Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7
Trong tháng 7, hàng loạt chính sách mới có hiệu lực như: 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền chính quyền địa phương hai cấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp "sổ đỏ"; 5 nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp "sổ đỏ”
Ngày 12/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 151/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai.
Trong đó, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai chuyển giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gồm: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 136 và điểm d khoản 2 Điều 142 Luật Đất đai; xác định lại diện tích đất ở và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản 6 Điều 141 Luật Đất đai.

Ảnh minh họa: Internet
Ghi giá đất trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ban hành quyết định giá đất thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp xác định giá đất cụ thể quy định tại khoản 4 Điều 155 Luật Đất đai...
Nghị định có hiệu lực từ 1/7/2025.
Thêm 4 nhóm được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1/7 mở rộng 4 nhóm được ngân sách nhà nước chi trả tiền mua BHYT.
Một là người nhận trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng, tức từ đủ 75 tuổi trở lên và áp dụng từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Theo thống kê, khoảng 1,5 triệu người từ đủ 75 đến 80 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí xã hội từ 1/7.
Hai là nhóm đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (do thân nhân đã mất, thường là vợ/chồng), gồm người từ đủ 75 tuổi trở lên và đủ 70 đến dưới 75 thuộc hộ cận nghèo, trong khi quy định hiện hành là 80 tuổi.
Ba là nhóm tham gia BHXH nhưng chưa đủ 15 năm, đủ tuổi về hưu nhưng chưa đến tuổi nhận trợ cấp hưu trí mà nhận trợ cấp hàng tháng từ tiền đóng góp vào Quỹ. Đây là nhóm không có thu nhập và đối mặt với rủi ro sức khỏe cao nhất. Cuối cùng là dân quân thường trực - lực lượng sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ đột xuất như phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Luật sửa đổi quy định mức đóng của các nhóm này tối đa bằng 6% mức tham chiếu và do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tham chiếu hiện hành là 2,34 triệu đồng, tương đương mức đóng tối đa của các nhóm được hỗ trợ là 1,404 triệu đồng mỗi người một năm.
Tài chính công đoàn có thể dùng xây nhà ở xã hội
Luật Công đoàn sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định tài chính công đoàn gồm đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng góp; ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; viện trợ tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tài chính công đoàn sẽ được sử dụng để giúp đỡ thành viên công đoàn, như bảo vệ quyền lợi và dạy họ những kỹ năng mới, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao... Ngoài ra, luật mới bổ sung quy định tiền công đoàn còn được dùng để xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên và người lao động thuê; làm công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên, người lao động.

Ảnh minh họa: Internet
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.
28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền chính quyền địa phương 2 cấp
Chính phủ đã ban hành 28 Nghị định về phân quyền, phân cấp; phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2025.
Trong 28 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền có: 11 nghị định phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; 14 Nghị định về phân cấp, phân quyền; 3 nghị định quy định các nội dung gồm phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền. Ngoài ra, 4 nghị định khác cũng được xây dựng để đồng bộ hệ thống pháp luật.

Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội. Ảnh minh họa: Internet
Phạm vi điều chỉnh của các nghị định về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền tập trung quy định việc điều chỉnh lại thẩm quyền, chủ yếu từ cơ quan Trung ương cho chính quyền địa phương; điều chuyển nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện cho chính quyền địa phương cấp tỉnh và chính quyền địa phương cấp xã; đồng thời quy định trình tự, thủ tục mới để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nếu việc thay đổi thẩm quyền dẫn tới thay đổi về trình tự, thủ tục.
Việc ban hành 28 nghị định tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch để tổ chức vận hành hệ thống chính quyền 2 cấp thông suốt, ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng kiến tạo và phục vụ.
5 nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Theo Nghị định số 158/2025/NĐ-CP ngày 25/6/2025 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 5 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
Thứ nhất, người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c, g, h, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Ảnh minh họa: Internet
Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, i, k, l khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thứ hai, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh quy định tại điểm m khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thứ ba, đối tượng quy định tại khoản 2 nêu trên và điểm n khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội đồng thời thuộc nhiều đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thứ tư, đối tượng hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm a khoản 7 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thứ năm, đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng tính theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất; người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Nhà ở tại đô thị phải có thiết bị truyền tin báo cháy
Theo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực từ 1/7, nhà ở tại thành phố trực thuộc trung ương, thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy chữa cháy phải đảm bảo một số điều kiện.
Cụ thể, nhà phải trang bị bình chữa cháy; thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy. UBND thành phố trực thuộc trung ương xác định khu vực trong diện này và thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định. Hiện, cả nước có 6 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Đối với nhà ở tại khu vực khác, việc lắp thiết bị truyền tin báo cháy không bắt buộc, song được khuyến khích trang bị. Ngoài ra, nhà ở phải bố trí bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; không để vật, chất dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng; bố trí lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp.
Huyền My (t/h)
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống mức 48,9 điểm trong tháng 6 so với 49,8 của tháng 5. Trọng tâm của sự suy giảm này là do số lượng đơn đặt hàng mới giảm.