Những quyết sách vì dân: “Dân thụ hưởng”
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, đặt người dân vào trung tâm các quyết sách hành động “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là sự khẳng định nhất quán tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta: lấy dân làm gốc, người dân là chủ thể, là mục đích, là trung tâm của mọi quá trình phát triển.
Để những quyết sách bền vững
Với phương châm "Không ai bị bỏ lại phía sau", Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chủ trương về "Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông". Qua 2 năm thực hiện, được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đến nay các địa phương có đồng bào sinh sống trên sông đã quy hoạch, đầu tư hạ tầng, bố trí cấp đất ở và kinh phí làm nhà cho 183 hộ trên tổng số 247 hộ sinh sống trên sông, với tổng kinh phí 71 tỷ đồng.
Cùng với đó là Đề án "Sắp xếp, ổn định dân cư Khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2012-1025"; Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn đang trong quá trình triển khai, thực hiện.
Phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa đã linh hoạt, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục lan tỏa sâu rộng, nhân lên mạnh mẽ hơn nữa các quyết sách vì dân; hợp lòng dân.
Đặc biệt, khi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án tăng cường nguồn lực cho công tác giảm nghèo.
Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; hỗ trợ địa bàn nghèo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp...
Để những quyết sách này trở thành hiện thực sinh động, tỉnh Thanh Hóa đã huy động sự tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền nâng cao đời sống của người dân. Cho đến thời điểm này, 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo của tỉnh đã được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn, miền núi.
Cùng với đó, các cấp, các ngành, các địa phương hỗ trợ công tác đào tạo nghề nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất cho 90% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; giải ngân 4.519,6 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội giúp 71,48 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giảm từ 6,77% xuống còn 3,79%. Thanh Hóa trở thành một trong những "điểm sáng" của cả nước trong thực hiện giảm nghèo bền vững.
Mặt khác, Thanh Hóa cũng là tỉnh đi đầu cả nước trong thực hiện việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM. Kết quả cho thấy, 90% người dân ở những xã đã đạt chuẩn NTM, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hài lòng với kết quả xây dựng NTM. Người dân rất hài lòng khi được thụ hưởng những thành quả từ NTM, kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt.
Phát huy những kết quả đã đạt được, bên cạnh giải quyết các vấn đề nội tại trong quá trình triển khai, thực hiện từng đề án, cuộc vận động, tỉnh Thanh Hóa linh hoạt, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực nhân lên các quyết sách "vì dân". Và quyết sách đó nhanh chóng trở thành một lẽ sống đẹp mà ai cũng muốn hướng tới.
Huy động tối đa nguồn lực
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Quá trình vận động cần linh hoạt, sáng tạo, trên nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch theo đúng tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Từ đó tạo sự đồng thuận cao của người ủng hộ, tuyệt đối không được ép buộc, tránh chồng chéo, trùng lắp địa bàn, đối tượng; "không để ai bị bỏ lại phía sau", nhưng cũng kiên quyết không để xảy ra tình trạng hỗ trợ không đúng đối tượng, trục lợi chính sách.
Chú trọng việc huy động mọi nguồn lực từ xã hội, vận động các hộ gia đình, bà con trong dòng họ, trong các khu dân cư, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, con em Thanh Hóa đang sinh sống, học tập, công tác ở tỉnh ngoài, nước ngoài tich cực tham gia đóng góp nhân lực, vật lực xây dựng quê hương, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội sớm được an cư, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Không chỉ riêng miền núi, bài học từ quá trình huy động các nguồn lực, các địa phương đã phát huy tác dụng: ngoài xây dựng điển hình, mô hình huy động nguồn lực, một số huyện, trong đó tiêu biểu là Triệu Sơn vận dụng linh hoạt, sáng tạo chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng thông qua phát động phong trào thi đua, tạo động lực phấn đấu.
Ông Lê Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn chia sẻ: "Quan trọng là phải tổ chức được phong trào thi đua, nếu không thi đua thì không đẩy phong trào lan tỏa sâu rộng, sôi nổi, hăng hái, đạt hiệu quả cao được".
Đây là cách làm hay, sáng tạo của huyện Triệu Sơn trong quá trình triển khai nhiệm vụ nói chung, thực hiện công tác an sinh xã hội nói riêng. Sự " kích cầu", động viên tinh thần con em xa quê thành đạt có ý nghĩa sâu sắc, đạt hiệu quả rõ rệt, kết nối và lan tỏa nhiều giá trị nhân văn cao cả. Chỉ trong 2 năm (2023-2024), con em quê hương Triệu Sơn đã ủng hộ gần 120 tỷ đồng xây dựng trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, điện điện chiếu sáng, xây dưng nhà ở cho hộ nghèo...
Khi một xã hội càng phát triển càng có thêm điều kiện, nguồn lực để chăm lo cho công tác an sinh xã hội; đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Theo đó, khi sản xuất phát triển, thì đời sống vật chất, tinh thần của người dân càng được nâng cao.
Với quan điểm lấy dân làm gốc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đến đời sống của người dân. Người dân luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, là người làm chủ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời người dân cũng là người trực tiếp thụ hưởng những giá trị to lớn đó.
"Dân thụ hưởng" là động lực to lớn để người dân tin tường vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực lao động, cống hiến, xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Triều NguyệtTP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước trong 2024.