Những lùm xùm ở trường THPT Phước Bình, Thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước
Đó là câu chuyện ở Trường THPT Phước Bình ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Nơi vừa xảy ra sự việc giáo viên chủ nhiệm lớp 11… trộm tiền của học sinh, còn Hiệu trưởng của trường này lại mê tín dị đoan!
Giáo viên chủ nhiệm… trộm tiền học sinh!
Đến hôm nay dư luận người dân, học sinh và những người trong ngành giáo dục ở tỉnh Bình Phước vẫn chưa hết bức xúc trước sự việc một giáo viên chủ nhiệm lớp 11 của Trường THPT Phước Bình ở phường Long Phước, thị xã Phước Long… trộm tiền của học sinh mình!
Sự việc xảy ra vào cuối tháng 10/2020, trong lúc các em học sinh ra ngoài học môn Giáo dục quốc phòng. Lúc này trong phòng không còn ai, cô D., giáo viên chủ nhiệm lớp đi kiểm tra nhìn thấy cặp của một em học trò để hớ hênh, thò tiền ra ngoài, giáo viên này đã không cầm lòng và "cuỗm" 3.990.000 đồng. Khi phát hiện mình bị mất tiền, em học sinh đã khóc và làm đơn trình báo lên Ban Giám hiệu Trường THPT Phước Bình, nhưng Ban Giám hiệu trường chưa xem xét mà giao cho giáo viên chủ nhiệm xử lý! Tuy nhiên, khi phụ huynh yêu cầu xem lại camera an ninh thì thấy cô D., vào lớp đúng thời điểm mất tiền. Sau đó nhà trường mời cô giáo D., lên làm việc, thì cô này mới đến nhà của em học sinh thú nhận mình đã lấy số tiền trên và xin trả lại.
Dù sự việc nghiêm trọng, vi phạm đạo đức nghề giáo, đến khi báo chí lên tiếng thì Hội đồng Kỷ luật nhà trường mới họp để… thống nhất hình thức xử lý kỷ luật đối với cô giáo trộm tiền học sinh!
Trả lời báo chí, ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo (GD&ĐT) tỉnh Bình Phước khẳng định việc giáo viên trộm tiền của học sinh là vi phạm đạo đức nhà giáo, không thể chấp nhận. Sau khi sự việc xảy ra, Sở GD&ĐT đã giao nhà trường xử lý theo thẩm quyền.
Hành vi trộm cắp đương nhiên không ai có thể chấp nhận, đằng này lại là một nhà giáo. Đây là điều khiến nhiều giáo viên rất đau lòng. Tuy nhiên, từ sự việc nêu trên qua tìm hiểu phóng viên lại phát hiện ở ngôi trường này còn nhiều sai phạm khác.
Hiệu trưởng… mê tín dị đoan!
Sai phạm đó là chính ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng mê tín dị đoan! Cụ thể, tại trường có 1 em học sinh tên Th., bị bệnh động kinh bẩm sinh từ khi em này còn học cấp 2. Mỗi khi em Th., bị động kinh thường hay nói nhảm mình bị vong nhập, ma ám…
Là một nhà giáo với chức danh Hiệu trưởng, là người có hiểu biết về xã hội, pháp luật thay vì khuyên gia đình nữ sinh nên đưa em này đi bệnh viện để chữa trị theo phác đồ do bác sĩ hướng dẫn, chỉ định, ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng lại… "mê tín dị đoan" thuê thầy cúng về trường để… cúng trừ tà!
Vào chiều ngày 7/6/2020, ông Dũng mời thầy cúng ở một cái am gần trường vào lập hương án ngay giữa dãy hiệu bộ của Trường THPT Phước Bình để tụng kinh "trừ ma quỷ". Quá bức xúc trước việc ông Dũng lợi dụng quyền hạn, chức vụ để đưa hoạt động mê tín dị đoan vào trường, mới đây trong cuộc họp Hội đồng vào ngày 13/11/2020, thầy Trương Quang Khánh (Giáo viên môn Vật lý) đã chất vấn về vấn đề ông Dũng đưa thầy cúng vào trường để trừ tà là đúng hay sai? Lúc đó ông Dũng trả lời: "Khi sự việc em Th., như thế thì phụ huynh em xin cúng nhưng tôi (ông Dũng) không biết là vấn đề lại đi xa như thế, chứ tôi không có cúng".
Tuy nhiên, trong đoạn clip mà chúng tôi có được, ngay tại khu hiệu bộ của Trường THPT Phước Bình, đích thân Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng cùng Hiệu phó Lê Hồng Thân… rất thành tâm khấn vái! Với chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó tất nhiên ông Dũng và ông Thân là đảng viên. Chiếu theo Quy định 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thì ông Dũng và ông Thân đã vi phạm một trong 19 điều đảng viên không được làm. Cụ thể, tại Điều 18 của Quy định 47, cấm: "Mê tín, hoạt động mê tín (đốt đồ mã, hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói). Lập đền, miếu, nơi thờ tự của các tôn giáo trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi".
Nghỉ cuối năm 2019, tháng 7/2020 vẫn "Hoàn thành tốt nhiệm vụ"!
Ngoài việc cô giáo chủ nhiệm… trộm tiền của học sinh; Hiệu trưởng trường thuê thầy cúng trừ tà, mê tín dị đoan; qua tìm hiểu chúng tôi còn phát hiện chuyện "động trời" tại Trường THPT Phước Bình. Đó là trường hợp giáo viên Lê Thăng Bừng dạy môn Ngữ văn đã nghỉ công tác từ ngày 18/11/2019. Thế nhưng đến tháng 7/2020, khi kết thúc niên học 2019 - 2020, vẫn được công nhận đạt danh hiệu "Hoàn thành tốt nhiệm vụ". Theo nhiều thầy cô trong trường, ở niên học 2020 - 2021, không hiểu vì sao thầy Bừng vẫn có tên trên bảng phân công công tác, dù thầy… không đến trường!
Vấn đề đặt ra ở đây: Một giáo viên đã nghỉ dạy, nhưng vẫn… "Hoàn thành tốt nhiệm vụ", vẫn có tên trên lịch phân công công tác là nhằm mục đích gì đối với Ban Giám hiệu nhà trường?
Biên bản bàn giao con dấu và Hợp đồng bảo vệ an ninh với giá 108 triệu đồng/niên học.
Liên quan đến ông Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Phước Bình, chúng tôi còn được biết sau khi về trường nhận nhiệm vụ vào cuối năm 2019, thì đầu tháng 1/2020 ông Dũng đã dùng quyền hành của mình để tự giữ con dấu của nhà trường nhằm ký hợp đồng với Công an phường Long Phước) bảo vệ trường với giá 108 triệu đồng/niên học! Theo hợp đồng, bên B (Công an phường Long Phước thực hiện nhiệm vụ cử cán bộ, nhân viên đảm bảo an ninh trật tự trường học trong năm học 2020-2021, thời gian từ ngày 1/9/2020 đến 30/5/2021, trả tiền hàng tháng. Trong khi đó, theo nguyên tắc con dấu phải do bộ phận văn thư của trường nắm giữ.
Bài - Ảnh: Xuân ThànhDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.