Những người giữ lửa nghề làm đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung Thu

Địa phương
01:43 PM 13/09/2023

Tết Trung Thu năm nay đang đến rất gần, khi những món đồ chơi hiện đại dường như đang thu hút được nhiều sự quan tâm hơn, thì tại thôn Ông Hảo (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), người dân nơi đây vẫn hết lòng gìn giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Những món đồ chơi như mặt nạ bồi giấy, đầu sư tử, trống... đang được những người dân nơi đây hối hả hoàn thành để kịp phục vụ người dân khắp nơi.

Nghề làm đồ chơi truyền thống đã có ở thôn Ông Hảo từ khoảng 40 năm trước. Những món đồ chơi từ thôn Ông Hảo đã đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, mang về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Có thể nói, ở những thời điểm điện thoại thông minh và Internet còn chưa phổ biến, thì nghề làm đồ chơi ở thôn Ông Hảo đã mang lại nhiều niềm vui thuần khiết cho nhiều trẻ em trên khắp đất nước.

Hiện tại, sự xuất hiện của nhiều món đồ công nghệ cao đã khiến sức ảnh hưởng của những món đồ chơi truyền thống suy giảm. Song, người dân ở thôn Ông Hảo vẫn gìn giữ cái nghề của cha ông. Cứ từ tháng 6 đến rằm Trung Thu hàng năm, các hộ gia đình tại Ông Hảo lại nô nức làm những món đồ chơi truyền thống cho trẻ em. 

Những người giữ lửa nghề làm đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung Thu - Ảnh 1.

Ông Vũ Văn Hởi (Thôn Ông Hảo) đang sơn trống, chờ khô để vẽ hoa văn!

Âm thanh của tiếng xẻ gỗ, tiếng búa, tiếng trống, tiếng cười nói của người dân khiến Ông Hảo trở nên rộn rã và nhộn nhịp. Những món đồ chơi dịp Rằm Tháng Tám từ đây mà ra đời như mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống. Đây cũng là những món đồ chơi truyền thống chính mà thôn Ông Hảo còn làm.

Những năm gần đây, đồ chơi truyền thống đang dần nhận được sự quan tâm từ cộng đồng nhiều hơn. Những ưu điểm như an toàn, thân thiện với trẻ nhỏ, không gây hại cho sức khoẻ và đa dạng mẫu mã đã góp phần đẩy mạnh sức tiêu thụ cho đồ chơi Trung Thu truyền thống. Thu nhập cao từ nghề khiến người dân ở Ông Hảo thêm gắn bó với nghề. Trước đó, ở Ông Hảo đã có không ít người lựa chọn bỏ nghề vì nguồn thu nhập không đủ.

Gia đình ông Vũ Duy Đông là một trong những gia đình còn gắn bó với nghề ở thôn Ông Hảo. Những ngày này, khi dịp Trung Thu không còn xa nữa, khoảng sân nhà ông lại bày biện rất nhiều các loại dụng cụ, nguyên liệu để làm mặt nạ bồi.

 Gắn bó với nghề đã 40 năm, gia đình ông Đông đã rất quen thuộc với từng công đoạn để cho đời chiếc mặt nạ bồi. Ông Đông cho biết: Mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy báo, vở cũ lên khuôn xi măng đúc sẵn, sử dụng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy. Sau khi phơi khô, mặt nạ giấy được sơn vẽ.

Tay người thợ thủ công đã khéo léo thổi hồn cho những chiếc khung giống nhau thành những khuôn mặt khác nhau, với màu sắc tươi sáng, sinh động. Nét vẽ trên những chiếc mặt nạ vô cùng sinh động, vui nhộn và mộc mạc. Để đáp ứng thị hiếu của thị trường, hiện nay, mặt nạ bồi đã có thêm nhiều mẫu mã và hình dáng đa dạng như mười hai con giáp, hay những nhân vật gắn với tuổi thơ như Tôn Ngộ Không.

Năm nay, lượng mặt nạ giấy gia đình ông Đông đã tăng so với năm ngoái. Hàng hoá làm ra đến đâu khách mua hết tới đó, mang lại niềm vui không nhỏ cho gia đình.

Trung Thu đến, người ta lại nhớ tới những chiếc trống lớn nhỏ mang lại âm thanh rộn rã. Thôn Ông Hảo được biết đến với nghề làm trống gỗ thủ công, dịp này cũng rất tất bật.

Gia đình ông Vũ Văn Hởi ở thôn Ông Hảo cũng là một gia đình có thâm niên trong nghề. Khác với gia đình ông Vũ Duy Đông, gia đình ông Hởi làm trống gỗ thủ công. Tết Trung Thu sắp đến, gia đình ông cũng tất bật hoàn thiện hàng trăm chiếc trống cho khách hàng.

Làm trống không giống những đồ vật khác. Ông Hởi cho biết, những chiếc trống truyền thống phải mất khoảng 1 năm để hoàn thiện. Hàng của năm nay sẽ để năm sau bán, cứ như vậy, ông đã theo nghề mấy chục năm. Công việc bắt đầu từ đầu tháng 9 dương lịch hàng năm.

Người làm nghề sẽ chọn khúc gỗ bồ đề, gỗ mỡ để làm thân trống (tang trống). Phần mặt trống cầu kỳ hơn, người thợ chọn mua da trâu, sau đó cắt xẻ thành từng miếng đều nhau rồi cho vào ngâm trong nước vôi để tẩy màu. 

Quá trình ngâm nước vôi cũng yêu cầu người thợ làm trống phải đặc biệt chú ý về thời gian. Khi cả da và tang trống đều sẵn sàng, người thợ sẽ thực hiện công đoạn bưng trống. Công đoạn cuối cùng là mang trống đi phơi khô và quét sơn, vẽ hoa văn.

Ông Hởi nói: "Năm nay, gia đình tôi sản xuất 2.000 – 3.000 chiếc trống các loại."

Mặc dù sức hút từ các món đồ chơi công nghệ đang khiến thị trường đồ chơi truyền thống bị thu hẹp, song, sức cạnh tranh của đồ chơi truyền thống vẫn còn. Những năm gần đây, các mặt hàng đồ chơi truyền thống đang ngày càng được các bậc phụ huynh và các bạn nhỏ quan tâm và yêu thích. 

Điều này đã trở thành động lực để những người làm nghề ở thôn Ông Hảo tiếp tục yêu và gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, những người thợ lành nghề cũng sáng tạo ra nhiều món đồ chơi mới để thu hút khách hàng. Thu nhập tăng cao sẽ là động lực để những người đã bỏ nghề quay lại với nghề của cha ông, cũng khuyến khích thế hệ sau tiếp tục nối nghề cha ông.

Các sản phẩm đồ chơi Trung thu thôn Ông Hảo đã có chỗ đứng tại phố Hàng Mã ở thủ đô Hà Nội và ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước như: Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,...

Những năm gần đây, thôn Ông Hảo còn đón rất nhiều đoàn khách ghé thăm. Những đoàn khách này chủ yếu là từ các trường học trong và ngoài tỉnh về tham quan và trải nghiệm làm mặt nạ giấy bồi. 

Các em được tìm hiểu và trải nghiệm các công đoạn để làm ra chiếc mặt nạ giấy bồi. Người dân Ông Hảo vô cùng vui vẻ, tỉ mỉ giới thiệu cho các em các khâu làm ra sản phẩm, giúp các em hiểu hơn về đồ chơi truyền thống và thêm yêu nét văn hoá truyền thống.

Minh Hùng
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.