm b khoản 3 Điều 31 về chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp của ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Cụ thể, việc chuyển nhượng phần vốn góp cho tổ chức không phải là thành viên góp vốn của ngân hàng liên doanh cần đảm bảo tỷ lệ góp vốn theo quy định và đáp ứng các điều kiện sau:
Đối tác mới là doanh nghiệp không phải ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện sau: Được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài;
Trường hợp là doanh nghiệp nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn vào ngân hàng liên doanh theo quy định của pháp luật;
Trường hợp là doanh nghiệp được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật;
Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ trên 1% đến dưới 5% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh hoặc có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 400 tỷ đồng trong 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ 1% vốn điều lệ trở xuống của ngân hàng liên doanh;
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán của năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
Kinh doanh có lãi trong 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp; Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn; Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp; Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 14/12/2023.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.