Những làng nghề trăm tuổi nổi danh xứ Thanh

Địa phương
02:53 PM 18/08/2022

Không chỉ là vùng đất "địa linh nhân kiệt", xứ Thanh còn được biết đến với những làng nghề truyền thống nổi danh hàng trăm năm tuổi, nức tiếng gần xa.

Theo thống kê, hiện Thanh Hóa có 36 nghề với 118 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề. Trong đó, có 2 nhóm làng nghề hoạt động tốt gồm: nhóm làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm (TP Thanh Hóa, Thọ Xuân, Tĩnh Gia (nay là Thị xã Nghi Sơn), Hậu Lộc...); và nhóm làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp (Nga Sơn, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa...).

Đầu tiên, nói về sự tinh xảo của nghề thủ công truyền thống ta không thể không nhắc đến những sản phẩm của làng đúc đồng Chè (Trà Đông), xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) với các sản phẩm như: trống đồng, chiêng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống... được làm bởi những nghệ nhân tài hoa, yêu nghề và cần cù lao động.

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 1.

Hình ảnh Nghệ nhân Lê Văn Bảy bên cạnh mặt trống đồng cao 2,2m, đường kính mặt trống 2,57m, trọng lượng khoảng 8 tấn đồng sau khi đúc.

Với người làm nghề đúc đồng Trà Đông, đúc đồng không chỉ là nghề nặng nhọc mà còn đòi hỏi kỹ thuật, kỹ năng. Từ nấu đồng, thổi bễ, dập bễ, rót đồng vào khuôn, giữ ngọn nước đồng... tất cả đều phải thực sự điêu luyện, không thể làm bừa. 

Vậy nhưng, kinh nghiệm làm nghề lại chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời khác và người làm nghề chỉ thành công khi thực sự "thuộc" nghề, trải nghề. Bởi vậy, với bất cứ nghề nào cũng có thể "học mót", nhưng với riêng đúc đồng, nếu không được truyền nghề thì rất khó có thể làm ra sản phẩm tốt. Vì vậy, ở Thiệu Trung ngày nay dù có nhiều thôn, làng song vẫn chỉ có duy nhất người dân làng Trà Đông làm và sống được với nghề.

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 2.

Ngoài trống đồng, nghề đúc đồng làng Chè còn tạo ra nhiều sản phẩm khác như Chiêng đồng, tượng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống...

Với tình yêu và niềm đam mê vô bờ bến, những người thợ đúc đồng làng Trà Đông đã mày mò, nghiên cứu, đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống với nhiều kích cỡ khác nhau, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao, từ chiếc trống đồng với phiên bản và hoa văn Ngọc Lũ năm 2000, chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam với đường kính mặt trống 1,51m, cao 1,21m năm 2007 đến chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ được xem là lớn nhất thế giới nặng khoảng 8 tấn, cao 2m, đường kính mặt trống 2,7m năm 2013... Đặc biệt, vào năm 2010, tập thể nghệ nhân làng nghề đúc đồng Trà Đông đã tham gia đúc 100 chiếc trống đồng để dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 3.

“Việc làm “sống lại” nghề đúc đồng là sự tri ân đối với tổ nghề và lưu giữ làng nghề truyền thống của quê hương”, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu (sinh năm 1962) tâm sự.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đúc đồng truyền thống Đông Sơn - Chè Đông là một trong những người đã góp phần rất lớn vào việc khôi phục, truyền lửa và phát huy giá trị nghề đúc đồng truyền thống của Chè (Trà Đông). 

Các con trai, con gái, dâu và rể của ông cũng đều theo nghề của gia đình, trong đó có anh Nguyễn Bá Quý (sinh năm 1987), tuy còn rất trẻ nhưng đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu từng được Ủy ban Quốc gia APEC giao trọng trách đúc 1.000 pho tượng Mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng (tháng 11/2017).

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 4.

Công đoạn cuối cùng là làm bóng bề mặt, người thợ phải dùng giấy nhám tỉ mỉ mài từng vị trí, có tác dụng làm sạch các mảng đất bám còn sót lại từ khung đúc và để sản phẩm được nổi rõ màu đồng và có độ bóng bắt mắt.

Có thể nói, những nghệ nhân tâm huyết với nghề như Lê Văn Bảy, Lê Văn Dương, Nguyễn Bá Châu, Đặng Ích Hoàn... đã thực sự khiến làng Trà Đông "sống dậy" với những sản phẩm nổi tiếng cả nước. Đồ đồng làng Trà Đông đã vượt ra khỏi lũy tre làng mang theo niềm tự hào của người dân xứ Kẻ Chè và góp phần làm nên diện mạo mới cho làng nghề.

Bên cạnh nghề đúc đồng Thanh Hóa còn được biết đến với nghề rèn Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc. Từ xa xưa nghề rèn Tiến Lộc đã nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm như: dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng... mà ít nơi nào sánh được. Người dân ở đây không nhớ rõ nghề có từ khi nào, từ đời này qua đời khác, họ chỉ biết đến nghề thông qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Người dân làng rèn Tiến Lộc vẫn còn truyền nhau câu ca: "Muốn ăn cơm trắng, cá thèn/Thì về quay bễ, đi rèn cùng anh".

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 5.

Một số hộ dân xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) đã đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm nghề rèn có mặt trên sàn thương mại điện tử

Tiến Lộc được biết đến là một xã đặc thù với nghề rèn truyền thống có từ lâu đời của huyện Hậu Lộc. Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ trong xã, đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các vùng lân cận. Từ nghề rèn đã tạo thuận lợi cho dịch vụ, thương mại phát triển mạnh mẽ. Làng nghề là nơi trung tâm giao thương hàng hóa, nghề rèn Tiến Lộc bao đời nay vẫn được duy trì và phát triển tốt, tạo nên danh tiếng cho sản phẩm truyền thống.

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 6.

Làng nghề rèn Tiến Lộc, Thanh Hoá - Ngọn lửa không bao giờ hết cháy

Ông Kiều Văn Viễn, người làng nghề Tiến Lộc cho biết: Từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã thấy dân làng làm nghề rèn. Những người làm nghề này không chỉ là một người thợ, mà còn là một Nghệ nhân. Những sản phẩm được tạo ra bởi đôi tay tài hoa, sự tỉ mỉ, mồ hôi, công sức của người thợ rèn. Tất cả chứa đựng đầy đủ những tinh hoa, nét đặc trưng của làng nghề truyền thống này. Chính vì thế, qua hàng trăm năm, sản phẩm từ nghề rèn xã Tiến Lộc đã có mặt ở hầu khắp địa phương trên cả nước.

Nghề làm nón lá Trường Giang (Nông Cống) cũng là một làng nghề truyền thống nổi tiếng của xứ Thanh, nhưng tất cả vật liệu để làm ra chiếc nón đều phải nhập từ nơi khác. Lá được lấy từ cây buông ở các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai..., còn vành tạo hình dáng lấy từ cây vàu, cây nứa trên các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Thế nhưng, bằng niềm yêu nghề cũng như sự chăm chỉ của người dân, làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm nay, âm thầm "giữ hồn" cho hình ảnh nón Việt.

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 7.

Nón lá Trường Giang, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi sự thanh thoát, chắc chắn.

Để có được chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, người làm nón phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của đôi tay người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến may hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản.

Vì thế, trong các làng nghề làm nón, sự phân công lao động được thể hiện rất cụ thể, người làm khung, người chuốt vành, người may nón... mỗi người một việc rất chuyên nghiệp. 

Làm khung chuốt vành là công đoạn đầu tiên quyết định độ khum, độ tròn, hình dáng, kích cỡ của chiếc nón. Khung nón được làm bằng gỗ nhẹ, có mái cong đều với nhiều kích cỡ. Vành nón được làm bằng thân tre, nứa được chẻ, chuốt tròn thanh thoát, uốn thành vòng tròn to, nhỏ khác nhau, vành to nhất có đường kính 50cm, những vành tiếp theo có đường kính nhỏ dần, mỗi chiếc nón thường có 16 vành, nhiều người vẫn ví như "16 vành trăng" - tượng trưng cho số tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ. 

Lá làm nón mỗi thời một khác, trước đây nón được may từ lá cọ non, được may cùng với mo nang vàu, luồng để tăng thêm độ vững chắc do đó nón thường thô và nặng, mất nhiều công nên hiệu quả kinh tế không cao. Ngày nay, may nón bằng lá dừa nước, lá được tuyển lựa xử lý qua nhiều khâu, hấp, sấy, phơi sương, ủi phẳng sao cho mặt lá giữ được màu trắng xanh mới đạt tiêu chuẩn. 

Tiếp đến là công đoạn lợp lá, đặt hoa văn và may lá vào vành (chằm nón). Đây là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo để đường kim, mũi cước thẳng đều, mềm mại theo độ cong của vành nón. Nón lá sau khi hoàn tất được quét một lớp dầu bóng bằng nhựa thông pha cồn, để tăng độ bóng, độ bền, chống thấm nước rồi mới đưa ra chợ bán. Nghề làm nón lá đã trải qua bao thăng trầm, nhưng dù thịnh hay suy mỗi người con ở mảnh đất này đều gắn bó với nghề.

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 8.

Để có được chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, người làm nón phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của đôi tay người thợ.

Khác với những nghề truyền thống khác, không cần đến kỹ thuật tinh xảo, món bánh gai Tứ Trụ của người làng Mía (hay còn gọi là làng Thịnh Mỹ), xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân từ xưa đã nức tiếng xa gần. Theo người dân Làng Mía, nghề làm bánh nơi đây khởi phát từ thời Hậu Lê, thế kỷ thứ XV. Thời đó, bánh được làm trong mỗi dịp hội làng, là sản vật được dùng để tiến vua Lê và trong các dịp giỗ, Tết, đình đám quan trọng của quốc gia. Vì vậy bánh gai Tứ Trụ còn có tên gọi khác là bánh tiến Vua.

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thắm, chủ Cơ sở sản xuất bánh gai gia truyền Lâm Thắm, thôn Thịnh Mỹ 2, cho biết: Muốn bánh gai ngon, trước hết nguyên liệu phải chuẩn về chất lượng. Gạo nếp phải là gạo dẻo thơm, hạt đậu xanh chắc mẩy. Quá trình pha trộn nguyên liệu cũng phải đảm bảo đúng tỉ lệ và thêm một chút bí quyết gia truyền để tạo nên sự đặc biệt của bánh gai truyền thống địa phương.

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 9.

Bà Nguyễn Thị Thắm, chủ Cơ sở sản xuất bánh gai gia truyền Lâm Thắm, thôn Thịnh Mỹ 2 chia sẻ: vỏ bánh đen bóng sau khi bọc đều bên ngoài nhân sẽ được rắc lên một lớp vừng trắng để tăng thêm độ bùi béo, vẻ bắt mắt và làm cho chiếc bánh dễ bóc hơn

Ngày nay, bánh gai Tứ Trụ đã trở thành món quà quê phổ biến, níu chân nhiều du khách khi có dịp ghé thăm xứ Thanh. Đó cũng là tâm tình, mỗi khi ai đó muốn "nhờ" nó gửi gắm chút tình cảm quê hương ấm áp và thân thuộc đến những người xa xứ. Bánh gai Tứ Trụ, món quà quê dân dã với vị ngọt thơm trong chiếc bánh đã để lại ấn tượng sâu sắc cho thực khách dù chỉ một lần thưởng thức. Đến nay, những người dân làng Mía vẫn miệt mài giữ và phát triển nghề ngày một hưng thịnh hơn.

Nổi tiếng xứ Thanh còn có bánh đa làng Chòm (nay còn gọi là làng Đắc Châu, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa). Đây là làng nghề có tuổi đời "xưa nay hiếm", được dân làng truyền từ đời này sang đời khác. Đến đây, du khách không khỏi choáng ngợp bởi hình ảnh những chiếc bánh đa trắng tròn, trải đều tăm tắp trước hiên nhà, ngoài ngõ hay dọc triền đê...

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 10.

Theo những người làm nghề ở đây, bánh đa làng Chòm được làm theo phương pháp thủ công truyền thống và có phần cầu kỳ hơn các nơi khác. Công việc của họ thường bắt đầu từ 3h sáng và kết thúc vào khoảng 13h mỗi ngày. Bánh đa làng Chòm chỉ dùng nguyên liệu duy nhất là bột gạo và vừng, bởi chỉ làm bằng bột gạo thì bánh đa sau khi quạt mới giữ được độ giòn và thơm, không bị dai dù có để lâu. Đây cũng là nét đặc trưng tạo nên sự khác biệt của bánh đa làng Chòm.

Tráng bánh đa rất vất vả, khó nhọc vì phải nhanh mắt, nhanh tay và dường như toàn bộ cơ thể đều phải làm việc. Người phụ nữ làng Chòm thạo nghề, mỗi ngày có thể tráng được cả nghìn chiếc bánh. Vợ tráng đến đâu, chồng và con lo việc phơi bánh đến đó. 

Xưa tráng bánh thường đun bằng củi, giờ thì đun bằng than rồi bằng điện vừa nhanh vừa tiện, năng suất hơn nhiều, nhưng cần phải biết điều tiết độ nóng để bánh chín tới không non quá hoặc già quá. Và chỉ những người có kinh nghiệm mới có thể làm được điều này. Công việc phơi bánh cũng vất vả, nặng nhọc không kém bởi người phơi bánh phải nhớ từng trành, từng khu vực để mà trở cho bánh khô đều, sau đó ép cho bánh thành chồng để cất trữ… Chỉ cần xem họ tráng bánh cũng đủ biết cái gian truân, vất vả của nghề. Qua mỗi chiếc bánh đa, người dân làng Chòm như muốn gửi gắm cái tâm, cái tình của mình trong đó.

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 11.

Chiếc bánh đa làng Chòm được làm ra từ những sản vật của quê hương, thơm mùi gió mới, mang đậm phong vị quê nhà, được coi là hồn cốt của một làng nghề trên dải đất xứ Thanh.

Bánh đa làng Chòm tròn đều, dày vừa phải, khi quạt nướng lên mùi thơm của gạo mới trộn với vừng làm người ta ngây ngất. Bánh thường được ăn kèm với hến xào ở sông Chu, cũng là một món đặc sản truyền thống của ngôi làng này. Hến phải là loại nhỏ được xào đầy đủ với gia vị rồi được bày ra đĩa kèm theo một ít rau thơm để trang trí. Ngoài ra, bánh đa sống còn có thể được cắt thành từng miếng nhỏ để xào cùng với thịt lươn, ếch, ốc hoặc ba ba. Khi miếng bánh đa đã xào chín sẽ cho người ăn một hương vị đặc biệt khó quên…

Chiếc bánh đa làng Chòm được làm ra từ những sản vật của quê hương, thơm mùi gió mới, mang đậm phong vị quê nhà, được coi là hồn cốt của một làng nghề trên dải đất xứ Thanh.

Nằm giữa trung tâm TP Thanh Hóa, bao đời nay người dân làng hương Quán Giò, phường Trường Thi vẫn miệt mài "giữ lửa" làng nghề truyền thống mà ông cha đã gây dựng. Những bó tăm hương xòe đỏ rực được phơi dọc những con ngõ nhỏ, trong mỗi sân nhà…

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 12.

Hộ làm hương gia truyền của ông Cao Xuân Thủy

Gia đình ông Cao Xuân Thủy, 596 đường Bà Triệu là hộ làm hương truyền thống với hơn 40 năm kinh nghiệm cho biết: Vào dịp tết, nhu cầu sử dụng hương tăng cao nên cường độ lao động càng khẩn trương, hối hả. Lượng hàng bán ra nhiều gấp 5, 6 lần so với thời điểm thông thường. Một que hương tưởng chừng đơn giản, nhưng để tạo nên được thương hiệu, mùi thơm đặc trưng riêng, người làm hương cần phải tinh tế từ khâu chọn nguyên liệu cho tới việc se hương.

Nổi danh những làng nghề trăm tuổi Xứ Thanh - Ảnh 13.

Người làm hương Quán Giò vẫn giữ nguyên phương pháp làm bằng các nguyên liệu truyền thống và luôn có ý thức trong việc giữ gìn thương hiệu truyền thống của mình. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ, những que hương làm ra đều tăm tắp. Nén hương làm xong được đem phơi, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp, mùi thơm giữ được lâu. Vào những ngày thời tiết không nắng hương sẽ được mang đi sấy để đảm bảo không bị mốc. Người dân ngõ Hàng Hương, phố Quán Giò sản xuất hương quanh năm

Trải qua bao thăng trầm, hương Quán Giò vẫn được người tiêu dùng an tâm lựa chọn bởi đảm bảo từ chất lượng đến hình thức. Người làm hương ở đây trung thành với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống, các nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên như: nhựa trám, bột cây bài, bột than đốt từ các loại thảo mộc…

Những làng nghề truyền thống từ lâu đời nay vẫn còn tồn tại bền bỉ và phát triển theo thời gian của dân tộc ta, đó là cả một quá trình gìn giữ, phát huy và không ngừng sáng tạo của ông cha và cũng là một nét đẹp trong truyền thống quý giá của dân tộc.

Qua đây, có thể nói những làng nghề trăm tuổi chính là những "bảo vật" vô hình của tỉnh Thanh Hóa, làm cho vùng đất này không ngừng thu hút khách phương xa. Trải qua bao thăng trầm nhưng với tâm huyết của những người muốn gìn giữ nét truyền thống, các làng nghề nay lớn mạnh hơn và vẫn giữ được nét duyên xưa: Phóng khoáng mà tinh tế.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ

Vietnam Airlines mở bán tăng cường vé của 2.000 chuyến bay khai thác từ sau 21h hằng ngày trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè sắp tới, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…