Những lưu ý về chế độ ăn cho người bị bệnh gout

Sức khỏe
11:38 AM 13/04/2021

Việc ăn uống tùy tiện khiến bệnh gout tiến triển theo chiều hướng xấu và để lại những hệ lụy khó lường. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trì, luyện tập cũng cần có một thực đơn hợp lý để việc điều trị bệnh đạt kết quả tốt hơn.

Theo thống kê có 95% nam giới tuổi trung niên bị mắc bệnh gout, ngoài ra, những người béo phì, nghiện rượu, cà phê, phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

1. Khái niệm về bệnh gout

Bệnh Gout là bệnh rối loạn chuyển hoá liên quan đến ăn uống do nồng độ axit uric quá cao trong huyết tương dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của axit uric) hoặc tinh thể axit uric.

Nếu lắng đọng ở khớp (ở sụn khớp, bao hoạt dịch) sẽ làm cho khớp bị viêm, gây đau đớn, lâu dần dẫn đến biến dạng, cứng khớp. Nếu lắng đọng ở thận sẽ gây ra bệnh thận do urat (viêm thận kẽ, sỏi thận...). Bệnh thường gặp nhiều ở nam giới tuổi 40 trở lên, thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần.

Những lưu ý về chế độ ăn cho người bị bệnh gout - Ảnh 1.

Biểu hiện của bệnh gout. (Hình minh họa).

Những biểu hiện của bệnh gout:

-  Viêm khớp cấp tính: Sưng, đau nhức khớp nhất là khớp đốt bàn và ngón chân cái.

-  Lắng đọng sạn urat: Là trường hợp những cục hay hạt urat nổi dưới da di động được dưới vành tai, mỏm khuỷu, xương bánh chè hoặc gần gân gót.

- Sỏi urat, axit uric trong hệ thống thận-tiết niệu, viêm thận kẽ, suy thận.

- Xét nghiệm máu thấy axit uric tăng cao trên 400 micromol/lit. 

Đối tượng có nhiều nguy cơ bị tăng axit uric máu và bệnh gout:

 Có tiền sử gia đình bị bệnh gout.

-  Thừa cân và béo phì.

-  Ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều nhân purin

-  Nghiện rượu, nghiện cà phê.

-  Dùng nhiều thuốc lợi tiểu như hypothiazid, lasix... có thể làm tăng axit uric và gây ra các đợt Gout cấp tính. 

2. Chế độ ăn cho người bệnh gout

Theo chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, gần một nửa số trường hợp bệnh gout thường bắt đầu từ ngón chân cái, tiếp đến là ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân. Các triệu chứng của bệnh xảy ra khi có quá nhiều acid uric trong máu. Khi nồng độ acid uric cao, các tinh thể uric sẽ có thể tích tụ trong các khớp. Quá trình này gây ra sưng, viêm và đau dữ dội.

Các cơn gout thường xảy ra vào ban đêm, sau các bữa ăn giàu đạm và kéo dài 3 - 10 ngày. Có tình trạng này là do 3 nguyên nhân hay gặp sau: Do tăng sản xuất acid uric nội sinh; Do giảm đào thải acid uric ở thận; Ăn quá nhiều thực phẩm nhiều purin như các loại thịt đỏ và thủy hải sản.

Việc ăn uống tùy tiện khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu và để lại những hệ lụy khó lường. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trì, luyện tập cũng cần có một thực đơn hợp lý để việc điều trị bệnh đạt kết quả tốt hơn.

Hàng ngày, cơ thể tạo ra acid uric sau quá trình chuyển hóa purin, được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Muốn kiểm soát bệnh gút, cần kiểm soát nguyên nhân, trong đó cần giảm lượng purin ăn vào. Không có chế độ dinh dưỡng nào sẽ ngăn ngừa hoàn toàn cơn gout cấp, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn quản lý sức khỏe tốt hơn: duy trì cân nặng lý tưởng; thiết lập và tuân theo thói quen ăn uống lành mạnh; hạn chế thực phẩm có nhân purin; bổ sung các loại thực phẩm có thể giúp kiểm soát nồng độ acid uric.

Thực phẩm nên tránh khi bị bệnh gout

Thức ăn và đồ uống có nhiều purin sẽ tăng nguy cơ bị cơn gout cấp, do đó nên tránh xa những loại thực phẩm: thịt đỏ, thịt cừu và thịt lợn; Nội tạng, phủ tạng như gan, thận, óc, lòng… Hải sản, đặc biệt là động vật có vỏ như tôm, trai, cá cơm và cá mòi;

Tránh các loại rau xanh có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tây, măng tre, nấm, giá, dọc mùng… vì chúng làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong máu. Các sản phẩm có hàm lượng fructose cao như soda và một số loại nước trái cây, kem, kẹo và đồ ăn nhanh.

Tránh uống rượu vì rượu làm gia tăng sự tạo acid uric trong gan và ngăn cản thận thải acid uric. Tránh dùng các thuốc lợi tiểu, corticoid.

Tránh ăn bánh ngọt và bánh quy vì chúng có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp và có thể làm tăng nồng độ acid uric.

Những lưu ý về chế độ ăn cho người bị bệnh gout - Ảnh 2.

Người bị bệnh Gout không nên uống rượu do làm gia tăng sự tạo axit uric.

Thực phẩm tốt cho người bệnh gout

Nên chọn các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như: sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo và không béo, chẳng hạn như sữa chua và sữa tách béo; Trái cây tươi và rau quả, nên sử dụng các loại quả giàu vitamin C như dâu tây, dứa... vì chúng làm giảm tình trạng viêm hiệu quả, giúp người bệnh khỏe mạnh hơn; Các loại hạt, bơ đậu phộng và ngũ cốc; Chất béo, khoai tây, cơm, bánh mì và mì ống; Trứng (vừa phải); Các loại thịt như cá, thịt gà và thịt đỏ là tốt với lượng vừa phải (khoảng 100 - 120g mỗi ngày, tùy từng tình trạng của người bệnh);

Những lưu ý về chế độ ăn cho người bị bệnh gout - Ảnh 3.

Ngưởi bị bệnh gout cần có chế độ ăn hợp lý.

Rau xanh các loại: súp lơ xanh và rau chân vịt là những thực phẩm giàu chất xơ được khuyến khích dùng cho người bệnh gút bởi chúng có thể làm giảm hấp thu đạm từ đó giảm sự hình thành acid uric. Nên sử dụng nhiều thực phẩm có tính kiềm như cải xanh, củ cải, bí… vì chúng có tác dụng trung hòa acid uric trong máu, làm chậm tiến triển của bệnh.

Nên uống nhiều nước mỗi ngày, nên uống 2 - 2,5 lít mỗi ngày tùy thuộc vào cân nặng, giới, tuổi… Bổ sung vitamin C khoảng 500 - 1.000mg mỗi ngày cũng có thể giúp giảm acid uric.

Mặc dù một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát lượng acid uric, tuy nhiên người bệnh vẫn cần tuân thủ uống thuốc để ngăn chặn các cơn gout cấp. Đi khám định kỳ để cùng với bác sĩ tìm ra cách điều trị tốt nhất cho từng người bệnh.

P. Thủy (TH)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Đảm bảo an toàn cho các kỳ thi, tuyển sinh năm 2024 Hà Nội: Đảm bảo an toàn cho các kỳ thi, tuyển sinh năm 2024

Chiều 7/5, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội năm 2024 và Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội năm học 2024 - 2025 đã họp phiên thứ nhất, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng 02 Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.