Những container hàng hóa có thể gây "rạn vỡ" kinh tế toàn cầu
Những chiếc container đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu, thông qua việc vận chuyển lượng hàng hóa khổng lồ. Do vậy, nếu lưu thông container chậm lại, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng.
Trả lời phỏng vấn của CNBC, Simon Heaney, chuyên gia cấp cao về nghiên cứu container tại công ty tư vấn và nghiên cứu hàng hải Drewry, cho biết: “Thời gian là yếu tố quan trọng nhất trong vận hành container. Bạn phải di chuyển một container từ nơi xuất phát đến điểm đích rồi sau đó quay trở lại điểm xuất phát một cách nhanh chóng và hiệu quả”.
Gián đoạn thương mại toàn cầu có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, thúc đẩy lạm phát, gia tăng áp lực đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu chiếm đến 60% trong số các nguyên nhân khiến lạm phát tại Mỹ tăng cao trong hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
John Fossey, nhà phân tích cấp cao về container tại Drewry, cho biết: “Nhiều người nhận ra tầm quan trọng của container đối với việc đảm bảo giá cả ổn định, tránh rủi ro lạm phát”.
Một nghiên cứu của Nhà Trắng về nền kinh tế Mỹ cho thấy, lạm phát hạ nhiệt phần lớn do sự phục hồi của chuỗi cung ứng. Cụ thể, yếu tố này đã đóng góp đến hơn 80% trong những tiến bộ mà nền kinh tế số một thế giới đạt được đối với cuộc chiến chống lạm phát.
Tuy vậy, những xung đột địa chính trị gần đây đang đặt chuỗi cung ứng toàn cầu vào tình trạng báo động. Kể từ khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu vận tải thương mại trên Biển Đỏ bắt đầu vào tháng 11/2023, các công ty lớn trong ngành vận tải biển hoặc hạn chế, hoặc tạm ngừng khai thác tuyến vận chuyển qua kênh đào Suez của Ai Cập mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi.
John McCown, thành viên tại Trung tâm Chiến lược Hàng hải, nói với CNBC: “Đi qua mũi Hảo Vọng của châu Phi đồng nghĩa với việc quãng đường di chuyển tăng thêm 1/3 so với khi đi qua kênh đào Suez”.
Việc di chuyển trên quãng đường dài hơn sẽ khiến các hãng vận tải phải chịu thêm chi phí nhiên liệu, từ đó gia tăng đơn giá vận chuyển và các chuyến hàng đến điểm đến theo kế hoạch của họ bị trễ, góp phần gây ra sự chậm trễ trong việc trả lại container cho các quốc gia để xếp hàng xuất khẩu.
Theo Ủy ban Hàng hải Liên bang, Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu về xuất khẩu, đồng thời chiếm hơn 95% sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng container.
“Các nước châu Á từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của xuất khẩu đối với phát triển nền kinh tế. Nếu muốn xuất khẩu hàng hóa hiệu quả, họ cần phải đảm bảo hệ thống vận chuyển container hoạt động tốt”, McCown cho biết.
Các cuộc tấn công vào tàu ở Biển Đỏ là cú sốc mới nhất đối với chuỗi cung ứng toàn cầu sau xung đột Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19 đã làm rung chuyển ngành hậu cần - bao gồm cả khả năng sẵn có của container vận chuyển.
Goetz Alebrand, người đứng đầu bộ phận vận tải đường biển khu vực Châu Mỹ của DHL Global Forwarding, nói với CNBC: “Trong thời kỳ đại dịch, chúng tôi gặp hiện tượng không có đủ container vì nhiều container bị mắc kẹt trong bãi đường sắt hoặc mắc kẹt tại các cảng container”.
Khi giá container vận chuyển tăng vọt vào năm 2020 và 2021, việc các công ty vận tải biển và công ty cho thuê gửi container trở lại châu Á càng nhanh càng tốt sẽ trở nên sinh lợi hơn.
Heaney cho biết: “Vì nhu cầu bổ sung và định vị lại các container trở lại châu Á, container đó sẽ thực hiện một chuyến hành trình đường biển khác để quay trở lại nhưng hoàn toàn trống rỗng”.
Xu hướng đó dẫn đến mất cân bằng thương mại ảnh hưởng đến xuất khẩu của Mỹ, bao gồm cả nông sản.
An Mai (Theo CNBC)Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.