Những khó khăn của ngành cơ khí Việt Nam
Cơ khí là ngành có những đặc thù riêng, đòi hỏi vốn đầu tư, nguồn nhân lực, kỹ thuật rất cao. Hiện công nghiệp cơ khí Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, cần thiết phải có sự “nâng đỡ” về chính sách của các bộ, ngành và Nhà nước trong việc tạo thị trường, liên kết và nâng cao công nghệ cho doanh nghiệp...
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), thời gian qua, công nghiệp nói chung và công nghiệp cơ khí của Việt Nam đã phát triển với nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm chủ công nghệ, mở rộng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ nội địa hoá cùng phát triển thị trường.
Từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ô tô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới chỉ đáp ứng 1/3. Cơ hội để ngành này tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định thì cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, dù dư địa của ngành cơ khí còn rất lớn, nhưng việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong vẫn hết sức khó khăn. Nguyên nhân do sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài; năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh; chưa xây dựng được thương hiệu và chưa được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.
Khó khăn với doanh nghiệp cơ khí hiện nay là đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn về đất đai, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị; xây dựng hệ thống quy trình và phải có đơn hàng để tập dượt trong quá trình xây dựng quy trình đó. Điều này không chỉ diễn ra trong 1-2 tháng mà là 2-3 năm, thậm chí là 5 năm. Hơn nữa, đa số các doanh nghiệp hiện tại vẫn phải dựa trên vay vốn ngân hàng, hoặc các tổ chức tài chính để đầu tư, trong quá trình đó có thể 5-7 năm mới có thể thu hồi vốn. Nếu tính với lãi suất 5% thì sau 10 năm, giá trị đầu tư đã tăng 50%.
Khó khăn nữa là ngành cơ khí còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Vì vậy, nếu có biến động xảy ra trên thế giới, chúng ta thiếu quyền chủ động trong việc quyết định giá. Mặt khác, ngành này còn hạn chế về công nghệ hiện đại cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, một trong những khó khăn hàng đầu là trình độ công nghệ và năng suất lao động còn thấp. Nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước chủ yếu tập trung vào gia công, lắp ráp đơn giản thay vì phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không có đủ nguồn lực hoặc chưa chú trọng đến việc đầu tư vào R&D, điều này làm giảm khả năng sáng tạo và phát triển công nghệ mới, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hơn nữa, các cơ chế, chính sách vẫn đang dừng lại ở mức độ tuyên truyền. Đã có một số ít doanh nghiệp chạm vào cơ chế, chính sách nhưng những thủ tục pháp lý, những quy định hiện rất vướng mắc đòi hỏi cần tháo gỡ để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.
Để phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, ngành cơ khí Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là: đầu tư vào công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D); hợp tác quốc tế...
Minh An (t/h)Với hơn 27 năm kinh nghiệm xuất khẩu, Vinamilk là một trong số ít doanh nghiệp có nhiều lợi thế khi thị trường Halal ngày càng rộng cửa. Ngoài việc thực hành sản xuất theo đúng tiêu chuẩn Halal, đại diện Vinamilk cho biết, lời cam kết với người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp trụ vững tại nhóm thị trường này.