Những con số gây choáng về vụ siêu tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez
Khoảng 12% hoạt động thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez, khiến nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng đến nỗi kể từ khi hoàn thành năm 1869 nó vẫn luôn bị các cường quốc tranh giành.
Hôm qua (24/3), một tàu chở hàng siêu trường siêu trọng đã bất ngờ bị mắc cạn tại kênh đào Suez (Ai Cập) và chắn ngang kênh đào này. Theo Bloomberg, cho đến thời điểm hiện tại những nỗ lực giải cứu con tàu vẫn chưa đạt được chút thành công nào, dẫn đến nguy cơ tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới sẽ bị tắc nghẽn trong thời gian dài.
Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết các công việc cần làm để giải cứu con tàu đã tiếp tục vào buổi sáng hôm nay. Những người thợ đang nỗ lực nạo vét xung quanh con tàu trước khi thực hiện bước tiếp theo là kéo nó ra.
Con tàu Ever Given lớn đến nỗi kể cả việc tính toán độ lớn của nó cũng đòi hỏi nhiều sự cố gắng. Với độ dài 400m, trọng lượng khoảng 200.000 tấn, kích thước khổng lồ khiến mọi nỗ lực đào con tàu trở nên vô vọng. 1 chiếc máy xúc lớn với chiều cao gấp đôi người tài xế lái xe khi đặt bên cạnh siêu tàu nhìn cũng sẽ chỉ giống như 1 chiếc ô tô đồ chơi.
Chiếc máy xúc lớn cũng chỉ như 1 món đồ chơi khi đặt cạnh siêu tàu.
Tình trạng trở nên nghiêm trọng đến nỗi 1 đội đặc nhiệm tinh nhuệ chuyên giải cứu tàu bị mắc kẹt sẽ đến kênh đào Suez trong hôm nay để "cạy" con tàu ra khỏi hai bên bờ kênh. Dẫu vậy, cơ hội tốt nhất để giải cứu siêu tàu sẽ không xuất hiện trước Chủ nhật tuần này hoặc thứ hai tuần sau, khi thủy triều đạt đỉnh, theo Nick Sloane, chuyên gia đã chịu trách nhiệm giải cứu con tàu Costa Concordia bị lật úp bên bờ biển Italy năm 2012.
Khoảng 12% hoạt động thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez, khiến nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng đến nỗi kể từ khi hoàn thành năm 1869 nó vẫn luôn bị các cường quốc tranh giành. Hiện tại, con đường giao thông huyết mạch qua Suez lại đang bị bịt kín vì siêu tàu mắc kẹt ở phần phía Bắc của kênh đào, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang bị kéo căng hết mức trước sự bùng nổ của thương mại điện tử.
Mỗi ngày có khoảng hơn 50 con tàu đi qua kênh đào, vận chuyển mọi thứ từ hàng tiêu dùng tới máy móc, linh kiện điện tử và dầu mỏ đi khắp thế giới.
Sự cố bắt đầu xảy ra từ hôm qua, khi gió mạnh thổi qua khu vực này và khiến cát bị xô xuống 2 bên bờ của con kênh phục vụ rất nhiều tàu chở dầu thô, hàng hóa từ Trung Đông sang châu Âu và Bắc Mỹ. Ở một số đoạn, kênh đào bị thu hẹp chiều rộng chỉ còn chưa đến 205 mét, dẫn đến rất khó để điều hướng tàu khi tầm nhìn bị hạn chế.
Con tàu Ever Given đang trên đường đi từ Trung Quốc đến Rotterdam và trước đó chặng đường vẫn diễn ra thuận lợi. Khi gió mạnh lên với tốc độ 46 dặm/giờ và khiến bụi bay tứ tung, đoàn thủy thủ bị mất lái và con tàu bị nghiêng về 1 bên, xoay ngang và chặn ngang toàn bộ kênh đào. Hiện tàu vẫn đang ở nguyên vị trí giống như khi bắt đầu bị mắc cạn.
Điều quan trọng nhất trong vụ mắc cạn này là kích thước khổng lồ của con tàu.
Hiện nhiệm vụ giải cứu Ever Given được giao cho SMIT Salvage, công ty huyền thoại đến từ Hà Lan. Trước tiên họ cần phải giảm trọng lượng của con tàu bằng cách dỡ bỏ những thứ như nước dằn tàu (thứ giúp con tàu vững chãi hơn khi đang lênh đênh trên biển). Thậm chí cả nhiên liệu của tàu cũng có thể bị dỡ bỏ.
Suez là kênh đào nhộn nhịp nhất thế giới, phục vụ những tàu chở dầu từ ĐỊa Trung Hải đến châu Âu và Bắc Mỹ và cả chiều ngược lại. Hôm qua, có tới 185 tàu (chủ yếu là tàu chở hàng hóa cỡ siêu lớn, tàu container, tàu chở dầu và hóa chất) đang xếp hàng chờ để băng qua kênh đào.
Trong thập kỷ vừa qua, kích thước của các con tàu container đã tăng gần gấp đôi do hoạt động thương mại toàn cầu bùng nổ, dẫn đến việc giải cứu những con tàu này trở nên khó khăn bội phần. Mặc dù những tuyến đường thủy huyết mạch (mà trong đó có kênh đào Suez) đã liên tục được mở rộng và làm sâu thêm trong những năm gần đây để đáp ứng với những con tàu siêu trường siêu trọng, một khi có tàu bị mắc kẹt thì tình thế luôn rất khó khăn.
Vụ việc cũng nhấn mạnh 1 rủi ro lớn mà ngành vận tải đang phải đối mặt khi mà ngày càng có nhiều tàu đi qua những "nút thắt cổ chai" như kênh đào Suez, kênh đào Panama, eo biển Hormuz và eo biển Malacca. Trong tương lai những vụ tắc nghẽn như vậy sẽ càng trở nên phổ biến hơn vì tàu ngày càng to hơn và các kênh đào ngày càng đông đúc hơn.
Các công ty dầu mỏ đang bắt đầu chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất. Theo 1 nhà môi giới, hôm qua nhu cầu đặt tàu có những lựa chọn tuyến đường tránh được kênh đào Suez đã tăng lên. Tuy nhiên hiện tại thì đó mới chỉ là 1 lựa chọn để xem xét, bởi lựa chọn thay thế chính sẽ chờ cho đến khi hết tắc nghẽn vì nếu không các tàu sẽ phải đi vòng rất xa.
Vốn đang trong trạng thái biến động mạnh, thị trường dầu mỏ bị ảnh hưởng khá nặng. Hồi đầu tháng 3, giá dầu thô đã tăng vọt lên trên 70 USD sau khi Saudi Arabia thông báo cắt giảm sản lượng, sau đó lao dốc xuống còn gần 60 USD vào đầu tuần này vì những tin tức xấu về chương trình vaccine Covid-19 ở châu Âu. Đến phiên hôm qua, giá lại tăng vọt hơn 5%.
Nỗ lực giải cứu siêu tàu đang mắc kẹt ở kênh đào Suez. Nguồn: Business Insider
Tham khảo Bloomberg
Thu HươngKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.