Những nỗi lo cản bước phục hồi của ngành hàng không Việt
Trên tiến trình phục hồi, ngành hàng không vẫn phải đối mặt với với nhiều khó khăn, thách thức. Đáng lưu tâm hơn là các điểm nghẽn hạ tầng hàng không ở Việt Nam, đó là nguy cơ thiếu hụt phi công và nhân viên kỹ thuật trong tương lai.
Nỗi lo ách tắc hạ tầng và thiếu hụt nhân sự
Trong ba năm đại dịch vừa qua, ngành hàng không đã thực hiện nhiều dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng hàng không, đặc biệt là các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại các sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, tình trạng hạ tầng hàng không quá tải, thủ tục chưa nhanh gọn, làm lãng phí thời gian của hành khách và gây tốn kém cho hãng hàng không vẫn tiếp tục.
Thực tế cho thấy dù sự phục hồi của ngành hàng không mới ở giai đoạn đầu nhưng hiện tượng quá tải hạ tầng sân bay đã diễn ra. Những đường cất hạ cánh quá tải, những bãi đỗ sân bay chật chội, những ga hành khách đông nghẹt người... đã cản trở đà phục hồi và phát triển của ngành hàng không.
Các “nút thắt", "điểm nghẽn” của hạ tầng hàng không này đã có từ lâu nhưng tốc độ khắc phục rất chậm chạp, tác động nghiêm trọng tới sự hồi phục cũng như sức cạnh tranh của ngành hàng không.
Bộ Giao thông vận tải cần nhanh chóng tập trung vào việc giải quyết các “nút thắt, điểm nghẽn” của hạ tầng hàng không ở 4 sân bay trung tâm lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Cam Ranh, không nên phân tâm quá mức đến việc xây dựng mới các sân bay nhỏ không giúp giải quyết được các “nút thắt, điểm nghẽn” của hạ tầng hàng không.
Không chỉ quá tải hạ tầng, các hãng hàng không đều gặp các vấn đề liên quan đến tổ chức và nhân sự. Với việc khai thác cầm chừng, có giai đoạn gần như đóng băng như vào nửa cuối năm 2021, đã tạo ra sự xáo trộn, thay đổi về nhân lực của các hãng hàng không Việt Nam. Việc tổ chức lại bộ máy, sắp xếp lao động theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian để giảm bớt chi phí tiền lương cũng dẫn đến sự chuyển dịch lao động sang các ngành nghề lĩnh vực khác.
Hiện nay, với sự phục hồi của thị trường hàng không, gia tăng nhu cầu khai thác trên phạm vi toàn cầu, các hãng hàng không thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động chuyên môn, đặc biệt là tổ bay, nhân viên kỹ thuật. Các hãng bay Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Trong năm 2023, vấn đề thiếu hụt nhân sự của ngành hàng không Việt Nam chưa đáng kể, nhưng từ những năm sau cho đến cuối thập kỷ này, sự thiếu hụt phi công và nhân viên kỹ thuật sẽ càng lúc càng trầm trọng.
Công tác đào tạo không thể theo kịp nên tình trạng thiếu nhân lực không chỉ ở lực lượng phi công mà còn ở lực lượng khác như giám sát bay, quản lý không lưu, kỹ sư máy bay... Hiện cả nước chỉ có duy nhất Trường Phi công Bay Việt (Viet Flight Training) đào tạo phi công nhưng với số lượng đào tạo trên dưới 100 phi công/năm thì chỉ như muối bỏ bể.
Khơi thông "điểm nghẽn"
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2023. Tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. So với cùng thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019), tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa.
Để đạt được mục tiêu trên, Cục Hàng không Việt Nam đã chủ động và tích cực trao đổi với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các Nhà chức trách hàng không các quốc gia đối tác (Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Nga...) trong việc mở lại các đường bay quốc tế và hỗ trợ các hãng hàng không Việt tháo gỡ khó khăn trong quá trình khôi phục.
Đặc biệt, Cục Hàng không Việt Nam thường xuyên trao đổi, liên lạc và tiếp xúc với nhà chức trách hàng không của Trung Quốc và Ấn Độ để tăng tần suất, tải cung ứng và điểm đến hai quốc gia đông dân này.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã rà soát, xây dựng kế hoạch khai thác, dây chuyền phục vụ hành khách phù hợp với điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất của các cảng hàng không, đáp ứng được nhu cầu khi lượng hành khách tăng; tổ chức phân luồng giao thông tiếp cận nhà ga một cách khoa học, hợp lý để tránh tình trạng ùn ứ.
Các hãng hàng không Việt cũng mở rộng hoạt động khai thác, mở đường bay mới, tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách với 69 đường bay quốc nội thường lệ được khai thác bởi 5 hãng hàng không nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với 19 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.
Về nguồn nhân lực, thời gian qua, ngoài các đơn vị truyền thống thì nhiều doanh nghiệp cũng tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực hàng không, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao như: Tập đoàn Vingroup, FLC Group, Học viện Hàng không Vietjet, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH)...
Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo nhân lực hàng không và doanh nghiệp hàng không cần có sợi dây liên kết chặt chẽ để phát huy cao nhất hiệu quả trong hoạt động liên kết, hợp tác. Ngoài ra, tăng cường hợp tác với nước ngoài trong công tác đào tạo và huấn luyện nhân lực hàng không nhằm đào tạo nhân lực hàng không theo chương trình chất lượng cao là hướng đi cần tiếp tục được chú trọng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng phạm vi toàn cầu.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.