Những doanh nhân quê Thanh Hóa trên nước bạn Lào
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã chung sức, đồng lòng xây dựng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết. Mối quan hệ hợp tác đặc biệt và ngày càng toàn diện giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn ngày càng “đơm hoa kết trái”, với nhiều thành quả ấn tượng qua việc các doanh nghiệp Thanh Hóa đã tìm đến làm ăn, gắn bó lâu dài và thành công.
Tại các chợ của thủ đô Viêng Chăn, như: Talat Sao Market, Talat Sao Market – Vientiane, Vangthon, các cửa hàng mua sắm tại phố Samsenthai..., chúng ta không khó để gặp người Việt đang buôn bán tại đây. Ông Lê Đình Lưu, Chủ tịch Câu lạc bộ đồng hương Thanh Hóa tại thủ đô Viêng Chăn cho biết: Gần như ở các địa phương của Lào đều có Việt kiều sinh sống, làm ăn. Do siêng năng chăm chỉ, tháo vát, thông minh nên họ gặp nhiều thuận lợi trong việc kinh doanh. Thời gian qua, số doanh nghiệp Thanh Hóa sang Lào hoạt động ngày càng nhiều và ở tất cả các lĩnh vực, từ khai thác, mua bán, chế biến lâm sản là chủ yếu thì nay có thêm dịch vụ vận tải, kinh doanh thương mại, trồng rừng, khai thác và chế biến khoáng sản..
Hàng chục doanh nghiệp qua lại làm ăn tại Lào đã có bề dày gắn bó, như các công ty: TNHH Thương mại và Dịch vụ - Xuất khẩu Quang Minh do chị Nguyễn Thị Thanh, quê Thiệu Hóa làm giám đốc; ALC Logictic do anh Lê Văn Minh, người Triệu Sơn làm giám đốc; Thép VKK do anh Nguyễn Đức Tú người Thiệu Hóa làm giám đốc; Công ty LT do anh Vũ Văn Linh, người TP Sầm Sơn làm giám đốc …
Ở Lào có một Việt kiều sở hữu chuỗi cửa hàng kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam, thực phẩm chức năng, thuốc, vật tư y tế với quy mô lớn trải dài ở nhiều tỉnh, thành nước Lào, đó là anh Hoàng Văn Quân, Giám đốc Công ty NCC. Hỏi người dân sở tại, gần như ai cũng biết doanh nhân nổi tiếng này. Được biết, anh Quân quê gốc ở xã Thọ Thế (Thọ Xuân), sang Lào lập nghiệp được gần 20 năm, hiện nay anh sở hữu hệ thống phân phối trên cả đất nước Lào với 1 trung tâm bán sỉ, 4 chi nhánh toàn quốc với hơn 400 đại lý. Công ty của anh hiện tạo việc làm cho hơn 200 lao đông, trong đó 90% là người Lào, 10% là người Việt Nam với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Điều mà anh Hoàng Văn Quân hài lòng với chính mình, đó là, đã tạo dựng được uy tín của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm trên khắp thị trường của nước bạn Lào. Công ty NCC do anh làm chủ khởi đầu chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, nhưng đã nắm bắt được nhu cầu thị trường, và tranh thủ chính sách thu hút đầu tư cởi mở của nước bạn Lào để phát triển, mở rộng.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ - Xuất khẩu Quang Minh chuyên sản xuất giấy thô và kinh doanh các loại nông sản xuất khẩu tại thủ đô Viêng Chăn. Chủ doanh nghiệp là chị Nguyễn Thị Thanh, một người Việt, sinh ra và lớn lên tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Khởi nghiệp tại thủ đô Viêng Chăn cách đây hơn mười năm với ngành nghề kinh doanh chính là xuất, nhập khẩu nông sản giữa các nước Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam. Trong quá trình kinh doanh, chị Thanh nhận thấy tiềm năng lớn từ vùng nguyên liệu sản xuất giấy thô tại Lào. Với các chính sách kêu gọi đầu tư của Chính phủ Lào, năm 2018 chị đã mạnh dạn xây dựng 3 nhà máy sản xuất giấy thô. Hệ thống dây chuyền sản xuất liên hoàn tự động hóa với công nghệ tiên tiến nhất, cũng đã được công ty đầu tư vào thời gian này, với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Hiện 3 nhà máy của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ - Xuất khẩu Quang Minh đã đạt công suất 10 nghìn tấn sản phẩm/năm, đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động của cả Việt Nam và Lào với thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng.
Nói về sự quan tâm của Đảng, nhà nước Lào đối với doanh nghiệp Việt kiều, chị Nguyễn Thị Thanh cho biết: Nước Lào đang mở cửa, đón tiếp tất cả các nước vào đầu tư. Các chính sách của Đảng, Nhà nước Lào, các ban, ngành rất ưu tiên ngành công nghiệp. Vì vậy khi đầu tư, công ty của tôi được tạo điều kiện thuận lợi, nhất là về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng và các thủ tục giấy tờ.
Sự quan tâm, cởi mở, các chính sách đầu tư thông thoáng của nước bạn Lào đã thu hút và khích lệ các doanh nghiệp Việt kiều vươn lên, khẳng định mình. Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại Lào, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã phối hợp tốt với chính quyền các địa phương của nước bạn; đồng thời, tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng, xây dựng trường học, bệnh xá, đường, nhà tái định cư cho người dân vùng dự án… với số tiền hàng triệu USD.
Vũ QuỳnhGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.