Những thông điệp "bom tấn" dội vào yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông

Quốc tế
03:00 PM 05/06/2020

Đang có những công hàm chính thức của các thành viên Liên Hợp quốc gứi tới người đứng đầu tổ chức hòa bình và an ninh lớn nhất thế giới nhằm phản đối, bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây được xem là các thông điệp “bom tấn” đáp trả tham vọng của Trung Quốc độc chiếm vùng biển này.

Tàu chiến tàng hình USS Gabrielle Giffords của Mỹ và tàu khu trục tàng hình đa năng
 RSS Steadfast của Singapore tiến hành diễn tập mới đây ở Biển Đông.

“Bom tấn ngoại giao” 

Cùng với các quốc gia Đông Nam Á là thành viên ASEAN như Malaysia, Philippines và Việt Nam, Phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên Hợp quốc vừa qua đã gửi công hàm số 126/POL-703/V/20 lên Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres để phản đối một loạt công hàm của Trung Quốc có liên quan tới yêu sách đường chín đoạn (còn gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường lưỡi bò chín đoạn”) mà theo đó đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Các công hàm của Trung Quốc bị Indonesia phản đối gồm: công hàm của Bắc Kinh phản đối đơn yêu cầu xác định vùng thềm lục địa mở rộng (bao gồm vùng biển ở Nam Biển Đông) của Malaysia; công hàm của Bắc Kinh phản đối các tuyên bố chủ quyền hợp pháp của Việt Nam; công hàm của Bắc Kinh phản đối tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.

Đây không phải lần đầu tiên Indonesia gửi công hàm phản đối Trung Quốc về các vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Là một quốc gia nằm trong khu vực Biển Đông, Indonesia luôn lên tiếng phản đối mỗi khi Trung Quốc đưa ra những yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp tại vùng biển này.

Năm 2010, Indonesia đã gửi một công hàm ngoại giao lên Liên Hợp quốc để khẳng định lập trường mạnh mẽ đối với các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông khi đó. Trong công hàm này, Indonesia tuyên bố rằng, yêu sách đơn phương “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông “rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”. 

Đầu năm 2020, Indonesia cũng đã có các thông cáo, công hàm ngoại giao phản đối sau khi một đội tàu đánh cá của Trung Quốc bị phát hiện đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở phía bắc vùng biển thuộc quần đảo Natuna. Indonesia khẳng định Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển thuộc chủ quyền của nước này ở quần đảo Natura.

Bằng cách liên tục chỉ trích, phản đối mọi yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Indonesia rõ ràng khẳng định lập trường xuyên suốt thách thức tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển này để bảo vệ quyền lợi của mình theo luật pháp quốc tế. Lợi ích chiến lược của Indonesia là tiếp tục phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc và tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật pháp hiện hành, đồng thời chống lại hệ thống mà Trung Quốc đang tìm mọi cách thiết lập theo yêu sách đơn phương để xa rời dần các quy tắc được quốc tế công nhận.

Đáng chú ý, trong công hàm số 126/POL-703/V/20 gửi Tổng thư ký Liên Hợp quốc vừa qua, Indonesia đã lần đầu tiên công khai ủng hộ phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines, đồng thời nhấn mạnh Indonesia “không bị ràng buộc bởi bất cứ tuyên bố chủ quyền nào trái với luật pháp quốc tế”. Theo phán quyết này, các yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đều không có các cơ sở pháp lý quốc tế. 

Việc Indonesia lần đầu tiên khẳng định sự ủng hộ đối với phán quyết của PCA đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines trong một công hàm chính thức gửi Liên Hợp quốc được giới bình luận cho rằng là một “bom tấn ngoại giao”. Bởi sau khi PCA có phán quyết năm 2016, nhiều tiếng nói ở Indonesia đã thúc giục Jakarta công khai ủng hộ phán quyết này, song Indonesia mới chính thức đưa vào công hàm 126/POL-703/V/20 gửi Tổng thư ký Liên Hợp quốc.

Hợp tác ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông

Là quốc gia nằm trong khu vực Biển Đông song Indonesia không phải là một bên trong cuộc tranh chấp chủ quyền “5 nước 6 bên” (gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan). Tuy nhiên, yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò” và “Tứ Sa” của Trung Quốc đã đòi chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, trong đó bao phủ cả tới vùng biển thuộc quần đảo Natura gồm 270 đảo với nhiều tài nguyên như hải sản, khí đốt... và một hệ sinh thái rất đa dạng ở phía Nam Biển Đông thuộc chủ quyền của Indonesia.

Trong công hàm CML/14/2019 gửi lên Ủy ban về ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp quốc vào ngày 12-12-2019, Trung Quốc đã phản phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia. Tại công hàm này, Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc có chủ quyền đối với 4 nhóm đảo mà nước này gọi bằng 4 cái tên Hán hóa là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield); Trung Quốc có các vùng biển (nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) từ các nhóm thực thể; và Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông. Đây cũng là lần đưa yêu sách chủ quyền theo thuyết “Tứ Sa” vào văn bản chính thức gửi Liên Hợp quốc.

Với công hàm CML/14/2019, Trung Quốc đã công khai đòi chủ quyền với phần lớn diện tích ở Biển Đông bất chấp PCA đã ra phán quyết là yêu sách đơn phương này là bất hợp pháp. Những quốc gia có chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông, cũng như các quốc gia có lợi ích liên quan tới vùng biển này, hay những quốc gia tôn trọng và bảo vệ luật pháp quốc tế, không thể không phản đối, phủ nhận yêu sách đòi chủ quyền ngang ngược và phi pháp này của Trung Quốc.

Trước Indonesia và ngay sau khi Trung Quốc gửi công hàm CML/14/2019 lên Liên Hợp quốc, Philippines (ngày 6-3-2020), Việt Nam (ngày 30-3-2010) và mới nhất là Mỹ (ngày 1-6-2020) đã gửi liên tiếp các công hàm lên Liên Hợp quốc để phản đối CML/14/2019 của Trung Quốc, đồng thời phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong đó, công hàm số 22/HC-2020 của Việt Nam đã phản đối một cách hệ thống các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế của Trung Quốc, bao gồm yêu sách “đường lưỡi bò” và yêu sách “Tứ Sa”, khẳng định các các yêu sách này của Trung Quốc hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS 1982, đồng thời vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. 

Cùng với những “bom tấn” công hàm “dội” xuống yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, các quốc gia liên quan trong khu vực còn bác bỏ tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh bằng các hành động thực tế. Chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 2-6 tuyên bố trì hoãn kế hoạch hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) - một thỏa thuận quân sự then chốt với Mỹ - nhằm hợp tác đối phó với sự “bắt nạt” của Trung Quốc hòng áp đặt chủ quyền ở Biển Đông. 

Indonesia, Singapore, Malaysia… cũng đều có những động thái tăng cường lực lượng hải quân, đồng thời gia tăng hợp tác với Mỹ trong các hoạt động diễn tập, tuần tra ở Biển Đông khi mà Trung Quốc ráo riết thực hiện quân sự hóa hòng dùng sức mạnh để áp đặt yêu sách chủ quyền phi pháp.

Ý kiến của bạn
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.