Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam

Chính trị - xã hội
11:44 AM 28/10/2020

Bão số 9 có nhiều điểm tương đồng với một số cơn bão khác từng gây ra nhiều thiệt hại trong quá khứ. Cùng điểm lại những cơn bão mạnh trong 15 năm qua.

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam

Cơn bão số 9 (tên quốc tế là Molave) sắp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và được đánh giá có thể là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 9 có cường độ cấp 12-13, giật cấp 15 hết sức nguy hiểm.

Bão số 9 được so sánh có cường độ mạnh tương đương một số cơn bão kinh hoàng trong lịch sử từng đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam như bão Xangsane năm 2006, bão Lekima năm 2007 hay bão Damrey năm 2017. 

Hãy cùng điểm lại diễn biến cũng như hậu quả nghiêm trọng mà những cơn bão này để lại tại Việt Nam:

Bão Xangsane năm 2006

Bão Xangsane là cơn bão số 6 năm 2006, đổ bộ vào bờ biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi vào ngày 1/10/2006.

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 1.

Đường dây điện trên đường Duy Tân, quận Hải Châu bị bão số 6 cuốn đổ lúc 7 giờ ngày 1/10/2006. Ảnh: TTXVN

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 2.

Sóng dữ đe dọa kè biển tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Ảnh: TTXVN

Bão Xangsane được coi là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong khoảng 20 năm (tính đến năm 2016). Bão làm 68 người chết và mất tích, khoảng 500 người bị thương, gần 270.000 ngôi nhà bị hỏng nặng, 1.287 hec-ta đất nông nghiệp hư hại, 65.000 gia cầm bị chết, phá hủy gần 700 thuyền đánh cá bị chìm, quật ngã hàng ngàn cây xanh và cột điện, gây ngập trên diện rộng. Thiệt hại về hoa màu, lúa, diện tích nuôi trồng thủy sản và gia súc, gia cầm là rất lớn.

Bão Lekima năm 2007

Bão Lekima là cơn bão số 5 của năm 2007, đổ bộ vào địa phận giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh vào ngày 3/10/2007.

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 3.

Hình ảnh vệ tinh của cơn bão Lekima năm 2007

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 4.

Sóng lớn uy hiếp nhà dân ở ven biển Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh: TTXVN

Bão Lekima làm ít nhất 37 người thiệt mạng cùng 24 người mất tích.

Bão Sơn Tinh năm 2012

Bão Sơn Tinh là cơn bão số 8 của năm 2012. Bão Sơn Tinh có đường đi lắt léo, được đánh giá là cơn bão có tốc độ nhanh nhất trong vòng 10 năm qua (tính đến năm 2012).

Ngày 26/10/2012, cơ quan khí tượng cảnh báo bão Sơn Tinh sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung (từ Quảng Bình tới Quảng Trị).

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 5.

Tháp truyền hình cao nhất miền Bắc bị gió quật gãy tại Nam Định. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, đến ngày 27/10/2012, khu vực đổ bộ của bão vẫn chưa thể xác định, đường đi thay đổi, cường độ bão tăng, có lúc đạt cấp 14 - cấp siêu bão.

Ngày 28/10/2012, bão quần thảo trên khu vực cách ven biển các tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình dưới 100km. Bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14 hoành hành suốt nhiều giờ mưa lớn suốt đêm.

Đến ngày 29/10/2012, bão di chuyển vòng lên phía bắc, tan ở ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh.

Về thiệt hại, bão Sơn Tinh đã làm 8 người chết, 3 người mất tích và gần 100 người bị thương. Thống kê thiệt hại do bão hơn 7.500 tỷ đồng, các tỉnh thiệt hại nặng nề chủ yếu là Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng,…

Bão Marinae năm 2016

Bão Marinae là cơn bão số 1 của năm 2016. Đêm 27/7/2016, bão Marinae đổ bộ đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Ninh Bình sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Về thiệt hại, bão Marinae đã làm thiệt mạng 1 người (Phú Xuyên, Hà Nội), mất tích 1 người (Thanh Hóa), và 8 người bị thương. Bão cũng làm 12 tàu bị chìm (Nam Định 7 tàu, Hải Phòng 3 tàu và Thanh Hóa 2 tàu). Ngoài ra, 1.426 nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng, chủ yếu ở Hà Nội và Hà Nam sau bão.

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 6.

Nhà cửa bị hư hại ở TP. Nam Định. Ảnh: Zing News

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 7.

Nỗ lực cầm giữ tay lái không thành, nhiều người bỏ xe giữa đường, tìm nơi ẩn náu. Trong ảnh là cảnh xe máy nằm la liệt trên đường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Ảnh: Zing News.

Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng với 196.200ha diện tích lúa bị ngập úng, 20.794ha diện tích hoa màu…

Một thiệt hại nặng nề nữa là cây xanh ở khu vực các vùng đô thị như Hà Nội, Nam Định. Đáng chú ý, thủ đô Hà Nội có gần 5.500 cây xanh bị gãy, đổ. Nhiều tuyến phố của Hà Nội cây xanh bị gãy đổ hoàn toàn, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ.

Bão Doksuri năm 2017

Bão Doksuri là cơn bão số 10 của năm 2017. Ngày 15/9/2017, bão đổ bộ vào các tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình).

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 8.

Người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang cố gắng gượng dậy dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả do bão. Ảnh: VOV

Bão Doksuri đã khiến 6 người thiệt mạng và 21 người bị thương; khoảng 24 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, hơn 54 nghìn nhà bị ngập và hàng chục hecta hoa màu bị ngập úng; nhiều trường học, công trình công cộng bị hư hỏng nặng.

Bão Damrey năm 2017

Bão Damrey là cơn bão số 12 của năm 2017, đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, quét qua một phần các tỉnh Tây Nguyên vào ngày 4/11/2017.

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 9.

Xe máy, xe đạp cũng chịu chung số phận ngập và bị hư hỏng nặng. Ảnh: Reuters

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 10.

Một người phụ nữ đứng trong dòng nước ngập tới cổ tại Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Reuters

Những cơn bão lịch sử đã từng đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 11.

Ảnh vệ tinh về cơn bão Damrey lịch sử năm 2017

Từ lúc 2h sáng ngày 4/11/2017, bão Damrey mạnh cấp 8-9, đổ bộ vào các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Sức gió mạnh nhất của cơn bão trên đất liền đạt cấp 13, là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm (tính đến năm 2017) tại tỉnh Khánh Hòa.

Bão Damrey đã khiến 44 người chết, 229 người bị thương. Về vật chất, hơn 2.000 căn nhà bị phá hủy; hơn 70.000 lồng bè bị mất trắng; 300 trường học bị sụp đổ, hư hỏng; tổng thiệt hại ước tính hơn 22.000 tỷ đồng.

My Lê
Ý kiến của bạn
Nhiều ngân hàng tư nhân cán mốc hơn 10 triệu khách hàng Nhiều ngân hàng tư nhân cán mốc hơn 10 triệu khách hàng

Mạng lưới khách hàng của các nhà băng đã được mở rộng rất nhanh trong những năm qua. Nhờ chuyển đổi số, nhiều ngân hàng tư nhân đã đạt hơn 10 triệu khách hàng, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cuộc đua mở rộng thị phần ngoài nhóm Big 4.