Những mặt hàng nào có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trực tuyến "phi thường" hậu Covid-19?
Báo cáo gần đây của Alibaba về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam hậu Covid-19 cho biết, trong 3-5 năm tới, đại dịch sẽ dần trở thành một căn bệnh thông thường và thương mại trực tuyến sẽ trở thành một hình thức tất yếu trên toàn cầu.
Theo đó, các chuyên gia của Alibaba đã chỉ ra một số lĩnh vực đã tăng trưởng trong và sau đại dịch. Đầu tiên, năng lượng là lĩnh vực đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất. So với năm 2020, ngành năng lượng năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng 79%.
"Nguyên nhân của sự tăng trưởng đến từ việc các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu mở cửa trở lại và các hạn chế về giãn cách xã hội có xu hướng giảm dần", báo cáo cho biết.
Bên cạnh đó, một số ngành có mức tăng trưởng phi thường hậu Covid-19 bao gồm kim loại, khoáng sản, thiết bị văn phòng và dược phẩm. Cụ thể, ngành kim loại và khoáng sản tăng lần lượt là 46% và 48% so với mức trước đại dịch; lĩnh vực thiết bị văn phòng cũng tăng trưởng 31%.
Ngoài ra, ngành công nghiệp dược phẩm tăng trưởng ở mức 33%. Nguyên nhân của sự tăng trưởng không chỉ từ việc sản xuất vaccine mà còn là đến từ việc sản xuất các thiết bị y tế như kim tiêm...
Cơ hội nào cho thị trường xuất khẩu trực tuyến ở Việt Nam?
Theo các chuyên gia của Alibaba, lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến ở Việt Nam được đánh giá vô cùng tiềm năng. Trong đó, yếu tố tiềm năng đầu tiên đến từ tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%.
Trong đó, về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,1%, bằng năm trước.
Dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn: MOIT/Alibaba
Thứ hai là Việt Nam có lợi thế về nguồn cung cũng như việc sản xuất một số mặt hàng nông nghiệp hay điện tử. Thứ ba, Việt Nam cũng tham gia rất nhiều hiệp định thương mại như CPTPP, RCEP.... nên sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi về xuất khẩu hàng hoá sang các quốc gia thành viên.
Từ đó, báo cáo của Alibaba đã chỉ ra một số mặt hàng có tiềm năng để xuất khẩu trực tuyến trong năm 2022. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, mặt hàng được đánh giá là tiềm năng nhất là dầu ăn, tiếp theo là các loại hạt ngũ cốc và hạt giống cây trồng. Còn đối với nhóm ngành hàng chăm sóc sắc đẹp, tóc giả là mặt hàng có tiềm năng nhất trong thời gian tới, tiếp đến là các sản phẩm chăm sóc da và đồ trang điểm.
Theo chia sẻ của ông Roger Lou, Giám đốc Quốc gia Alibaba Việt Nam, kế hoạch tương lai của hãng tại thị trường Việt Nam sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, Alibaba sẽ cung cấp và hỗ trợ các giải pháp số cho hơn 10 nghìn doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Alibaba sẽ đẩy mạnh việc đào tạo và phát triển các kỹ năng về thương mại điện tử xuyên biên giới cho đội ngũ nhân sự; đồng thời, nâng tầm thương hiệu Việt trên thị trường thế giới bằng bằng các giải pháp số ví dụ như hội chợ thương mại trực tuyến, để hướng đến mục tiêu gia tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Giang AnhKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.