Những điều cần biết về kinh doanh chứng khoán phái sinh

Đầu tư và Tiếp thị
08:01 PM 15/08/2020

Kinh doanh chứng khoán phái sinh là việc thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh, tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh.

Theo thông tin Bộ Tài Chính, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh đang được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, dự thảo gồm 7 Chương, 42 Điều, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh và hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam; Cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam. Dự kiến sau khi Nghị định có hiệu lực sẽ thay thế Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015 của Chính phủ quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Những điều cần biết về kinh doanh chứng khoán phái sinh  - Ảnh 1.

Được biết, kinh doanh chứng khoán phái sinh là việc thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh, tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh.

Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chỉ được thực hiện kinh doanh chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, ngoài việc phải được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, công ty chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện tài chính căn cứ trên báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét. Cụ thể:

- Phải đảm bảo số vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh;

- Vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh;

- Vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 250 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh;

- Trường hợp đăng ký kinh doanh cả hoạt động tư vấn, môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh thì vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu là 800 tỷ đồng.

Trong dự thảo Nghị định cũng nêu, chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm: Hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn niêm yết dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán, chỉ số chứng khoán, hàng hóa, lãi suất, tỷ giá; Hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn không niêm yết dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh; đình chỉ, khôi phục, chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh và hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh; hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định pháp luật về chứng khoán phái sinh, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và duy trì trật tự thị trường theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hoặc vi phạm các quy định pháp luật về chứng khoán phái sinh theo thẩm quyền.

Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh, cung cấp dịch vụ giao dịch, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến giao dịch chứng khoán phái sinh và giải trình các sự việc liên quan theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch chứng khoán, cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán không phối hợp, hợp tác với các cơ quan quy định sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Ý kiến của bạn