Những con số không tưởng về kênh đào Suez: 'Đường tắt' đi từ châu Á sang châu Âu, chiếm 13% tổng giao thương hàng hải toàn thế giới, 120.000 người bỏ mạng để xây dựng
Lịch sử hình thành của kênh đào Suez đầy máu và nước mắt.
Kênh đào Suez là kênh giao thông nhân tạo chạy theo hướng Bắc-Nam đi ngang qua eo Suez tại phía Đông Bắc Ai Cập, nó nối Địa Trung Hải với Vịnh Suez, một nhánh của Biển Đỏ.
Tuyến đường biển này cung cấp một lối đi tắt cho những con tàu đi từ Châu Á đến Châu Âu và ngược lại, nối thông nhiều khu vực từ Châu Phi đến Châu Đại Dương trên con đường giao thương hàng hải.
Kênh được bắt đầu khởi công ngày 25/4/1859 và hoàn thành vào ngày 17/1/1869. Khi hoàn thành, kênh đào Suez dài 193,30 km, khúc hẹp nhất là 60 m với độ sâu tại đó là 24 m, đủ khả năng cho tàu lớn 250.000 tấn qua được.
Tuyến đường dài 164 km này đã thay đổi vĩnh viễn lịch sử vận tải đường biển quốc tế, giúp tàu thuyền không phải đi qua mũi phía Nam Châu Phi, rút ngắn 6000 km.
Chỉ riêng trong năm 2019, khoảng 19.000 chuyến tàu chở hàng đã đi qua kênh đào Suez, chiếm tới 13% tổng giao thương hàng hải toàn thế giới. Xin được nhắc là hơn 80% khối lượng thương mại quốc tế được vận chuyển bằng đường hàng hải do chi phí hợp lý hơn hàng không và nhanh hơn đường bộ.
120.000 người bỏ mạng để nối liền 2 vùng biển
Có lẽ vào khoảng những năm 1839 tới 1878 trước Công Nguyên, vào Triều đại vua Senusret III đã có một kênh đào Đông Tây nối sông Nin với Biển Đỏ phục vụ giao thông bằng những con thuyền đáy cho phép việc giao thương giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải.
Con kênh này đã không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ai Cập lúc bấy giờ và nhanh chóng bị lãng quên. Theo sử sách Hy Lạp, vào khoảng những năm 600 trước Công Nguyên, vua Necho II đã nhận thấy tầm quan trọng của kênh này và cho tu sửa lại nó.
Tuy nhiên con kênh chính thức được hoàn thành bởi vua Darius I của Ba Tư. Ông đã hoàn thành con kênh sau khi chiếm Ai Cập và đã mở rộng nó đủ để cho phép hai tàu chiến tránh nhau.
Vào cuối thế kỉ 18, Napoléon Bonaparte trong khi ở Ai Cập đã có ý định xây dựng một kênh đào nối giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Thế nhưng kế hoạch này của ông đã bị bỏ dở sau những cuộc khảo sát sai lầm của các kỹ sư thời bấy giờ khi nhận định rằng mực nước Biển Đỏ cao hơn Địa Trung Hải tới 10 m.
Vào khoảng năm 1854-1856, Phó vương Ai Cập Ferdinand de Lesseps đã mở một công ty kênh đào nhằm xây dựng tuyến đường phục vụ cho các đội thương thuyền dựa theo thiết kế kiến trúc sư người Australia Alois Negrelli.
Sau đó với sự hậu thuẫn của người Pháp công ty này được phát triển trở thành công ty kênh đào Suez vào năm 1858.
Công việc sửa chữa và xây mới kênh được tiến hành trong gần 11 năm. Hầu hết công việc được tiến hành bởi những lao động khổ sai người Ai Cập. Người ta ước tính luôn có một lực lượng 30.000 người lao động trên công trường và cho đến khi hoàn thành, gần 120.000 người đã bỏ mạng tại đây.
Tuyến đường máu và nước mắt
Đế quốc Anh khi đó ngay lập tức đã nhận ra kênh đào này là một tuyến buôn bán quan trọng và việc người Pháp nắm quyền chi phối con kênh này sẽ là mối đe dọa cho những lợi ích kinh tế, chính trị của Anh.
Trong khi đó lực lượng hải quân của Anh lúc bấy giờ là lực lượng mạnh nhất trên thế giới. Vì vậy chính phủ Anh đã lợi dụng lý do sử dụng lao động khổ sai trên công trường và gửi một lực lượng người Ai Cập có vũ trang kích động nổi loạn trong công nhân khiến công việc bị đình trệ.
Ban đầu, dư luận thế giới khá hoài nghi về sự thành công của kênh đào Suez và hầu hết cổ phiếu của công ty kênh đào này đều được bán cho người Pháp.
Khi được hoàn thành vào năm 1869, tổng chi phí xây dựng kênh đào này đã tăng hơn 2 lần so với dự tính ban đầu do các cuộc xung đột chính trị và sự cố kỹ thuật.
Kênh đào ngay lập tức làm ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến ngành vận tải thế giới. Kết hợp với đường sắt xuyên Mỹ hoàn thành 6 tháng trước đó, nó cho phép hàng hóa đi vòng quanh thế giới trong một thời gian kỷ lục.
Nó cũng góp phần quan trọng trong việc mở rộng thuộc địa của Châu Âu tại Châu Phi. Thế nhưng thành công của kênh đào khiến hàng loạt người đỏ mắt vì bỏ lỡ cơ hội cũng như nghi ngờ tính thành công của nó trước đây.
Đầu tiên, nơi tuyến kênh đào đi qua là Ai Cập lại không nắm giữ được tuyến đường huyết mạch này. Những khoản nợ khổng lồ đã buộc người kế nhiệm Phó vương Ai Cập bán lại cổ phần trong kênh đào trị giá 4 triệu Bảng của mình cho người Anh. Tuy nhiên, người Pháp vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần chi phối.
Vào năm 1888 một hội nghị ở Constantinopolis đã tuyên bố kênh đào là một khu vực trung lập và yêu cầu quân đội Anh bảo vệ kênh đào trong suốt cuộc nội chiến ở Ai Cập.
Sau đó căn cứ vào hiệp ước với Ai Cập năm 1936, Anh đã cố gắng đòi quyền kiểm soát kênh đào. Cuối cùng vào năm 1954, chính quyền Ai Cập phủ nhận hiệp ước 1936 và nước Anh buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát tuyến đường huyết mạch này.
Giờ đây, kênh đào Suez thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Ai Cập. Nguồn thu từ kênh đào Suez từ nhiều thập niên qua đã trở thành một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất bên cạnh nguồn thu kiều hối, du lịch và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Ai Cập.
Theo các báo cáo, doanh thu năm tài khóa 2018-2019 của Ai Cập do kênh đào Suez mang lại đạt 5,9 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm tài khóa trước, một kỷ lục mới của vận tải đường thủy. Ngoài ra, kênh đào Suez còn là một địa danh du lịch nổi tiếng, đóng góp không nhỏ cho ngành du lịch quốc gia Kim Tự Tháp.
Huyền Băng-Tổng hợpTrong dịp Tết Nguyên đán năm nay, Hà Nội sẽ diễn ra nhiều sự kiện sôi động, hấp dẫn nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.