Những cú lừa khi mua nhà đất - muôn hình vạn trạng
Những cơn sốt đất, đặc biệt tại những thành phố lớn hiện nay vẫn tăng cao. Đánh vào tâm lý khách hàng, những cò đất, môi giới bất động sản đều có nhiều chiêu trò chèo kéo khách hàng, thậm chí nhiều người đã mất trắng số tiền mình dành dụm được khi mua phải những “mảnh đất ma”.
Những cú lừa tinh vi
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng (quê Hưng Yên) sau bao năm vất vả đã tích lũy được số tiền nhỏ, anh chị có ý định vay mượn nội, ngoại hai bên mua mảnh đất "cắm dùi". Sau khi tìm hiểu và tham khảo khắp nơi, anh được một cò đất môi giới cho mảnh đất với giá hợp lý, cách chỗ làm không xa. Trực tiếp xem mảnh đất thấy ưng ý, anh Thắng yêu cầu được xem sổ đỏ, nhưng cò đất chỉ cho xem giấy tờ photo không có công chứng.
Anh Thắng cho biết: "Tôi yêu cầu được gặp chủ nhà để đàm phán giá, người cò đất nói chủ nhà đã ủy quyền cho văn phòng để đứng ra tư vấn và nhận đặt cọc. Phần vì chưa có nhiều kinh nghiệm, phần vì thấy mảnh đất đẹp, giá tốt nên tôi đã đặt cọc và hẹn ngày làm thủ tục"
Nhưng thật không may, đến ngày anh Thắng lên văn phòng theo lịch hẹn thì không thấy văn phòng đâu cả, điện thoại thì thuê bao, hỏi chủ nhà thì được biết văn phòng đã thanh lý hợp đồng thuê nhà từ lâu và chuyển đi rồi.
Trường hợp của chị Đặng Thị Dung (Hà Nam) lại bị cú lừa rất tinh vi. Gia đình chị muốn bán một mảnh đất hơn 100m2 do ông bà để lại. Khi đăng rao bán trên mạng, một đối tượng đã gọi điện yêu cầu chị chụp xem sổ đỏ gốc và giấy tờ liên quan, nghĩ đây cũng là yêu cầu tất nhiên nên chị đồng ý.
"Từ những giấy tờ tôi chụp, chúng đã làm giả giấy tờ, sổ đỏ giả và hẹn gặp sau đó đánh tráo rất tinh vi. Không lâu sau đó, tôi mới tá hỏa phát hiện ra giấy tờ đất của mình đang nắm giữ, từ thật bỗng thành giả", chị Dung cho biết.
Vừa qua, vào tháng 4/2019, một dự án chung cư tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) có tình trạng hàng chục căn hộ bị phát hiện bán cùng lúc cho nhiều người. Có những căn được bán cho tận 6 người, có khách hàng mua tới 9 căn thì cả 9 đều bị bán trùng. Hiện nay, có rất nhiều người trở thành nạn nhân của chiêu trò này, nhưng đến khi phát hiện ra vụ việc thì "chờ được vạ thì má đã sưng".
Với 1 lô đất, bọn lừa đâỏ có thể viết giấy bán cho nhiều người có nhu cầu
Những điều cần lưu ý
Mấy năm nay, cơn sốt đất liên tục bùng lên không chỉ ở Thủ đô Hà Nội, TP HCM mà còn ở nhiều địa phương kéo theo đó là vô số hình thức lừa đảo mua bán nhà đất. Một số trường hợp đã bị công an vào cuộc xử lý nhưng những vòi bạch tuộc lừa đảo vẫn vươn dài khắp các tỉnh thành, dẹp ở nơi này lại mọc ở nơi khác với muôn hình vạn trạng những chiêu bài, mức độ ngày càng cao hơn, trắng trợn hơn.
Theo Thượng tá Tô Anh Dũng - Trưởng Công an Quận Long Biên: Các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp thường nhắm vào những người không có kinh nghiệm mua bán nhà đất, không nắm rõ thủ tục giao dịch, thông tin quy hoạch dự án, thị trường đất đai. Những thời điểm cuối năm cũng là lúc chúng thường tung lưới để thu hút khách hàng và những nhà đầu tư ngây thơ.
Hơn thế, hiện nay hàng loạt dịch vụ nhận làm giấy tờ giả quảng cáo công khai đa dạng chủng loại kèm những lời dụ dỗ ngon ngọt như uy tín, bảo mật, sử dụng phôi thật, có hồ sơ gốc, bao soi rọi... cũng cho thấy sự tinh vi của nhóm đối tượng lừa đảo này.
"Với hình thức như vậy, không chỉ khách hàng mua nhà đất, chủ nhân thực sự của mảnh đất bị đánh tráo giấy tờ mà còn những bên liên quan khác cũng liên đới khi vô tình thực hiện giao dịch trên tài sản này. Ngoài ra, cũng có thể thấy những sai sót, thậm chí là thiếu trách nhiệm của một số văn phòng công chứng", Trưởng công an quận Long Biên nhấn mạnh.
Để giảm rủi ro khi mua nhà đất, Luật sư Đinh Quang Long (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) khuyến cáo người mua, nhà đầu tư lưu ý: Cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của lô đất, nhà muốn mua. Các tỉnh thành hiện nay đã thiết lập chương trình "Quản lý hợp đồng công chứng và dữ liệu (gọi tắt là UCHI" nhằm giúp người mua có thể tìm hiểu thông tin, giao dịch công chứng đối với Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, quyết định thu hồi, quyết định đã bị hủy tại các phòng công chứng.
Người mua cũng cần tìm hiểu rõ thông tin về dự án như giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư, kinh doanh, quy hoạch/bản đồ/bản vẽ chi tiết... Yêu cầu chủ đầu tư đưa ra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế thi công đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp là nhà chung cư, cần xem xét việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với nhà nước như giấy nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế liên quan đến dự án.
Ngoài ra, người mua cần xem kỹ hợp đồng mua bán - đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên khi tiến hành thủ tục mua bán nhà đất, căn hộ chung cư.
Trước khi giao kết hợp đồng, người mua phải xem kỹ các điều khoản, nhất là các điều khoản quyền và nghĩa vụ của bên mua và bán, thời điểm chuyển quyền sở hữu và thời hạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, những chế tài phạt nêu trong hợp đồng...
"Cần hạn chế tối đa các thủ tục mua bán mà các bên tự ký tay với nhau nếu không cần thiết và an toàn về pháp lý", Luật sư Long nhấn mạnh.
Tội chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cao nhất 20 năm tù
Theo Điểm d, Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: Người nào phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì bị phạt tù từ 12-20 năm tù.
Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp a, b, c, d tại mục 1 Điều này.
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.