Những điểm du lịch hấp dẫn khi đến với huyện Tân Yên
Tân Yên là một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang, nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam. Ngoài hoạt động nông nghiệp, Tân Yên còn là điểm đến du lịch nổi tiếng thuộc cụm du lịch Bắc Giang.
Du khách có thể đến đây để thưởng ngoạn thiên nhiên, khám phá văn hóa và lịch sử địa phương, cùng trải nghiệm các hoạt động giải trí và mua sắm đặc sản như Chùa Đỗ Sơn, Thiên đường Suối Mơ, Khu di tích Kim Cúc và Chợ truyền thống Tân Yên.
1. Núi Dành
Núi Dành còn có tên gọi là núi Chung Sơn. Đó là một quả núi cao hơn 100mét so với mực nước biển. Nơi đây nổi tiếng với loài thảo mộc quý là sâm Nam và bao quanh ngọn đồi là bạt ngàn thông xanh. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép rằng: “Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc, thuộc địa giới Yên Thế sản xuất ra sâm Nam và cỏ thi….”. Chung Sơn được hiểu là một quả núi giống như quả chuông lớn của đất trời, đặt ở phía Nam huyện, cận kề bên dòng sông Thương và sông Nhâm Ngao. Thế núi uốn lượn, uyển chuyển, quanh năm soi bóng xuống dòng sông Thương xanh mát. Trên núi trồng nhiều thông, cảnh sắc u tịch, mát mẻ, gió thổi vi vu, thuận lợi cho những du khách thích đi du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên. Xung quanh ngọn núi này còn có các ngọn núi nhỏ bảo hộ nên núi Chung Sơn trở thành núi quý của vùng, chung đúc khí lành mà sản sinh ra hai loài thảo mộc quý là sâm Nam núi Dành và hành Liên Bộ. Vì thế có câu ca rằng:
Sâm Nam nổi tiếng núi Dành
Chợ đầy nhan nhản những hành Chung Sơn
Mỗi du khách khi có dịp tới nơi đây đều được người dân trong vùng kể lại truyện sâm Nam rằng: Xưa có chàng mồ côi cha, nhà nghèo khó, mẹ ốm nặng, không có tiền mua thuốc. Một hôm nằm mơ thấy tiên ông chỉ đường lên một ngọn núi rất cao để đào cây thuốc về sắc cho mẹ uống. Bà mẹ uống thuốc đó liền khỏi bệnh. Từ đó, anh rất chăm chỉ trồng và tìm kiếm loài thuốc này cứu chữa cho nhiều người trong vùng.
Xung quanh khu vực núi Dành này còn có các di tích lịch sử văn hoá, do vậy du khách có thể vừa đi du ngoạn leo núi lại vừa đi lễ thánh, lễ Phật cầu may, cầu phúc. Từ trên đỉnh núi, du khách phóng xa tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh Bắc Giang hiện lên đẹp như gấm, như hoa. Nơi đây thực là chỗ sơn thuỷ hữu tình, núi cao cảnh đẹp, linh khí hội tụ hun đúc hồn của non sông đất Việt, hứa hẹn một mùa du lịch sắp đến.
2. Núi Đót
Du khách đi về cuối huyện là điểm du lịch sinh thái cũng không kém phần hấp dẫn như núi Dành, đó là núi Đót. Đây là ngọn núi lớn ở phía Tây - Bắc của huyện, có độ cao là 121,8m, rộng 300ha, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Một phần sống núi là ranh giới giữa hai tỉnh, một bên là làng Yên Lý, Mai Hoàng của huyện Tân Yên, một bên là làng Phẩm, làng Giàng của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trên núi trồng nhiều cây xanh bốn mùa toả bóng mát. Du khách thoả sức ngắm nhìn phong cảnh xung quanh. Núi Đót hiện lên đẹp như tranh, những cánh đồng màu mỡ. Những dòng kênh mương trong xanh uốn lượn như những dải lụa bạc, thấp thoáng mái ngói đỏ sau những rặng tre xanh, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp mê lòng lữ khách.
Tại khu vực núi Đót, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy nhiều di vật đồ đá như các mảnh tước, rìu, mảnh ghè đẽo… Điều đó, chứng tỏ vùng đất này từ thời nguyên thủy đã có con người sinh sống. Con đường hành hương lên đỉnh núi Đót đều qua các điểm di tích đình Yên Lý, chùa Am Vân, đền thờ bà Giã, phần mộ Bà… và đây cũng là dịp để du khách tưởng nhớ tới người nữ tướng của Hai Bà Trưng năm xưa là bà Dương Thị Giã. Ai đã một lần tới nơi đây không thể không lặng người nghe kể về truyền thuyết bà Giã khi xưa.
Truyện kể rằng: Vào thời Hai Bà Trưng đứng lên phất cờ khởi nghĩa, có một người con gái đẹp tên là Dương Thị Giã, người làng Chuông thuộc Nhã Nam, là một nữ tướng tài giỏi. Bà đã cầm quân đánh giặc giữ gìn vùng đất phía Bắc. Nhưng vì lực lượng yếu, không thể trụ được, bị thất thủ, bà phải bỏ chạy về khu vực giếng Hà và tuẫn tiết ở đây. Nay trên núi vẫn còn phần mộ Bà và giếng Hà khi xưa. Hàng năm, vào các ngày mồng 8, 9 tháng 4 âm lịch, nhân dân xung quanh khu vực núi Đót làm lễ tưởng nhớ tới người liệt nữ xưa.
Với những gì thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này và những giá trị to lớn về lịch sử, văn hoá, vùng núi Đót trong tương lai không xa nếu được đầu tư sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của huyện, đặc biệt du lịch sinh thái.
3. Hồ Đá Ong
Một điểm du lịch mới của huyện, đó là hồ Đá Ong xã Lan Giới. Hồ Đá Ong hay còn gọi là hồ Tân Thành. Đây là hồ có trữ lượng nước lớn, cung cấp nước tưới cho huyện Tân Yên và một phần huyện Yên Thế. Dưới bàn tay của con người, những năm gần đây hồ Đá Ong đang trở thành điểm du lịch thiên nhiên lý tưởng cho những ai thích du thuyền, lướt ván trên hồ.
Hồ Đá Ong nằm tiếp giáp giữa hai huyện Tân Yên và Yên Thế. Hồ nước được kè đập và cải tạo vào năm 1965, 1966 với dung tích hồ là 6,38 triệu m3, diện tích là 10km2. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp, chính quyền, xã đã xây dựng tuyến đường vào hồ Đá Ong bằng phẳng, hệ thống kè, đập được nâng cấp, các khuôn viên, đảo nổi được phủ xanh và xây dựng các công trình bổ trợ phục vụ du khách.
Du khách có thể đi du ngoạn cảnh đẹp nơi đây vào bất kỳ thời điểm nào. Vào buổi sớm mai hay chiều tà, du khách đều có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc, không gian mặt hồ soi bóng bầu trời trong xanh, hoa cỏ in bóng dưới hồ nước lung linh. Xa xa thấp thấp thoáng chiếc thuyền nan khua nhẹ mái chèo làm chợt nao lòng lữ khách. Vào buổi chiều Đông, du khách có thể thư thái với những chiếc cần câu và con thuyền bồng bềnh trên hồ, hoặc đầm ấm bên bếp lửa hồng cùng thưởng thức những sản vật mà mình thu hoạch được, rồi tĩnh lặng ngắm nhìn từng đợt gió heo may lùa thổi mặt nước lăn tăn gợn sóng.
4. Chùa Tứ Giáp
Chùa Tứ Giáp nằm ở phía Tây làng Nguộn của xã Nhã Nam. Nơi đây cảnh quan thoáng đẹp lại có đường 17B và 34A đi gần qua nên giao thông rất thuận tiện. Ngôi chùa này có tên chữ là "Đại Phúc tự", tên Nôm là "chùa Gốc Gạo" và tên thường là chùa Nhã Nam.
Chùa Tứ Giáp được xây dựng cách đây trên 300 năm. Gọi là Tứ Giáp vì khi xã Nhã Nam còn 4 làng. Mỗi làng là một giáp, gồm: Giáp Chuông, Giáp Nguộn, Giáp Thượng, Giáp Hạ cùng nhau hưng công xây dựng chùa. Đại Phúc tự là tên chữ, đó là tên chính nhưng lại ít được dùng đến. Chùa Gốc Gạo là bởi bên chùa có cây gạo cổ. Chùa Nhã Nam là cái tên gọi theo tên của xã Nhã Nam. Truyền tích kể rằng: Chùa xưa gồm 7 gian tiền đường 5 gian trung đường, 3 gian tam bảo, 2 dãy hành lang, 1 toà nhà tổ, nhà khách, nhà sư ni. Bố cục theo lối nội công ngoại quốc đặt trên Đồi Phủ ở phía sau đình. Trong chùa có hệ thống tượng lớn bằng đất nung rất phong phú. Lại có quả chuông nặng mấy trăm cân, tiếng vọng ngân nga. Vì thế hội chùa 12 tháng Giêng, đông vui nô nức, ai cũng muốn đến chiêm ngưỡng nơi danh lam cổ tích đệ nhất vùng Yên Thế cũ. Thế nhưng từ những năm 1862 trở đi, tàn quân Thái Bình thiên quốc tràn qua biên giới xuống vùng Yên Thế tàn phá giết hại dân lành. Nhã Nam khi đó vốn có 7 làng (Chuông, Vàng, Lã, Cầu, Nguộn, Thượng, Hạ) bị chúng đánh giết, ba làng Vàng, Cầu, Lã phiêu dạt chẳng còn tung tích. Chùa cũng bị phá. Đến năm 1885, thực dân Pháp chiếm xong thành Tỉnh Đạo, thấy không thuận lợi nên chúng bắt dân Nhã Nam, chuyển đình chùa đi nơi khác để chúng lập đồn Nhã Nam nhằm không chế phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Dân Nhã Nam không chịu, chúng đặt đại bác ở đồi chùa Bùng nã hàng trăm quả đạn, phá huỷ hoàn toàn hai công trình đình - chùa Nhã Nam nổi tiếng khắp vùng.
Cuối năm 1886, dân Nhã Nam và dân xã hàng ước Dương Lâm, Lý Cốt cùng nhau xây lại đình, chùa. Ngôi đình do ba xã dựng xây gọi là đình Ba Xã. Còn ngôi chùa xây trên đất làng Nguộn chủ yếu do 4 giáp hưng công gọi là chùa Tứ Giáp, gồm tiền đường, nhà chung, phật điện, nhà tổ, nhà tăng ni, cổng tam quan có gác chuông, tường bao.
Chùa Tứ Giáp còn được biết đến là nơi lưu dấu ấn của phong trào cách mạng từ những năm 40 của thế kỷ trước, đặc biệt đây là nơi phát tích 6 điều Bác Hồ dạy CAND.
Minh AnhBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.