Những sự kiện của ngành giáo dục Việt Nam năm 2021

Giáo dục
10:32 AM 04/01/2022

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn với ngành giáo dục Việt Nam, thời gian học sinh đến trường ít chưa từng có, nhưng vẫn có những sự kiện tác động mạnh mẽ đến nền giáo dục nước nhà.

Bộ GD&ĐT có “tư lệnh mới”

Ngày 8/4/2021, Quốc hội phê chuẩn ông Nguyễn Kim Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Từ nhiều năm nay, chức danh Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được coi là "ghế nóng", rất được dư luận quan tâm và kỳ vọng. Ngành giáo dục hiện có hơn 1 triệu cán bộ, viên chức, đào tạo hơn 20 triệu học sinh, sinh viên mỗi năm.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với báo chí sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức vụ bộ trưởng Bộ GD&ĐT: "Tôi xem đây là cơ hội để có thêm điều kiện làm một số việc ở lĩnh vực mà mình tâm huyết và đã có thời gian gắn bó lâu dài.

Đối với tôi, nhiệm vụ mới tại thời điểm này là một thách thức lớn, có thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Hơn một triệu người làm công tác giáo dục và quản lý giáo dục, trong đó có tôi, không có lựa chọn nào khác là chủ động đối mặt để vượt qua các khó khăn đó".

Những sự kiện đáng nhớ của giáo dục Việt Nam năm 2021 - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn

Học sinh, giáo viên thích ứng với học trực tuyến

Từ đầu năm 2021 tới nay, ngành giáo dục, như đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trải qua một năm bị COVID-19 "đảo lộn và tàn phá".

Phần lớn trong số 22 triệu học sinh - sinh viên chỉ đến trường khoảng 2-3 tháng. Thời gian còn lại là nghỉ hè và học online.

Những sự kiện đáng nhớ của giáo dục Việt Nam năm 2021 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đầu tháng 10, khi mới chính thức vào năm học mới được hơn một tháng, không ít phụ huynh đã bùng nổ bởi những bức xúc với tình trạng con em mình học trực tuyến như thời gian sử dụng máy tính quá nhiều, ngoài học bài, làm bài tập còn xem phim, chơi game... Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng.

Thế nhưng khi dịch bệnh kéo dài, những nỗ lực của cả thầy và trò đã đặt học trực tuyến ở vị thế mới. Thầy và trò cả nước vẫn nỗ lực để thích ứng một cách nhanh chóng. Các thầy cô giáo giờ đây cũng “không thể ngồi yên được nữa” mà bắt đầu làm mới mình bằng những cuộc “thay đổi ngoạn mục”.

Giáo dục trực tuyến và chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và học qua truyền hình, Thủ tướng đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai.

Tính đến ngày 30/10, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ 1.000.840 máy tính. Đầu tháng 11, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức bàn giao 10.000 máy tính đầu tiên trong tổng số 37.000 máy VNPT cam kết tài trợ.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sóng và máy tính là phương thức học tập mới, mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hộ khó khăn có điều kiện học tập, bình đẳng trong tiếp cận kiến thức.

Việt Nam vào top 10 thành tích thi Olympic quốc tế 2021

Trong năm 2021, Bộ GD&ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 37 lượt học sinh tham gia Olympic khu vực và quốc tế. Kết quả, tất cả các thí sinh dự thi đều đoạt giải, gồm 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen (giải Khuyến khích).

Nhờ vậy, các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.

Đặc biệt, em Nguyễn Mạnh Quân, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) đã đạt điểm số cao nhất của kỳ thi Olympic Vật lí Châu Á - Thái Bình Dương (APhO) và được Chủ tịch APhO năm 2021 tặng bằng khen.

Những sự kiện đáng nhớ của giáo dục Việt Nam năm 2021 - Ảnh 3.

Các học sinh đạt huy chương Olympic quốc tế 2021

Nhiều trường đại học của Việt Nam lọt top bảng xếp hạng thế giới

Các tạp chí Times Higher Education đã công bố bảng xếp hạng Đại học Thế giới 2022. Năm nay, Việt Nam có 5 đại diện.

Theo Times Higher Education (THE), 5 đại diện của Việt Nam gồm: trường đại học (ĐH) Duy Tân, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Bách khoa Hà Nội và hai ĐH Quốc gia.

Những sự kiện đáng nhớ của giáo dục Việt Nam năm 2021 - Ảnh 4.

Việt Nam có 5 đại diện lọt top bảng xếp hạng thế giới

Có thể thấy, so với bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2021, Việt Nam có thêm 2 gương mặt mới là trường ĐH Duy Tân, trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Được biết, bảng xếp hạng năm nay bao gồm hơn 1.600 trường ĐH trên 99 quốc gia và vùng lãnh thổ. THE đánh giá đây là bảng xếp hạng các trường ĐH lớn nhất và đa dạng nhất cho đến nay.

Nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp THPT

Năm 2021, cả nước có gần 1.015.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2021 là 795.353 (tăng hơn 150.000 thí sinh so với năm 2020).

Là năm thứ hai diễn ra với ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã phải tổ chức thành hai đợt. Dù thế, vẫn có hơn 15.000 thí sinh không thể dự thi và lần đầu tiên Bộ cho phép xét đặc cách tốt nghiệp.

Đề thi được cho là "dễ thở", kết quả thi của thí sinh tăng đột biến dẫn đến việc điểm trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp vào nhiều trường đại học tăng. Một số ngành tăng từ 2 - 11 điểm. Đáng chú ý, có ngành học lấy điểm chuẩn 30 - 30,5.

Tuy nhiên, 'nóng' nhất đã có tố cáo về việc nội dung đề ôn tập ngay trước ngày thi môn Sinh học ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của thầy Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) trùng lặp với đề thi chính thức đến 80 - 90%.

Khi đó, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đã nắm được thông tin và đang phối hợp các cơ quan liên quan xác minh làm rõ. Tuy nhiên, đến tận giữa tháng 12 vừa qua, sau nhiều ồn ào của dư luận, Bộ GD&ĐT mới cung cấp thông tin ban đầu. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đã ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học và đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan.

Bộ Công an cũng cho hay phát hiện sơ hở ở khâu ra đề và đang điều tra, xác minh dấu hiệu lộ đề thi.

Quy chế đào tạo tiến sĩ mới gây tranh cãi

Tháng 6, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 18 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới được cho có nhiều điều chỉnh khoa học, khách quan và công bằng, tăng cường liêm chính học thuật, học thật, nghiên cứu thật...

Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều ý kiến tranh cãi của chuyên gia cho rằng hạ chuẩn so với quy chế cũ khi nới lỏng yêu cầu kết quả công bố trong luận án trước khi bảo vệ.

Theo quy chế mới, nghiên cứu sinh chỉ cần công bố công trình trên những tạp chí trong nước và được tính điểm là có thể bảo vệ luận án tiến sĩ trong khi trước đó bắt buộc phải có công bố trên các tạp chí/hội thảo nước ngoài, trong đó có tạp chí ISI/Scopus. Người hướng dẫn cũng không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có 2 công bố trong nước 'loại trung bình' trong 5 năm cuối.

Bên cạnh đó, yêu cầu về ngoại ngữ cũng quy chế mới lại chỉ yêu cầu TOEFL iBT 46 điểm, tương đương bậc 3/6 - B1 như với thạc sỹ. Quy định những nghiên cứu sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ khác tiếng Anh vẫn phải giao tiếp được chuyên môn (nghe, đọc, hiểu, trình bày được chuyên môn) bằng tiếng Anh cũng bị bỏ đi hoàn toàn.

Nhiều giảng viên, sinh viên tham gia chống dịch

Vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp tại TPHCM và Bình Dương, hơn 2.200 giảng viên, sinh viên 8 trường đại học y dược phía Bắc đã xung phong lên đường vào Nam tham gia chống dịch. Không nề hà, ngại khó, ngại khổ, không đòi hỏi điều kiện ăn ở nhưng các thầy trò đã dốc hết sức làm hết trách cùng y tế địa phương truy vết, kiên trì quá trình chống dịch.

Những sự kiện đáng nhớ của giáo dục Việt Nam năm 2021 - Ảnh 5.

Sinh viên y dược tình nguyện vào miền Nam tham gia chống dịch

Ngoài ra, hàng trăm bạn trẻ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại TPHCM đã xung phong tham gia đội tình nguyện viên, tích cực hỗ trợ thành phố công tác hướng dẫn người dân khai báo y tế, làm việc tại các chốt kiểm soát chống dịch...

Sau những tháng chống dịch, nhiều câu chuyện xúc động, tình cảm đẹp cũng đơm hoa giữa các sinh viên tình nguyện viên.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn