Những thách thức lớn của ngành hóa dược năm 2025

Kinh doanh
03:26 PM 31/03/2025

Ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn, chỉ khi có những bước đi quyết liệt và đồng bộ, ngành hóa dược Việt Nam mới có thể vươn mình ra thị trường quốc tế, phục vụ ngành công nghiệp dược phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Phát triển ngành công nghiệp hóa dược là một trong ba phân ngành trọng điểm của sản xuất dược phẩm và đang được xem là động lực quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa và tăng cường sức cạnh tranh quốc gia. 

Những thách thức lớn của ngành hóa dược năm 2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), quy mô thị trường hóa chất dược phẩm toàn cầu đạt 108 tỷ USD vào năm 2022 và được dự đoán sẽ đạt 205,6 tỷ USD vào cuối năm 2032, đạt CAGR là 6,7% trong giai đoạn dự báo từ năm 2023 đến năm 2032.

Còn tại Việt Nam, thị trường dược phẩm Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2020 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 10-15% mỗi năm trong những năm tới. Sự phát triển này phản ánh nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe của người dân, cũng như sự quan tâm của chính phủ trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Song để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng, ngành công nghiệp hóa dược vẫn cần vượt qua nhiều thách thức. 

Nhìn chung ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam chưa phát triển mạnh, hầu hết các doanh nghiệp dược trong nước đều sản xuất các loại thuốc thông thường, phổ biến trên thị trường như một số loại kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.... trong khi các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị có yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa sản xuất được. 

Cả nước hiện nay chỉ có 6 doanh nghiệp đăng ký sản xuất hóa dược, trong đó có 3 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn WHO-GMP. Sản phẩm của các doanh nghiệp này tương đối đơn giản bao gồm terpin hydrat, hydroxit magie, cacbonat canxi, phosphate canxi, gelatin... 

Các doanh nghiệp hóa dược trong nước có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ và thiết bị khá lạc hậu nên giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh thấp. Các sản phẩm chiết xuất từ cây dược liệu như tinh dầu, cao dược liệu chất lượng chưa cao và chủ yếu được sử dụng trong nước để sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc xuất khẩu.

Để chuyển đổi sang sản xuất công nghệ cao, ngành hóa dược cần có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và nhà khoa học có trình độ chuyên sâu. Song hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Hệ thống chuỗi giá trị từ sản xuất dược liệu, chế biến nguyên liệu, sản xuất dược phẩm đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều điểm yếu. Hoạt động bào chế thuốc mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thuốc tính theo số lượng và 50% tính theo giá trị, song sử dụng nguyên liệu nhập khẩu là chủ yếu, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ cho nhu cầu sản xuất thuốc (khoảng 5,2% cho thuốc tân dược và khoảng 20% cho thuốc đông dược). Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả sản xuất mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng.

Ngành hóa dược còn phải đối mặt với hạn chế về cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và chính sách ưu đãi đầu tư, nhưng việc thực hiện và phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành vẫn còn tồn tại những điểm chưa đồng bộ. Điều này cản trở quá trình thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trong nước.

Do công nghiệp hóa dược chưa phát triển và sản phẩm của ngành chưa cạnh tranh được với sản phẩm của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ nên phần lớn nguyên liệu sử dụng để bào chế thuốc và sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác đều phải nhập khẩu.

Để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ, từ đầu tư cho R&D, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện quản lý chất lượng, đến khuyến khích đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác quốc tế. 

Nhằm phát triển ngành hóa dược, mới đây, ngày 13/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực tự chủ nguyên liệu, thúc đẩy phát triển ngành dược phẩm trong nước.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn