Những mức phạt mới về lao động, BHXH từ 2022 mà người lao động cần biết

Đầu tư và Tiếp thị
08:35 PM 19/03/2022

Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) thay thế Nghị định 28/2020/NĐ-CP với nhiều mức phạt tăng hơn trước hoặc trước không quy định.

Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt từ 15 - 30 triệu đồng (Khoản 3 Điều 11), trước đây hành vi này không quy định mức phạt.

Nghị định 28/2020 không quy định mức xử phạt đối với hành vi buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động nhưng năm nay mức phạt sẽ là 50 - 75 triệu đồng (Điểm b khoản 4 Điều 11).

Hành vi không thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định sẽ bị phạt 1 triệu - 3 triệu đồng (Khoản 1 Điều 12).

Người sử dụng lao động, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 50 - 75 triệu đồng (Điểm a khoản 2 Điều 14) nếu lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi hoặc bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật. Trước đó, mức phạt cũ từ 20 - 25 triệu đồng.

Nếu doanh nghiệp, người sử dụng lao động không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện tháng lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng, mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng (Điểm a khoản 1 Điều 17). Trước đó, mức phạt này chỉ 2 - 5 triệu đồng (Điểm a khoản 1 điều 16).

Ngoài ra, người lao động cần chú ý, nếu doanh nghiệp dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng (Điểm b khoản 3 Điều 19), mức phạt cũ chỉ khoảng 10 - 15 triệu đồng.

Nếu người sử dụng lao động xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian nghỉ ốm đau, nghỉ điều dưỡng, nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động và các hành vi được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật Lao động sẽ bị xử phạt.

Mức phạt sẽ từ 20 - 40 triệu đồng (Điểm đ Khoản 3 Điều 19), Nghị định 28/2020 trước đây không quy định điểm này.

Người lao động là người giúp việc bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt. Mức xử phạt từ 50 - 75 triệu đồng (Khoản 4 Điều 30).

Quan trọng hơn, nếu người sử dụng lao động không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị phạt. Mức xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng/người lao động bị vi phạm nhưng tối đa là 75 triệu đồng (Khoản 3 Điều 39). Trước đây, mức xử phạt từ 500.000 - 01 triệu đồng.

Hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng/hồ sơ vi phạm nhưng tối đa là 75 triệu đồng (Khoản 2 Điều 40).

Hoàng Tùng
Ý kiến của bạn