Những thương hiệu đình đám một thời đã 'biến mất'
Vì không thể bắt kịp xu hướng và thay đổi trên thị trường, nhiều thương hiệu đình đám một thời đã phải đóng cửa trong nuối tiếc.
Dưới đây là 10 thương hiệu đình đám từng trải qua thời hoàng kim kéo dài hàng thập kỷ đã rơi vào dĩ vãng.
Compaq
Theo Digital Trends, Compaq là một trong những tên tuổi máy tính đầu tiên và gạo cội trên thế giới trong những thập niên 80 và 90. Kỷ nguyên vàng của công ty này kết thúc vào năm 2002, sau những biến động, phần lớn vì sự cạnh tranh từ Dell. Cuối cùng, công ty này sáp nhập vào Hewlett-Packard Co..
Hãng này chính thức bị khai tử năm 2013.
General Foods
Tiền thân của công ty này là C.W.Post’s Postum Cereal Co., thành lập năm 1895 bởi C.W.Post. Những nhãn hàng ngũ cốc của công ty này được phát triển vào khoảng đầu thế kỷ 20, bao gồm Grape Nuts, Post Toasties và Post 40% Bran Flakes, theo bách khoa toàn tư Brittanica.
Sau khi chuyển thành General Foods, công ty trở nên nổi tiếng trong việc sản xuất những nhãn hàng thực phẩm hộ gia đình hơn nửa thế kỷ. Công ty sau đó được mua lại bởi Phillip Morris vào năm 1985. Kể từ năm 1989, những thương hiệu của General Foods được phân phối bởi Kraft Foods Inc.
Enron
Thành lập năm 1985, Enron là một trong những công ty mua bán, cung cấp nhiên liệu lớn và có tầm ảnh hưởng, theo trang Investopedia đưa tin.
Enron gặp vấn đề về tài chính và đã che giấu điều này bằng những chiêu thức kế toán tinh vi. Công ty này còn lên kế hoạch che mắt nhà đầu tư về tình trạng thật của mình, ngay cả một công ty kế toán danh tiếng cũng tin vào sức mạnh của Enron.
Sau đó, những vấn đề cứ thế phồng to lên. Nhiều lãnh đạo của tập đoàn này bị cáo buộc hình sự và tống giam. Theo Investopedia, vụ phá sản của Enron được cho là lớn nhất từ trước đến nay khi công ty đệ đơn vào cuối năm 2001.
F.W Woolworth Co.
Là một trong những cái tên dẫn đầu trong ngành bán lẻ Mỹ, Woolworth vốn là một công ty tiên phong mở chuỗi cửa hàng bán lẻ. Công ty này mở cửa hàng đầu tiên năm 1879 và thu lợi dựa trên "số lượng, quầy trưng bày hàng hóa, và những giao dịch tiền tươi", theo Brittanica.
Tuy vậy, khi càng nhiều người Mỹ chọn sống ở ngoại ô, công ty này bắt đầu chật vật để cạnh tranh và dần bị đè bẹp bởi những trung tâm thương mại và cửa hàng giảm giá, bao gồm cả Kmart, khi đó đang phát triển mạnh.
Sau khi đổi tên thành Venetor Group (1998), công ty này ngày càng phụ thuộc vào những hoạt động bán lẻ khác, bao gồm cả Foot Locker. Đây là thương hiệu chính của công ty. Và cuối cùng vào năm 2001, công ty này đã đổi tên thành Foot Locker.
Ngày nay, Woolworth trở thành công ty bán hàng trực tuyến và chỉ sót lại vài cửa hàng.
Blockbuster
Thành lập ở Dallas năm 1985, chuỗi cửa hàng cho thuê phim Blockbuster đã thống lĩnh thị trường xem phim tại gia ở Mỹ.
Công ty đóng cửa hầu hết cửa hàng năm 2010 sau khi thất bại trong cuộc đua với Netflix và những công ty khác. Những công ty này không thông qua đại lý, mà chỉ thu tiền khách một lần và gửi thẳng đĩa CD đến nhà khách hàng.
Pan American World Airways (Pan Am)
Pan Am từng là công ty hàng không vận tải hành khách lớn nhất thế giới cho đến khi bị đóng cửa năm 1991, theo ghi chép của Business Insider.
Giá nhiên liệu tăng cao, nhu cầu đi lại giảm, sự buông lỏng quản lý và cạnh tranh tăng cao là những tác nhân gây thiệt hại cho công ty trong những năm 70.
Một tác nhân khác gây nên sự sụp đổ của gã khổng lồ Pan Am là vụ khủng bố đánh bom năm 1988. Chuyến bay 103 đã bị đánh bom khi trên không phận Scotland, dẫn đến cái chết của hơn 260 người.
Oldsmobile
Trong suốt trang sử dài hơn một thế kỷ của mình (1897-2004), Oldsmobile đã sản xuất hơn 35 triệu xe, theo ghi chép của Cục Thống kê Dân số Mỹ.
Hãng xe quốc dân này sau đó suy yếu, và tập đoàn GM - công ty mẹ của Oldsmobile từ năm 1908, đã công bố doanh số lao dốc và tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp trước khi đóng cửa công ty năm 2004.
Borders
Borders phát triển từ một nhà sách đơn lẻ ở Ann Arbor, Michigan, trở thành một trong những nhà phân phối sách lớn nhất nước Mỹ nửa cuối thế kỷ 20. Khi mọi thứ dần chuyển sang thời đại kỹ thuật số, công ty này cũng đầu tư vào đĩa CD và DVD, theo NPR.
Công ty này đóng cửa và tuyên bố phá sản năm 2011, sau 40 năm hoạt động.
Tower Records
Thành lập năm 1960, Tower Records là công ty đã làm cho những siêu cửa hàng nhạc trở nên phổ biến. Công ty này tuyên bố phá sản năm 2004, nguyên do là "nợ nần chồng chất, đạo nhạc và iTune".
Delorean Motor Co.
Công ty này nổi tiếng với mẫu thiết kế xe có kiểu cửa cánh chim, làm từ vật liệu thép không gỉ, được dùng trong phim "Back to the future". Nhà sáng lập John DeLorean, rời vị trí lãnh đạo tập đoàn GM để thành lập công ty năm 1973.
DeLorean đã tìm đến nhà thiết kế người Italy để tạo nên một mẫu xe thể thao an toàn, tiết kiệm và bền bỉ. Tuy nhiên, nhu cầu về xe đắt đỏ không đủ mạnh đã đẩy công ty này đến mức phá sản.
Công ty của DeLorean tuyên bố phá sản năm 1982. Tài sản còn lại của thương hiệu này hiện thuộc sở hữu của Steven Wynne.
Kim Thoa (Theo Moneytalks)Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.