Những người thắp sáng niềm tin…
Cuộc chiến chống COVID-19 thực sự đi vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất từ khi chúng ta buộc phải bước vào giai đoạn 4, từ ngày 27/4/2021 ghi nhận ca nhiễm trong nước đầu tiên là nhân viên khách sạn tại Yên Bái - nơi cách ly các chuyên gia Ấn Độ. Cũng từ đây, những chiến sĩ khoác áo choàng trắng thực sự phải đối mặt với bao thử thách lớn nhất trong lịch sử cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và, cũng từ đây, hình ảnh người chiến sĩ áo trắng được tỏa sáng lung linh nhất trong tim mỗi người dân Việt Nam…
Còn nhớ những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, trong khi niềm hân hoan chào đón những ngày nghỉ lễ thú vị còn chưa hết trong mỗi chúng ta thì dịch bệnh đang âm thầm lây lan, phát triển. Các con số lây nhiễm mới cứ tăng dần theo cấp số nhân, từ vài ca ban đầu lên đến hàng chục, hàng trăm ca đến hàng nghìn ca tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang rồi lan ra đến hơn 26 tỉnh, thành phố trong vòng 2 tuần đầu tiên. Nhiều chuyên gia y tế khẳng định, đây là đợt lây lan rộng nhất của dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Các ổ dịch được hình thành do nhiều nguồn lây từ khu cách ly, bệnh viện, trên máy bay, trong quán bar, karaoke, đám cưới… tại Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương cơ sở 2. Dịch xâm nhập cả từ Lào, Campuchia qua biên giới Tây Nam đất nước. Cùng lúc chúng ta phải đối phó với hai biến thể của virus SARS-CoV-2 gồm biến thể của Anh và biến thể kép của Ấn Độ, đều là biến thể có tốc độ lây lan nhanh.
Cụ thể, cùng với 4 biến chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành gồm: Biến chủng D614G từ châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); biến chủng B.1.1.7 từ Anh (dịch tại Hải Dương); biến chủng B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài từ Nam Phi ngày 19/12/2020; biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại Sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh, biến chủng kép của Ấn Độ B.1.617.2 đã bắt đầu xuất hiện.
"Nếu như ở đợt dịch thứ 3, Việt Nam đã phải đối mặt với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 của Anh với tốc độ lây lan hơn 70%, thì lần thứ 4 này, biến thể của Ấn Độ còn khó khăn, thách thức hơn rất nhiều", theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế. Biến chủng của Ấn Độ lây lan nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Chỉ trong 1-2 ngày, các trường hợp F1 nhanh chóng thành F0, và cũng chỉ trong vài ngày, F2 trở thành F0.
Dịch COVID-19 tấn công chúng ta cả từ hai mũi: Từ bệnh viện tấn công ra cộng đồng và từ cộng đồng tấn công vào bệnh viện. Lần đầu tiên trong suốt 1,5 năm chống dịch của Việt Nam, đã có 10 cơ sở y tế phải phong tỏa/cách ly y tế để thực hiện khoanh vùng, truy vết chống dịch chỉ trong thời gian ngắn hơn 10 ngày.
Tại Hà Nội, có 3 cơ sở y tế tạm thời ngừng tiếp nhận bệnh nhân. Chiều 5/5, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, HN) đã có quyết định cách ly y tế sau khi ghi nhận 14 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. BV Quân Y 105 (Sơn Tây, Hà Nội) cũng chính thức phong tỏa từ 6/5 sau khi phát hiện một bác sĩ mắc COVID-19 có liên quan đến ổ dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Sau đó, sáng 7/5, Bệnh viện K đã chính thức tạm thời phong tỏa và cùng ngày 7/5, BV Đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng dừng tiếp nhận bệnh nhân do có hai ca mắc COVID-19 đã từng đến đây xét nghiệm...
Nhiều bệnh viện khác tại các địa phương cũng "dính" COVID-19 và phải phong tỏa như: BV Đa khoa Phúc Yên, Vĩnh Phúc, BV Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, BV Hoàn Mỹ (TP. Đà Nẵng), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Quân y 7A (tại TP. Hồ Chí Minh). Trong số 10 cơ sở y tế này, việc phải tạm thời đóng cửa, cách ly y tế tại BV K và BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là một tổn thất khá nặng cho ngành y tế.
Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định rằng, để công tác phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả thì phải tăng cường các biện pháp tích cực, chủ động, tăng cường các biện pháp về công nghệ, tăng cường các biện pháp kiểm soát, giám sát, kiểm tra, tăng cường xử lý cụ thể, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K + vaccine.
Thủ tướng chỉ đạo nhấn mạnh, để công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, chiến lược của Việt Nam phải chuyển từ trạng thái phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính. Tấn công chính là phải tăng cường các biện pháp tích cực, chủ động, tăng cường các biện pháp về công nghệ, tăng cường các biện pháp kiểm soát, giám sát, kiểm tra, tăng cường xử lý cụ thể, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm thông điệp "5K + vaccine".
Triển khai nhiệm vụ do Thủ tướng giao chuyển tâm thế chống dịch sang "chủ động tấn công", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo toàn ngành phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh. Phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương thực hiện.
Theo đó, Bộ Y tế thay đổi phương thức và tăng cường xét nghiệm sàng lọc COVID-19, áp dụng cả hai phương thức xét nghiệm: Kháng nguyên và kháng thể; chuyển từ thế "chạy theo" xét nghiệm sang "tấn công"; cho phép các cơ sở, đặc biệt những khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người xét nghiệm một cách thường xuyên.
Đối với bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu xét cũng nghiệm kháng nguyên nhanh thường xuyên. Các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR để qua đó, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.
Cho đến nay, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn quốc. Tại tâm dịch TP.HCM và Bình Dương, con số ca mắc cũng như tỉ lệ nhiễm và con số tử vong đã giảm sâu. Tình hình dịch bệnh của các tỉnh nằm trong khu vực giãn cách có diễn biến tích cực. Đối với 40 tỉnh, thành phố khác có các ca nhiễm, đã được kịp thời xử lý, khoanh vùng dập dịch.
Nhìn lại toàn bộ công tác phòng chống dịch thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết có 5 quyết định mang tính cân não được Bộ Y tế đề xuất, Chính phủ thông qua, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện.
Quyết định đầu tiên là phong tỏa toàn bộ vùng có dịch tại các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh, xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, xét nghiệm nhiều vòng và lặp lại. Đây là bài học thành công nhất của Bắc Giang và Bắc Ninh trong thời điểm đó.
Nếu chúng ta không thực hiện như vậy trong thời điểm đó thì tình hình sẽ rơi vào trạng thái rất căng thẳng, nghiêm trọng. Có ý kiến cho rằng chỉ cần xét nghiệm người có triệu chứng, tuy nhiên, có đến 80% số ca nhiễm không có triệu chứng, nếu bỏ sót thì nguy cơ lây lan cộng đồng là rất lớn. Lúc đó, chúng ta đã triển khai cùng các biện pháp an sinh xã hội, lập bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực.
Quyết định thứ 2 là khi Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia quyết định giãn cách hàng chục tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đi cùng với đó, chúng ta phải chuẩn bị tất cả kịch bản từ vấn đề về an sinh xã hội, đi lại, sản xuất kinh doanh, an ninh an toàn, tất cả về sinh kế của người dân.
Chúng ta đã quyết định đúng đắn, sáng suốt trong thời điểm đó, nâng từng bước một, khi thấy không có khả năng kiểm soát do diễn biến dịch quá nhanh trong thời gian ngắn trên địa bàn hẹp, ngay lập tức, chúng ta đưa ra quyết định giãn cách tại 20 tỉnh, thành phố. "Nhờ vậy, chúng ta mới kiểm soát được tình khu vực phía Nam.
Quyết định đó đã góp ngăn chặn nhiều trường hợp nhiễm và tử vong trong khu vực này", Bộ trưởng Y tế khẳng định.
Quyết định thứ 3 cũng cần phải được quan tâm và phân tích sâu hơn, đó là điều động nguồn nhân lực, huy động một cách tổng lực. Gần 300.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, công an, quân đội… đã được huy động cho TP.HCM, Hà Nội và các địa phương là điểm nóng về dịch bệnh.
Quyết định thứ 4 là chuyển hướng chiến lược, kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt và phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện, xác định xã phường là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong hoạt động phòng chống dịch, thiết lập những trạm y tế lưu động, điều động quân y vào khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó là xét nghiệm thần tốc, để phát hiện các trường hợp nhiễm, cách ly nguồn lây nghiệm, từ đó chăm sóc, điều trị sớm, hạn chế lây nhiễm và tử vong. Đây cũng là quyết định mang tính chiến lược và hợp lý.
Quyết định thứ 5 là việc thực hiện chiến lược vắc xin rất quyết liệt. Xung quanh thực hiện chiến lược này, chúng ta đã vượt qua những rào cản rất phức tạp, nhờ có kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. "Chúng ta rất công khai minh bạch. Vấn đề mua sắm vắc xin cũng được quan tâm để bảo đảm tiêm chủng bao phủ ngày càng rộng. Tuy nhiên, cần làm rõ thông tin để tránh tư tưởng phân biệt nguồn vắc xin từ các nước khác nhau", Bộ trưởng nói.
"Chúng tôi khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành đã đồng tâm, hiệp sức để giải quyết các vấn đề, thách thức. Ví dụ như vấn đề xét nghiệm y tế, Việt Nam đã học tập kinh nghiệm của các nước. Nước Mỹ có tổng kết: "Xét nghiệm trên diện rộng là cốt lõi, cơ bản để đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường'", Bộ trưởng Thanh Long cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, có những tư tưởng, quan điểm nói rằng tại sao phải cố như vậy, tại sao phải cách ly, khoanh vùng, dập dịch…? Thực tế, không phải một mình nước ta theo đuổi chiến lược "Zero COVID", tất cả các nước trong giai đoạn đầu đều theo đuổi việc này, chỉ có vài nước theo chiến dịch miễn dịch tự nhiên. Bộ trưởng Y tế phân tích, làm rõ thêm một số nội dung xung quanh vấn đề này.
Thứ nhất, về mặt khoa học, không ai miễn nhiễm virus này, từ trẻ sơ sinh cho đến người già đều có thể bị mắc.
Thứ hai, hệ thống y tế của chúng ta có đủ đáp ứng khi ca nhiễm tăng nhanh không? Thực tế là không và điều này được chứng minh tại TP.HCM. Đây là điều rất rõ ràng, cụ thể.
Tiếp theo, chúng ta có chấp nhận thương vong không? Đối với văn hóa, truyền thống, đạo đức của đất nước, chúng ta không chấp nhận điều này. Sức khỏe và tính mạng người dân là quan trọng nhất.
"Điều quan trọng là khi phủ được vắc xin mới chuyển đổi chiến lược. Không phải chúng ta cứng nhắc trong vấn đề điều chỉnh, nhưng phải tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của đất nước chúng ta, phải có bước đi chắc chắn, hiệu quả. Mục tiêu mà chúng ta đặt lên trên hết, trước hết là sức khỏe, tính mạng của người dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Những trận bão đi qua nén thành dấu vết
Đất nằm im như chết
Có bao giờ đất chết đâu anh…?"
Những vần thơ được viết trong chiến tranh năm xưa của nhà thơ Thanh Thảo lại vang lên trong tôi lúc này. Phải rồi, có bao giờ đất chết? Đất và người Việt Nam cũng như trên toàn thế giới không bao giờ chết mà sẽ mãi mãi sinh sôi, nở hoa, kết trái.
Dịch bệnh cũng như những hiểm họa chỉ là cái tạm thời, đến với chúng ta mãi mãi sẽ là hạnh phúc vui tươi. Hạnh phúc có cả trong đấu tranh một mất một còn, từng khoảnh khắc, khi những người mang danh dự, sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc đối mặt với tử thần giành giật từng mạng sống nhân dân. Hạnh phúc trong làn ranh giới mong manh ấy đã vỡ òa khi người sản phụ F0 được cứu sống, khi đứa trẻ ra đời trong khổ ải, đau thương.
Và hạnh phúc khi họ được trở về nhà đoàn tụ với gia đình, người thân, đồng nghiệp sau hàng tháng trời xa nhà xả thân, bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch, để niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong mọi thời khắc lịch sử vẫn được thắp lên sáng ngời trong mỗi người dân…
Ngọc MinhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.