Những rào cản với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021

Đầu tư và Tiếp thị
09:15 AM 01/07/2021

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng GDP 6,5% như mục tiêu của Chính phủ đề ra còn gặp nhiều thách thức, khó khăn.

Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý II/2021 tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những rào cản với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 - Ảnh 1.

Chia sẻ với báo chí, TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đề ra, đó là mong muốn quý I/2021, GDP tăng trưởng 5,12%; quý II tăng trưởng trên 6%. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm như là rất đáng khích lệ, trong bối cảnh 6 tháng qua xảy ra 2 đợt dịch tương đối nặng so với năm 2020, mặc dù chúng ta đã điều chỉnh chiến lược về kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn.

Song, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong cả năm như đã đề ra, theo tính toán, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải đạt hơn 7%. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và nguồn cung vaccine còn hạn chế.

Đây là một thách thức rất lớn cho tăng trưởng kinh tế hai quý cuối năm và cả năm 2021, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh và chỉ ra bốn rào cản của Việt Nam trước tác động của đại dịch.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Trong khi đó, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, nguồn cung đầu vào cho rất nhiều sản phẩm đang thiếu nghiêm trọng. Điều này đang gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh và sự phục hồi của nền kinh tế.

Thứ hai, năng lực logistics, hậu cần vận tải của Việt Nam hiện còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được quá trình phục hồi nền kinh tế.

Thứ ba, giá cả và lạm phát đang có xu hướng gia tăng.

Thứ tư, đợt dịch COVID-19 vừa qua ở Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trung tâm sản xuất lớn của cả nước như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Đông Nam Bộ. Đây là những khu vực đang giữ tỷ trọng rất cao trong sản xuất và xuất khẩu công nghiệp, mức thiệt hại đến nền kinh tế là rất lớn.

Với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, ông Thành dự báo, tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 nhiều khả năng sẽ giữ ở mức 6%.

Những rào cản với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 - Ảnh 2.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, theo như dự báo, sẽ không có sự điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay. Để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục Thống kê đã đề xuất một số giải pháp như: cần thực hiện kiểm soát tốt dịch COVID-19 và nhanh chóng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. Cùng với đó, nghiên cứu để chủ động được nguồn vaccine trong dài hạn; tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, bà Hương nhấn mạnh, cần tập trung các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Hoài Thương (t/h)
Ý kiến của bạn