Những thay đổi trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực
Dù vẫn là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực nhưng vị trí Top 5 đã có những thay đổi đáng chú ý.
Theo số liệu tổng hợp từ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 của Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, 28 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong số đó, 9 mặt hàng có giá trị trên 5 tỷ USD, đóng góp 72,3% tổng kim ngạch - phản ánh rõ nét mức độ tập trung cao của cơ cấu xuất khẩu hiện nay.

Đặc biệt, thứ tự xếp hạng Top 5 ngành hàng dẫn đầu, đóng góp hơn 60% tổng kim ngạch, đã có sự thay đổi.
Nhóm "Điện tử, máy tính và linh kiện" đứng Top 1 xuất khẩu nửa đầu năm với kim ngạch lên tới 47,688 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể so với các nhóm hàng khác. Đây tiếp tục là động lực lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, nhờ vào chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định trở lại và nhu cầu phục hồi từ các thị trường lớn như Mỹ, EU và Hàn Quốc.
Xếp ngay sau là nhóm "Điện thoại các loại và linh kiện", đạt kim ngạch 26,895 tỷ USD. Dù không tăng mạnh như điện tử, đây vẫn là một trong những nhóm hàng quan trọng với tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
"Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng" đã vươn lên vị trí thứ ba, đạt 26,882 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2024. Việc hai nhóm hàng này gần như ngang bằng cho thấy xu hướng chuyển dịch xuất khẩu của Việt Nam đang dần cân bằng hơn giữa điện tử tiêu dùng và thiết bị công nghiệp.
Ngành hàng dệt, may đứng thứ tư, tiếp tục đóng vai trò là một trong những ngành truyền thống có kim ngạch xuất khẩu cao, với tổng giá trị đạt 18,669 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường như Bangladesh hay Ấn Độ, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn duy trì được đơn hàng nhờ chiến lược đa dạng hóa thị trường và chú trọng yếu tố “xanh” trong sản xuất.
Trong khi đó, nhóm "Giày dép" đạt kim ngạch 11,889 tỷ USD, xếp thứ năm trong danh sách. Mức xuất khẩu này cho thấy ngành da giày tuy gặp nhiều khó khăn từ thị trường tiêu dùng suy yếu ở châu Âu, nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định nhờ thị trường Mỹ và các FTA thế hệ mới.
Những kết quả trên không chỉ cho thấy bức tranh tăng trưởng tích cực của xuất khẩu Việt Nam, mà còn phản ánh sự dịch chuyển dần rõ nét về thứ hạng và vai trò giữa các ngành hàng, đặc biệt là sự nổi lên mạnh mẽ của nhóm điện tử và thiết bị công nghiệp trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
An Mai (t/h)
Cho rằng giai đoạn căng thẳng nhất về thuế quan đã qua, Ngân hàng UOB (Singapore) vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay lên mức 6,9% thay vì mức 6% trước đó.