Những con số "bùng nổ" của thương mại điện tử, giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á
Thương mại điện tử của Việt Nam năm 2020 có quy mô khoảng 11,8 tỷ USD, và có tốc độ tăng trưởng thị trường nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Vừa qua, tại tọa đàm về "Tương lai của nền kinh tế số Việt Nam: Vai trò của Thương mại điện tử sau đại dịch Covid" diễn ra trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2021, các chuyên gia khẳng định, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 18%, với quy mô khoảng 11,8 tỷ USD, và sẽ tiếp tục phát triển sau đại dịch với nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Thương mại điện tử của Việt Nam có tốc độ tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy rõ nét sự thay đổi hành vi mua sắm tiêu dùng truyền thống sang thương mại điện tử.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng phòng thương mại điện tử, Sàn thương mại điện tử Voso cho biết, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Dự báo, tốc độ tăng trưởng còn tiếp tục và sẽ vượt xa mốc 11,8 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới.
Theo thống kê, từ khi dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm qua sàn thương mại điện tử đã tăng mạnh. Đến nay, đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận mạng Internet, trong đó, có gần 50% người dùng Việt Nam đã mua sắm online, 53% người dân đã sử dụng ví điện tử, và thanh toán mua hàng qua mạng.
Bên cạnh khái niệm mua hàng truyền thống, đã xuất hiện những khái niệm mới như mua hàng qua mạng, đi chợ hộ, đi chợ mạng…
Tỷ trọng tiêu dùng theo ngành hàng đã có sự thay đổi. Khảo sát cho thấy, người dân vẫn đang cắt giảm chi tiêu mua sắm các hoạt động không thiết yếu. Các ngành trước đây chiếm tỷ trọng cao như thời trang, giải trí, làm đẹp,... giờ đã giảm, và thay vào đó là các ngành hàng mới thiết yếu như thực phẩm, sức khỏe, đồ gia dụng tăng cao.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy kết luận: "Có thể thấy, thói quen hành vi mua sắm của người dùng đã thay đổi hoàn toàn trong dịch Covid, góp phần thúc đẩy các xu hướng mua sắm mới. Người dùng đã giảm tần suất ra ngoài mua sắm, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu và quan tâm đến hàng Việt nhiều hơn".
Với sự thay đổi dịch chuyển này, trước khi quyết định mua hàng online, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến vấn đề chất lượng sản phẩm, bảo mật thông tin, chăm sóc khách hàng, giao hàng, thanh toán và khuyến mại.
Mô hình mới cho thương mại điện tử
Chia sẻ về các nhân tố tạo lập bình thường mới, đối với thương mại điện tử, ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban công nghệ - đổi mới sáng tạo, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhận định, từ khóa chúng ta nghe nhiều nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo ra nhiều hệ lụy lớn.
Cũng theo chuyên gia này, nếu trước đây, các sàn phải "đốt tiền" để hút khách hàng thì nay, với sự thay đổi hành vi mua sắm đã tạo cơ hội lớn cho thương mại điện tử phát triển. Với logistics, nếu như trước đây thụ động, chủ đơn hàng đi tìm kho bãi, vận tải thì nay trong bối cảnh số hóa, chuyển đổi số, và sự phát triển của thương mại điện tử đòi hỏi logistics thay đổi theo, năng động hơn.
Ông Trần Chí Dũng cũng đề cập mô hình mới về 3 quy trình mua hàng - vận chuyển và thanh toán (Buy- Ship- Pay), cho thương mại điện tử cần được nghiên cứu.
Lấy dẫn chứng, Singapore chỉ sau 1 năm áp dụng mô hình này, đã đạt tỷ lệ 16% doanh số xuất.
Thách thức cho logistics
Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng kinh doanh bưu chính thương mại điện tử, Tổng Công ty bưu điện Việt Nam cho rằng, sự tăng trưởng nhanh của thị trường hiện nay, được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai. Tốc độ tăng trưởng này đang mang đến cơ hội lớn, nhưng cũng sẽ là thách thức cho phát triển nền tảng logistics đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng và thị trường.
Theo khảo sát năm 2021, khách hàng thương mại điện tử luôn muốn giao hàng nhanh, chi phí thấp và dịch vụ tốt. Trong khi đó, thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt bởi sự tham gia của các nhiều đối thủ lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh những công ty truyền thống như Viettel Post, VNPost, Nhất Tín, còn có các công ty nước ngoài như FedEx, UPS, DHL, và nhiều công ty công nghệ, các siêu ứng dụng tham gia.
Ngoài ra, hiện nay, tỷ lệ thanh toán tiền mặt trong thương mại điện tử còn cao. Thống kê có tới hơn 80% người mua hàng trực tuyến, vẫn lựa chọn hình thức thanh toán đơn hàng bằng tiền mặt. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy tỷ lệ giao hàng thành công thấp xuống, tỷ lệ hủy đơn tăng lên, và nhân viên giao vận phải mang theo một lượng lớn tiền mặt.
Các doanh nghiệp logistics cho thương mại điện tử cũng đang phải đối mặt với thách thức về tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin, trong Ecommerce - Logistics còn thấp. Hiện nay, chỉ có khoảng gần 11% số doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, liên quan đến theo dõi và truy xuất hàng hóa, hệ thống giao nhận, kho bãi.
Còn lại, phần lớn doanh nghiệp vẫn đang duy trì hình thức thủ công trong phân loại, chia, chọn hàng,… dẫn đến sai sót, chi phí cao, nhất là khi sản lượng thương mại điện tử lớn như hiện nay.
Một thách thức khác được bà Lê Thị Mai Anh chỉ ra, là thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động Ecommerce - Logistics. Trên thực tế, các văn bản pháp lý cho thương mại điện tử tương đối đầy đủ, nhưng Việt Nam lại chưa có quy định cụ thể về Ecommerce - Logistics, còn thiếu khái niệm về vấn đề này và chưa phân biệt 2 hoạt động Logistics và Ecommerce - Logistics.
Từ phía các sàn thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy nhấn mạnh, thách thức trong thời gian tới đó là vấn đề bảo mật dữ liệu. Các mạng xã hội đang nổi lên như một phương thức giao dịch thương mại điện tử phổ biến, nhưng chưa được điều chỉnh.
Ngoài ra, nạn hàng giả, hàng nhái đang nhức nhối trên các sàn thương mại điện tử vừa qua, sẽ là những vấn đề thách thức trong thời gian tới, cần có những biện pháp ngăn chặn để bảo vệ người tiêu dùng.
Hồng NhuậnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.