Những nhà kinh doanh cà phê đang ráo riết chuyển hướng các lô hàng do không thể tiếp cận Nga và Ukraine
Nhiều thương nhân cà phê đang buộc phải hủy các chuyến hàng đến Nga và Ukraine, khi dòng chảy thương mại đến hai nước này sụp đổ do các lệnh trừng phạt của phương Tây và động thái đóng cửa các cảng của Kyiv.
Nga là nhà nhập khẩu cà phê lớn thứ tư thế giới sau Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong khi đó, Nga và Ukraine cộng lại chiếm gần 4% lượng tiêu thụ cà phê toàn cầu.
Hai nước nhập khẩu phần lớn hạt cà phê robusta, loại cà phê thường được sử dụng để làm cà phê hòa tan. Các loại hạt này cũng là một lựa chọn thay thế rẻ hơn cho arabica để có hương vị êm dịu hơn.
Tuy nhiên, dòng chảy thương mại tới hai nước này đang bị đình trệ nghiêm trọng. Các hãng tàu container lớn nhất thế giới, bao gồm ba hãng hàng đầu - MSC, Maersk và CMA CGM - đã tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga, trong khi các cảng của Ukraine bị đóng cửa kể từ khi Nga tấn công quân sự.
Một nhà kinh doanh cà phê tại châu Âu cho biết: "Một số hãng tàu cho biết họ sẽ vẫn vận chuyển hàng đến Nga nhưng sự mất giá của đồng rúp đã đóng băng thị trường một cách đáng kể. Điều này khiến các công ty nhập cà phê rang xay Nga sẽ không đủ khả năng để mua."
Đồng rúp đã mất giá hơn 30% so với đồng đô la kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra và các nhà sản xuất cà phê rang xay quốc tế hoạt động trong nước lo ngại nhu cầu sẽ giảm do giá nội địa tăng gần gấp ba.
Các nhà kinh doanh mặt hàng này đều lo ngại rằng bất kỳ sự suy thoái kinh tế toàn cầu nào liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine cùng với giá tăng cao đều có thể hạn chế nhu cầu, bên cạnh nỗi lo việc bán hàng cho các khách hàng Nga có thể chậm lại hoặc bị hủy do lệnh trừng phạt.
Một thương nhân có trụ sở tại Geneva cho biết anh thậm chí không thể nắm được thông tin người mua của mình ở Ukraine và đang phải đưa ra quyết định đơn phương về việc hủy hợp đồng cũng như chuyển hướng các chuyến hàng.
Các công ty xuất khẩu lớn ở Việt Nam, nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới, cho biết hầu như không có lô hàng nào đến Nga vào tuần trước. Trong đó, một nhà xuất khẩu cho biết đang làm việc với khách hàng Nga để tiến hành hủy hợp đồng.
"Dựa trên tình hình hiện tại và khuyến nghị của chính phủ, xuất khẩu nông sản sang Nga, trong đó có cà phê, sẽ giảm mạnh", một doanh nghiệp xuất khẩu có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, Việt Nam luôn là nước cung cấp cà phê lớn nhất cho thị trường Nga, hiện chiếm khoảng 35% tổng cà phê nhập khẩu vào thị trường này.
Trong tháng 1/2022, tỷ trọng của Nga trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng lên hơn 6%, đạt 10.575 tấn, kim ngạch 24.5 triệu USDUSD, tăng lần lượt 26,12% và 14,69% so với tháng liền trước, và tăng mạnh 45,32% và 79,88% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, các nhà kinh doanh cà phê trong nước đang lo lắng làm cách nào để giao hàng và thanh toán hàng trong bối cảnh khó khăn do các lệnh trừng phạt từ phương Tây và các cảng đều ngừng hoạt động. Đặc biệt khi cước phí vận chuyển đang tăng trở lại. Việc này có thể ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam trong nhưng tháng sắp tới.
Đầu tháng 3, giá cà phê đã giảm mạnh khi các nhà xuất khẩu đưa Nga vào danh sách thị trường rủi ro cao và buộc phải thanh toán trước khi giao hàng. Ngày 16/3, giá cà phê arabica giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng do sự suy yếu tổng thể trên các thị trường hàng hóa nói chung trước khi Mỹ công bố quyết định lãi suất quan trọng.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 lúc đóng cửa giảm 7,65 cent, tương đương 3,5%, xuống 2,1115 USD/lb, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong 4 tháng là 2,1015 USD; cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 1,3% xuống 2.087 USD/tấn.
Tham khảo: Reuters
Khánh VyTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.