Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
06:40 AM 20/11/2020

10 năm trước, FPT mất ‘ngôi vương’ về tay CTCP Sài Gòn Kim Hoàn ACB - SJC, đánh dấu thời kỳ vàng son của ngành vàng bạc đá quý. Sau khi mất ngôi số 1, doanh nghiệp công nghệ này cứ tụt dần thứ hạng, và biến mất khỏi danh sách Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2 năm gần đây...

Cơn sốt vàng đã đưa CTCP Sài Gòn Kim Hoàn ACB - SJC nhảy vọt lên Top đầu bảng xếp hạng doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2010, đẩy doanh nghiệp công nghệ FPT xuống hàng thứ 2. Vào thời vàng son của ngành vàng bạc đá quý, 3/10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam là thuộc ngành này.

Đấy là câu chuyện của 10 năm trước.

7/10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm về trước đã không còn trong Top 10, bao gồm những cái tên quen thuộc như FPT, PNJ, Techcombank... Những doanh nghiệp tư nhân trong danh sách Top 10 ngày ấy giờ làm ăn ra sao?

Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 1.

Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong 10 năm đã có nhiều thay đổi.

CTCP Sài Gòn Kim Hoàn ACB - SJC

Thứ hạng 10 năm trước: 1

Thứ hạng năm nay: Không lọt nổi Top 500

Doanh thu 2010 - 2019: n/a

CTCP Sài Gòn Kim Hoàn ACB - SJC thành lập vào năm 2005, do Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Vàng bạc đá quí Sài Gòn (SJC) cùng góp vốn.

Cùng với cơn sốt của vàng, CTCP Sài Gòn Kim Hoàn ACB - SJC vươn lên trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 4 Việt Nam vào năm 2009 và đã vượt FPT để giữ ngôi vương vào năm 2010.

Đến năm 2011, Sài Gòn Kim Hoàn ACB-SJC rớt xuống hạng 51. Từ năm 2012, doanh nghiệp này rớt hoàn toàn khỏi danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

FPT

Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 2.

Thứ hạng 10 năm trước: 2

Thứ hạng năm nay: 17

Doanh thu 2010: 20.041 tỷ đồng

Doanh thu 2019: 27.791 tỷ đồng

2010 là năm đầu tiên FPT tụt hạng sau 3 năm giữ ngôi vị doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Sau khi mất ngôi số 1, doanh nghiệp công nghệ này cứ tụt dần thứ hạng, và đã biến mất khỏi danh sách Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2 năm gần đây.

Trong danh sách Top doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2020, FPT đứng thứ 17, tăng 3 bậc so với năm 2019.

Từng là doanh nghiệp tư nhân số 1 Việt Nam, nhưng FPT lần lượt bị các "đàn em" vượt mặt. Thế giới Di động sau khi vượt FPT về vốn hóa thị trường vào năm 2016, đã bỏ xa FPT trên các chỉ số từ doanh thu, lợi nhuận sau thuế, tổng tài sản... Mới đây, Thế giới Di động đã lần đầu góp mặt vào Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, sánh vai cùng ông lớn nước ngoài Samsung cùng các tập đoàn Nhà nước sừng sỏ như EVN, PVN, Viettel... - điều mà FPT chưa từng làm được.

ACB

Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 3.

Thứ hạng 10 năm trước: 3

Thứ hạng năm nay: 15

Tổng tài sản 2010: 205.103 tỷ đồng

Tổng tài sản 2019: 383.514 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã trả qua biến cố liên quan tới vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) - thành viên hội đồng sáng lập của ngân hàng.

Báo cáo thường niên của ACB gọi biến cố này là "sự cố tháng 8" (bầu Kiên bị bắt giữ vào ngày 20/8/2012), kéo theo làn sóng rút tiền. Ngân hàng đã nhanh chóng khôi phục toàn bộ số dư huy động tiết kiệm VND chỉ trong thời gian ngắn sau đó, và thực thi quyết liệt việc cắt giảm chi phí trong các tháng cuối năm.

Sau biến cố trên, ACB dần dần tụt hạng, đến năm 2015 thì không còn trong danh sách Top 10.

ACB trong giai đoạn hiện tại tập trung vào 3 mục tiêu chiến lược: Tăng trưởng mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, Dẫn đầu với trải nghiệm khách hàng vượt trội và Đạt được lợi nhuận hấp dẫn và bền vững.

Vinamilk

Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 4.

Thứ hạng 10 năm trước: 4

Thứ hạng năm nay: 7

Doanh thu 2010: 16.081 tỷ đồng

Doanh thu 2019: 56.318 tỷ đồng

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM) là một trong 3 cái tên doanh nghiệp tư nhân còn trụ lại ở Top 10 trong năm 2020. Tổng Giám đốc Vinamilk nhiều năm qua vẫn là bà Mai Kiều Liên. Báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCSI) cho biết doanh thu của VNM liên tục tăng trưởng qua các năm, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 9,9% tính trong giai đoạn 5 năm trở lại đây.

Sữa nước vẫn là dòng sản phẩm mang lại doanh thu lớn nhất cho VNM theo sau là sữa bột, sữa chua và sữa đặc. Tiềm năng thị trường sữa nước ở Việt Nam vẫn đang rất lớn cùng với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao. Trong những năm tới, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện tại, doanh thu sữa nước của VNM được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng một cách khả quan.

DOJI

Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 5.

Thứ hạng 10 năm trước: 5

Thứ hạng năm nay: 3

Doanh thu 2010: trên 20.000 tỷ đồng

Doanh thu 2019: 90.000 tỷ đồng

CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji là doanh nghiệp "lọt Top bền vững" qua các năm khi liên tục nằm trong Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam suốt một thập kỷ, với doanh thu tăng 4,5 lần sau 9 năm.

Doji in đậm dấu ấn của doanh nhân họ Đỗ - Đỗ Minh Phú. Ông Phú hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng Sáng lập tại Doji, đồng thời là Chủ tịch HĐQT TPBank. Cánh tay phải đắc lực của ông Phú là em trai ông - Đỗ Anh Tú - hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT TPBank kiêm Tổng Giám đốc CTCP Diana Unicharm.

"Để chọn 3 yếu tố để thành công như hôm nay thì theo tôi vẫn là "con người, con người và con người… Sáng tạo, thay đổi, tiến bộ hay tụt hậu, thành công hay thất bại tất cả đều do con người. Và ở DOJI tài sản quý giá nhất của chúng tôi hiện nay là 2.000 nhân viên, đa phần gắn bó trên 10 năm", Chủ tịch Đỗ Minh Phú bày tỏ.

CTCP Thương mại Thái Hưng

Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 6.

Ảnh: Thái Hưng.

Thứ hạng 10 năm trước: 6

Thứ hạng năm nay: 48

Doanh thu 2010 - 2019: n/a

Thái Hưng được thành lập từ năm 1993 (tiền thân là doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng), là doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên - cái nôi của ngành luyện kim của Việt Nam. Trên website chính thức, Thái Hưng cho biết doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi giá trị khi sản lượng tiêu thụ thép bình quân của Thái Hưng hàng năm chiếm khoảng 13% thị phần thép của Việt Nam.

Không có thông tin cụ thể về doanh thu từng năm của đơn vị này. Theo giới thiệu, Thái Hưng có số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, doanh thu bình quân hàng năm từ 15.000 - 18.000 tỷ đồng (tương đương 650 triệu USD - 780 triệu USD), nộp ngân sách nhà nước từ 200 - 650 tỷ đồng. Thái Hưng là đơn vị sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, gồm: Kinh doanh (Thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm), Dịch vụ (Logistics, khách sạn); Đầu tư (Giáo dục, bất động sản).

PNJ

Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 7.

Thứ hạng 10 năm trước: 7

Thứ hạng năm nay: 34

Doanh thu 2010: 13.798 tỷ đồng

Doanh thu 2019: 17.144 tỷ đồng

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là doanh nghiệp ngành vàng bạc đá quý thứ 3 lọt top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2010. Sau thời gian vàng sốt nóng, PNJ dần tụt hạng.

Doanh nghiệp vàng bạc này gắn liền với tên tuổi của bà Cao Thị Ngọc Dung - một vị nữ tướng rất tâm đắc với cuốn sách "Thay đổi hay là chết". PNJ ngoài việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản trị, còn thực hiện chiến lược "tái cấu trúc trên đỉnh". 10 năm qua, PNJ thực hiện 2 lần tái cấu trúc, một vào năm 2013 và một vào năm 2019.

PNJ hoạt động kinh doanh chính ở 4 mảng: Bán lẻ vàng bạc nữ trang, đồng hồ; Kinh doanh sỉ vàng bạc nữ trang; Kinh doanh vàng miếng; Hoạt động khác bao gồm xuất khẩu và khách hàng doanh nghiệp (B2B) các sản phẩm vàng, bạc trang sức. Trong đó, các thương hiệu bán lẻ quen thuộc là PNJ Gold, PNJ Silver, PNJ Watch (mảng đồng hồ) và CAO Fine Jewellery (nhắm tới những khách hàng có thu nhập cao, du khách nước ngoài… sẵn sàng chi trả cho những món trang sức đắt tiền).

Sacombank

Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 8.

Thứ hạng 10 năm trước: 8

Thứ hạng năm nay: 13

Tổng tài sản 2010: 141.799 tỷ đồng

Tổng tài sản 2019: 453.581 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán: STB) gắn liền với câu chuyện thâu tóm ngân hàng và vụ án Trầm Bê.

Từ một ngân hàng liên tục lãi trên 1.000 tỷ trong 6 năm liên tục, mức lãi trong 2 năm 2013 - 2014 lên tới 2.000 tỷ đồng, Sacombank trong năm 2015 (thời điểm sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank và ông Trầm Bê nắm quyền điều hành), khoản lãi của Sacombank chỉ còn gần 648 tỷ đồng. Đến năm 2016, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này tiếp tục tụt xuống còn hơn 88 tỷ đồng, và dần hồi lại mức lãi cũ từ năm 2017 - sau khi hoạt động theo Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Năm 2017 cũng là mốc ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam - về Sacombank giữ cương vị Chủ tịch HĐQT.

Techcombank

Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 9.

Thứ hạng 10 năm trước: 9

Thứ hạng năm nay: 14

Tổng tài sản 2010: 150.291 tỷ đồng

Tổng tài sản 2019: 383.699 tỷ đồng

Cổ đông lớn nhất của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB) là CTCP Tập đoàn Masan. Năm 2020 là năm cuối cùng trong chiến lược 5 năm, Techcombank đang ở giai đoạn 2 để xây dựng nền tảng và hạ tầng nhằm xây dựng những động lực tăng trưởng.

Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng cao nhất hệ thống. Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết: "Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, Techcombank đã bứt phá lên nhóm dẫn đầu trong các ngân hàng cổ phần. Những chiến lược tiếp theo cũng sẽ đưa Techcombank tiếp tục vươn lên, là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam".

Hòa Phát

Những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 10.

Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long.

Thứ hạng 10 năm trước: 10

Thứ hạng năm nay: 4

Doanh thu 2010: 14.492 tỷ đồng

Doanh thu 2019: 64.677 tỷ đồng

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã chứng khoán: HPG) là một trong hai doanh nghiệp hiếm hoi trong danh sách này thăng hạng sau 10 năm. Cả hai mảng Thép và Nông nghiệp của Hòa Phát đều được đánh giá khả quan.

Năm 2018, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long được Forbes gọi tên trong danh sách tỷ phú thế giới, cùng với Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương. Sau vài lần "rớt", "lọt" danh sách tỷ phú do giá cổ phiếu trồi sụt, ông Long đã lấy lại danh hiệu tỷ phú USD thế giới hồi cuối tháng 10/2020, với khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD.

Theo Vietnam Report, danh sách VNR500 được xếp hạng chủ yếu dựa trên chỉ tiêu tổng doanh thu và có xét đến các chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả kinh doanh khác (tổng tài sản, tổng số lao động, tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông) để đánh giá hiện trạng sức mạnh tổng thể của doanh nghiệp.

Bảo Bảo
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.